Báo Đồng Nai điện tử
En

Thú chơi đồ cổ của người Đồng Nai

09:09, 04/09/2020

Là mảnh đất giàu có về văn hóa và nghệ thuật, thú chơi đồ cổ đã trở thành nét tính cách đặc biệt của người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Thú chơi này đã xuất hiện từ rất lâu, có thời gian thoái trào, nhưng đến nay đã hưng thịnh trở lại.

Là mảnh đất giàu có về văn hóa và nghệ thuật, thú chơi đồ cổ đã trở thành nét tính cách đặc biệt của người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Thú chơi này đã xuất hiện từ rất lâu, có thời gian thoái trào, nhưng đến nay đã hưng thịnh trở lại.

Ông Tô Văn Quý (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) bên cổ vật và kỷ vật thời chiến sưu tầm hơn 30 năm qua. Ảnh: L.Na
Ông Tô Văn Quý (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) bên cổ vật và kỷ vật thời chiến sưu tầm hơn 30 năm qua. Ảnh: L.Na

Nhờ sự say mê sưu tập đồ cổ của nhiều người mà ngày nay chúng ta có thể thưởng thức những món hàng xưa cũ độc đáo. Những món đồ cổ còn hiện hữu ấy có thể là tinh hoa văn hóa của một vùng đất hay của một giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

* Đam mê...

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Điền (ấp 7, xã Gia Canh, H.Định Quán). Nhìn bên ngoài, căn nhà cấp bốn nhỏ trông cũng bình thường như bao căn nhà khác ở vùng quê, nhưng ít ai biết bên trong đang chứa cả một thế giới đồ cổ. Đó là những món đồ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm, từ chiếc đồng hồ treo tường, thiết bị âm thanh đến những món đồ bằng đồng hay gốm sứ. Đặc biệt, bộ sưu tập gốm xưa của ông lưu dấu ấn văn hóa gốm Bát Tràng, gốm Biên Hòa, gốm cây Mai, gốm Lái Thiêu...

Ông Điền quê ở Nghệ An. Năm 1990, theo lời khuyên của những người thân, ông đưa gia đình vào miền Nam làm ăn, phát triển kinh tế. Mới đầu, ông vừa đi làm thuê vừa mướn đất ở xã Gia Canh để chăn nuôi và trồng hoa màu, trang trải cuộc sống. Do chí thú làm ăn, vợ chồng ông cũng cất được một ngôi nhà, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Vài năm trở lại đây, khi phong trào chơi sinh vật cảnh phát triển, ông đã chuyển qua trồng, chăm sóc và bán cây cảnh. Có thời gian đi nhiều nơi, kiếm được nhiều cây độc, lạ cũng là lúc ông “săn” cho mình được nhiều món đồ cổ, nhiều nhất là các bình gốm cổ.

Ở đời muôn sự của chung. Văn hóa dân tộc cũng vậy, nó là thuộc về dân tộc. Những người sưu tầm đồ cổ ở Đồng Nai chỉ xem mình là người đi “góp nhặt” cho một niềm đam mê. Họ chỉ xem bản thân mình là người có duyên nắm giữ được cổ vật mà thôi. Chính thú chơi đồ cổ này đã góp phần giúp Biên Hòa - Đồng Nai gìn giữ được một phần những giá trị văn hóa, những di sản quý báu mà cha ông ta đã tạo nên. Đó cũng là một cách để giữ gìn văn hóa và lưu giữ sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, để nuôi dưỡng tâm hồn con người lớn lên trong sự trân trọng và biết ơn những bậc tiền nhân .

Để thỏa niềm đam mê, ông Điền chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc bán cây cảnh để mua các món đồ cổ giá trị. Ngoài việc chịu khó rong ruổi sưu tầm đồ cổ, ông còn dành thời gian gặp gỡ giới sưu tầm đồ cổ trong và ngoài tỉnh để nâng cao kiến thức về cổ vật. Hiện gia tài của ông có hơn 300 món đồ cổ như: búa, cối xay bằng đá, lư đồng, cồng chiêng, đồ sứ thời Minh Thanh, đồ men lam Triều Nguyễn ở Huế... Trong đó, có gần 100 bình, lọ, chum, chóe, bát đĩa, ấm bằng gốm cây Mai, gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa với họa tiết cổ xưa, chạm khắc tinh xảo. Đây là dòng gốm nổi tiếng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Điền hào hứng kể về cơ duyên khiến ông gắn bó với công việc sưu tầm đồ cổ cũng như chia sẻ về những món đồ mà ông yêu quý, lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Cả những băn khoăn về một món đồ chưa giải mã ông cũng không giấu giếm: “Mua được nhiều đồ cổ, nhưng không phải món nào tôi cũng hiểu rõ xuất xứ của nó. Vừa sưu tầm, tôi vừa lên các trang mạng tìm hiểu vừa tham gia vào các nhóm chơi đồ cổ để nhờ những người chơi tư vấn thêm. Mặc dù nhiều món đồ chưa hiểu tường tận nhưng tôi vẫn gìn giữ, hy vọng sẽ có ngày tìm ra được lời đáp”.

Bởi quan niệm “chơi cho đã cơn thèm” nên ông Điền nói rằng, ông chưa bán một đồ cổ nào từ ngày sưu tầm được đến nay. “Trong các thú chơi, chơi cây cảnh tôi có thể bán chứ chơi đồ cổ thì không. Tôi cảm thấy sảng khoái khi tự mình đi “săn” được những đồ cổ, tự mình mày ngồi lau chùi, mày mò tìm hiểu và học hỏi giá trị của từng món đồ” - ông Điền chia sẻ.

Cũng giống như ông Điền, ông Tô Văn Quý (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) cũng có 30 năm sưu tầm và lưu giữ đồ cổ. Đặc biệt, bộ sưu tập của ông nổi bật là những kỷ vật chiến tranh như: mũ cối, mũ tai bèo, áo trấn thủ, bình toong, máy chiếu phim, máy đánh chữ, radio, đèn bão... trong đó có cả những kỷ vật của trong gia đình ông (bố và 3 anh trai ông Quý đều đi bộ đội). Đây là những kỷ vật đã gắn bó với cha ông ta qua công cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ
quyền của dân tộc.

Theo kinh nghiệm của ông Quý, để tìm hiểu về đồ cổ, trước tiên là tìm hiểu, quan sát kiểu dáng, màu sắc, nếu là đồ sành sứ phải xem nước men, dưới đáy thường có chữ và dấu mốc, rồi sau đó là trao đổi với các nhà nghiên cứu để có đáp án chính xác. Ông Quý bộc bạch: “Với kỷ vật chiến tranh, trong mấy chục năm qua, tôi đã nhặt nhạnh, mua từng món đồ, từ bộ phận để có được bộ sưu tập như bây giờ. Mỗi ngày, nhìn những sản phẩm mà mình kiếm tìm và lưu giữ, tôi rất vui và hài lòng. Đó là công sức, là niềm đam mê của tôi”.

* Lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa

Không chỉ ông Điền, ông Quý mà ở Đồng Nai còn có hàng trăm người đam mê sưu tầm, gìn giữ những món đồ cổ thuộc thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm. Có thể kể đến những cái tên như: Nguyễn Khánh (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), Võ Lê Minh (P.Xuân Trung, TP.Long Khánh), Sằn Sình Hứng (xã Sông Thao, H.Trảng Bom)... Từ đam mê, những nhà sưu tầm này bỗng trở thành những người “nghiên cứu” về đồ cổ từ lúc nào không hay. Say mê với đồ cổ, họ cũng say mê luôn với độ thâm sâu của “ngọn lửa” trong từng hiện vật mà họ có được. Nhờ đó, họ tìm thấy sự tĩnh tâm, lắng đọng tâm hồn trong thú chơi này.

Ông Hoàng Văn Điền (xã Gia Canh, H.Định Quán) bên bình gốm cổ trưng bày tại nhà
Ông Hoàng Văn Điền (xã Gia Canh, H.Định Quán) bên bình gốm cổ trưng bày tại nhà

Với người chơi đồ cổ, họ luôn xem mỗi một hiện vật như là một “trang sử” có linh hồn, linh khí rất riêng. Vậy nên việc chia sẻ những “trang sử” này cho cộng đồng cùng tìm hiểu, thưởng ngoạn là việc nên làm, cần làm. Như anh Đinh Văn Minh (TT.Định Quán, H.Định Quán), có trong tay một gia tài kha khá về những món đồ cổ, đặc biệt là bộ sưu tập cồng chiêng và tiền xu qua các thời kỳ, anh không cất giữ cho riêng mình mà mở không gian cà phê riêng để trưng bày, giới thiệu đồ cổ. Anh nói rằng thú chơi đồ cổ vừa là đam mê, vừa là cách để lưu giữ dấu xưa, nhắc nhở anh không bao giờ được phép quên cội nguồn, tiên tổ, quê hương.

 “Con người có nhiều thứ nên quên đi, nhưng gốc gác văn hóa bản quán thì phải nhớ. Chính vì thế mà tôi luôn trân quý, gìn giữ những món đồ cổ, những bình gốm hay những đồng tiền cổ bởi nó là minh chứng sinh động nhất chứng minh những trầm tích văn hóa qua các thời kỳ cha ông ta để lại” - anh Minh nói.

Ly Na

Tin xem nhiều