Báo Đồng Nai điện tử
En

Lục tỉnh cầm ca: Bộ sách quý về nghệ thuật cổ truyền Nam bộ

09:10, 30/10/2020

"Cư dân Việt bắt đầu xuất hiện ở khu vực Nam bộ (cụ thể là vùng Đồng Nai)" - đó là một trong những dấu mốc lịch sử được liệt kê trong bộ sách Lục tỉnh cầm ca vừa xuất bản cuối tháng 10-2020. Đây là "kho tàng" tư liệu quý giá dành cho những ai say mê và thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam.

“Cư dân Việt bắt đầu xuất hiện ở khu vực Nam bộ (cụ thể là vùng Đồng Nai)” - đó là một trong những dấu mốc lịch sử được liệt kê trong bộ sách Lục tỉnh cầm ca vừa xuất bản cuối tháng 10-2020. Đây là “kho tàng” tư liệu quý giá dành cho những ai say mê và thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam.

Lục tỉnh cầm ca (NXB Văn hóa - văn nghệ TP.HCM ấn hành, Hội đồng Anh hỗ trợ) gồm 4 quyển: Đường vào Hát bội, Đường vào Diễn xướng dân gian Nam bộ, Đường vào Đờn ca tài tử và Đường vào Cải lương. Bộ sách do nhóm tác giả thuộc CCD (Cultural Community Discourse - Đối thoại Văn hóa cộng đồng) bắt tay thực hiện từ cuối năm 2017.

* “Giáo trình” về nghệ thuật cổ truyền Nam bộ

“Nam bộ, với vai trò là vùng đất cuối cùng của lưu dân người Việt, trở thành nơi giao thoa của nhiều dòng văn hóa khác nhau, tạo nên một phức thể văn hóa đặc biệt. Từ thế kỷ XVII, mảnh đất Đồng Nai - Gia Định trở thành vùng đất mới với lưu dân đến lập nghiệp đa phần là cư dân Thuận Quảng. Vì lẽ đó, văn hóa Thuận Quảng là hạt giống đầu tiên gieo trồng trên vùng thổ ngơi mới này.

Theo dòng lịch sử, vùng đất sông nước Đồng Nai, Gia Định tiếp nhận nhiều làn sóng văn hóa: từ văn hóa của cộng đồng người Minh Hương đến văn hóa phương Tây do người Pháp mang tới. Cá tính văn hóa của vùng đất Nam bộ mang tính chất mở: nó thâu hóa tất cả những gì từ nơi khác hội tụ về đây.

“Bộ sách Lục tỉnh cầm ca giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận, am hiểu và thêm yêu quý nghệ thuật sân khấu nước nhà. Từ đó chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa cổ truyền, giúp cho những loại hình nghệ thuật đặc trưng không bị lãng quên” - nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca hy vọng.

Do đó, nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận Quảng thì không muộn hơn là bao là sự giao lưu với văn hóa Khmer, Hoa và sau đó là văn hóa phương Tây. Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Nam bộ đã trở thành một phức thể mang tính chất tổng hợp và đa dạng rõ rệt” - đó là lời đầu giới thiệu mang tính “tri ân cội nguồn” của Lục tỉnh cầm ca.

Bộ sách đánh dấu nhiều cột mốc lịch sử - văn hóa gắn với nghệ thuật dân gian, được tập hợp công phu qua nhiều nguồn tư liệu quý hiếm, kết hợp kinh nghiệm tổ chức các chương trình Diễn xướng Nam bộ của CCD với các nhóm nghệ sĩ tham gia dự án gồm: Ban đờn ca tài tử Sáu Hưng, Đoàn hát bội Ngọc Khanh, nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh, nghệ sĩ Thanh Sơn và học trò, Ban sắc bùa Phú Lễ...

Các tác giả còn được sự tham vấn từ các nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ như: Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Lê Hải Đăng, Vương Hoài Lâm, Ban nghệ thuật cổ truyền Vạn Đức Quang…

“Chúng tôi mong góp phần mang nghệ thuật cổ truyền Nam bộ tiếp cận với các bạn thanh niên, độc giả trẻ bước đầu học cách thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam. Các kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật hát bội, cải lương, diễn xướng dân gian và đờn ca tài tử Nam bộ được trình bày cô đọng. Bộ sách còn như một bước đầu nỗ lực thể nghiệm một giáo trình dẫn nhập, giúp các bạn trẻ tiếp cận và tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền một cách dễ dàng và sinh động hơn. Độc giả có thể tham khảo từ bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng đến sân khấu hóa chất liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại” - anh Phan Khắc Huy và chị Lục Phạm Quỳnh Nhi, đại diện nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca chia sẻ trong buổi ra mắt sách tại TP.HCM.

* Đường vào Diễn xướng dân gian Nam bộ

Sách quý giới thiệu bốn loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu ở hai thể loại “hầu như đã mất đi hoặc có nhiều biến đổi xa xôi so với cội nguồn”. Đó là Diễn xướng trữ tình (hò, dân ca, Lý Nam bộ) và Diễn xướng nghi lễ (hát bóng rỗi - một hình thức diễn xướng tổng hợp của nghi lễ thờ nữ thần vốn có phong cách và làn điệu ổn định, hát sắc bùa…). Dẫu vậy, “cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật dân gian này là kết tinh văn hóa của các thế hệ đi trước, vẫn cần khán giả trẻ lưu tâm tìm hiểu mà chắt lọc, kế thừa”.

* Đường vào Hát bội

Trong sách Đường vào Hát bội, tài liệu quý đánh giá hát bội là “loại hình sân khấu ước lệ, tượng trưng, từng chiếm vị trí rất quan trọng trong văn hóa Việt, nhất là ở miền Nam. Toàn bộ cái hay, cái đẹp của hát bội nằm trong hệ thống quy phạm nghiêm ngặt.

Nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca và nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giao lưu tại TP.HCM
Nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca và nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giao lưu tại TP.HCM

Từ trang phục đến hóa trang, từ nhạc khúc - lời ca cho đến điệu bộ. Hát bội chỉ cần phô diễn một cách điêu luyện, đẹp mắt các quy phạm này trên sân khấu là đã đầy đủ một cách trọn vẹn như nó vốn là. Chứ không “tả thực” như các loại hình sân khấu khác”.

* Đường vào Đờn ca tài tử

Tác giả trẻ Lục Phạm Quỳnh Nhi (23 tuổi) tự nhận mình là “một người trẻ đem lòng mến mộ cổ nhạc và vẫn đang bước trên con đường học hỏi về đờn ca tài tử, mong cuốn sách là một lời mời chân thành để âm nhạc tài tử có thể xuất hiện trong playlist của người trẻ”.

Đờn ca tài tử vốn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới (năm 2013) - theo Quỳnh Nhi - “là một “sản phẩm” tập thể mà ở đó vừa có sự đóng góp của văn hóa dân gian theo chân lưu dân Việt ở Đàng trong vào Nam, có nhạc lễ cung đình, âm nhạc miền Trung và sự giao lưu với các cộng đồng Hoa, Chăm, Khmer. Bên cạnh đó là sự sáng tạo không ngừng của các nhạc công miền Nam để tạo ra bản sắc riêng của vùng đất mới”. Cảm nhận vẻ đẹp của lời ca, tiếng đờn, tác giả tin rằng “những giá trị của âm nhạc tài tử vẫn có thể đóng góp cho xã hội đương thời”.

* Đường vào Cải lương

Theo sách Đường vào Cải lương thì hai từ “cải lương” hiểu theo nghĩa chiết trung nhất là “thay đổi làm cho mới, đẹp hơn”, là hệ quả của quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây, tác động lên nhiều mặt của xã hội Việt Nam đương thời. Thuật ngữ “cải lương” xuất phát từ một trào lưu tư tưởng chính trị Tây phương là chủ nghĩa cải lương (réformisme) được các dịch giả giới thiệu trên báo chí Việt Nam trước năm 1905.

Nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca cho rằng, cải lương là loại hình diễn xướng cuối cùng được vùng đất Nam bộ sản sinh. “Cải lương đã thủ đắc được vốn ca phong phú của miền này, kế thừa được những kinh nghiệm sáng tạo của các loại hình sân khấu khác và thừa hưởng các thành tựu từ đờn ca tài tử” - các tác giả tập sách nhận định.

Thanh Yến

 

Tin xem nhiều