Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh tuổi xế chiều...

03:08, 14/08/2020

Theo lẽ thường, những người cao tuổi thường được an nhàn, vui vầy bên con cháu, không còn phải lo toan, vất vả. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống, vẫn có không ít những người dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn mưu sinh nơi phố thị. Ông Trần Văn Kế (80 tuổi), ngụ tại KP.1, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa là một trong những hoàn cảnh như thế.

Theo lẽ thường, những người cao tuổi thường được an nhàn, vui vầy bên con cháu, không còn phải lo toan, vất vả. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống, vẫn có không ít những người dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn mưu sinh nơi phố thị. Ông Trần Văn Kế (80 tuổi), ngụ tại KP.1, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa là một trong những hoàn cảnh như thế.

Ông Trần Văn Kế bên chiếc xe chở gỏi đu đủ bán rong dọc các tuyến đường ở P.Hố Nai, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa. Ảnh: M.Ny
Ông Trần Văn Kế bên chiếc xe chở gỏi đu đủ bán rong dọc các tuyến đường ở P.Hố Nai, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa. Ảnh: M.Ny

Hằng ngày trên tuyến đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua P.Hố Nai, quốc lộ 1, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), hình ảnh một ông cụ lưng đã gù, đẩy chiếc xe đạp chở gỏi đu đủ chậm chạp lê từng bước chân ven đường đã trở nên quen thuộc với những người dân trong khu vực. Người dân ở đây không gọi ông bằng tên mà thân thương gọi là ông lão bán gỏi đu đủ. Thực ra, có thể họ cũng không biết tên ông là gì, mà chỉ biết rằng, ông hiền lắm nhưng bị cái nghèo bám riết cuộc đời.

Chị Huỳnh Thị Nga, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh cho biết: “Mỗi ngày đi làm, tôi thường gặp ông Kế đẩy xe gỏi đu đủ đi dọc tuyến đường Nguyễn Ái Quốc để bán rong. Lúc đầu, tôi không biết tên ông. Mua gỏi cho ông lâu dần thành quen, thi thoảng dừng lại hỏi thăm sức khỏe của ông. Điều đáng trân trọng là những người lớn tuổi như ông vẫn luôn cố gắng, nỗ lực làm việc tự nuôi sống bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào bất cứ ai”.

Ông Kế kể, ông làm nghề bán gỏi đu đủ đến nay đã 50 năm. Đây là nghề gia truyền, từ ông bà, rồi cha mẹ ông truyền lại. Đều đặn mỗi ngày, ông dậy từ 3 giờ để chuẩn bị và chế biến nguyên liệu, đến 8 giờ thì đẩy xe đi bán rong và trở về lúc 17 giờ. Trước đây, vợ của ông là bà Nguyễn Thị Hải (79 tuổi) cũng phụ chồng đi bán hàng để nuôi 3 người con gái. Nhưng hơn 20 năm nay, bà Hải bị tai biến và nằm liệt một chỗ. Nguồn thu nhập chính của gia đình vì thế chỉ trông chờ “may, rủi” qua từng ngày bán gỏi.

“Mỗi ngày tôi bán khoảng 3kg gỏi đu đủ, số tiền kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Những ngày may mắn, tôi bán được hết số gỏi. Có hôm không bán được gói nào. Gặp đợt dịch này, công việc bán gỏi lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, vợ chồng tôi già rồi, ăn rất ít. Bà ấy (vợ ông) thì nằm một chỗ, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa qua ngày. Số sữa ấy do con gái út (chưa lấy chồng) làm nghề may vá mua cho” - ông Kế chia sẻ.

Mặc dù có 3 người con gái nhưng hoàn cảnh của các con ông Kế cũng rất khó khăn, không phụ được ông bà nhiều. Ông bảo, từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu như ông phải đẩy đi đẩy về nguyên thùng gỏi. Thi thoảng có người thương tình mua ủng hộ ông 1-2 gói, có khi họ biếu luôn ông khoản tiền thối lại. Ông Kế bộc bạch: “Bữa nào đi bán mà nắng quá thì tôi vừa đẩy vừa nghỉ. Bữa mưa quá đi không được, tôi chỉ ngồi nhà. Nhưng ở nhà buồn lắm. Vừa không kiếm được tiền và buồn chân”.

Những vòng bánh xe của ông Kế mỗi ngày cứ từ tốn lăn trên những con đường đông đúc của TP.Biên Hòa hối hả. Giữa dòng xe cộ cuồn cuộn ấy, bước chân ông di chuyển chậm chạp. Cái nghèo đeo bám cuộc đời, hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ của ông. Nhưng ông Kế chọn cách sống chấp nhận hoàn cảnh, lấy lao động làm niềm vui sống. Ông nói rằng, ông không mong mình sẽ được đổi đời mà chỉ hy vọng chiếc xe chở gỏi đu đủ sẽ giúp ông nuôi sống chính mình và gia đình trong những ngày sắp tới.

My Ny

Tin xem nhiều