Báo Đồng Nai điện tử
En

Người 'thổi hồn' cho cây cảnh

10:10, 30/10/2020

Trong giới bonsai, cây cảnh ở Đồng Nai, gần như không ai lại không biết đến anh Lâm Trung Nghĩa (33 tuổi) ngụ ở P.Tân Phong, TP.Biên Hòa.

Trong giới bonsai, cây cảnh ở Đồng Nai, gần như không ai lại không biết đến anh Lâm Trung Nghĩa (33 tuổi) ngụ ở P.Tân Phong, TP.Biên Hòa.

Anh Lâm Trung Nghĩa bên chậu bonsai có giá 350 triệu đồng trưng bày tại Chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên lần thứ 10-2020
Anh Lâm Trung Nghĩa bên chậu bonsai có giá 350 triệu đồng trưng bày tại Chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên lần thứ 10-2020

Đam mê cây cảnh từ nhỏ, đến nay anh Nghĩa đã có hơn 17 năm kinh nghiệm chăm sóc và tạo dáng cho bonsai, cây cảnh.

1. Sinh ra và lớn lên ở P.Tân Phong, từ nhỏ anh Lâm Trung Nghĩa sớm được giao lưu với những người chơi bonsai, cây cảnh trên địa bàn. Trong những năm tháng học phổ thông, anh cùng với người bạn thân lặn lội đi nhiều nơi tìm kiếm những chậu cây mới về trồng. Từ trồng cây, anh dần yêu thích và say mê rồi gắn bó với nghề trồng cây cảnh lúc nào không hay.

Thời gian đến với nghề trồng cây cảnh, anh Nghĩa không qua trường, lớp đào tạo về chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh nào. Tuy nhiên, với sự tìm tòi, nghiên cứu, anh đã sáng tạo ra các dáng, thế mà mình yêu thích; đồng thời thường xuyên giao lưu, học hỏi các nhà vườn nổi tiếng để nâng cao kiến thức, tay nghề.

Nói về anh Lâm Trung Nghĩa, Chủ nhiệm CLB sinh vật cảnh Trấn Biên Chu Thị Như Đào chia sẻ: “Đó là một trong những tấm gương điển hình về kỹ thuật chăm sóc và tạo tác bonsai, cây cảnh ở Biên Hòa. Bản thân anh Nghĩa tham gia rất nhiều hội thi, hội chợ trong và ngoài tỉnh, đoạt được nhiều giải cao. Anh Nghĩa rất nhiệt tình và tích cực trong mọi hoạt động chung... Qua đó, tạo sự gắn kết, góp phần đưa phong trào sinh vật cảnh của CLB nói riêng, giới bonsai ở Đồng Nai nói chung ngày càng phát triển”.

Hiện tại, anh Nghĩa sở hữu bộ sưu tập bonsai, cây cảnh đáng nể với hàng trăm cây, đầy đủ các chủng loại như: mai, quế, tùng, linh sam... Trong đó, một số cây bonsai “cổ thụ” được chăm sóc, nuôi dưỡng hơn năm 20 năm với giá bán trên thị trường từ 300-400 triệu đồng. Đưa chúng tôi đi xem những chậu bonsai quý, anh Nghĩa say sưa kể và giới thiệu tường tận đặc điểm của từng cây một về thời gian mua, cách chăm sóc, uốn, tỉa, thời gian ra hoa... Anh nói rằng, cây cảnh cũng tương tự như đồ cổ, cây càng cao tuổi, càng có giá trị cao.

Nhìn những thân cây xù xì, thô ráp tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của anh Nghĩa đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chạm tới trái tim của bao người đam mê. Các tác phẩm bonsai, cây cảnh nghệ thuật của anh có mặt tại nhiều hội thi, triển lãm sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh. Tại Chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên lần thứ 10-2020, gian hàng của anh Nghĩa trưng bày, giới thiệu đến du khách hơn 50 chậu cây đẹp.

2. Nhắc đến Chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên, anh Nghĩa hào hứng kể, đây là năm thứ 5 và là lần thứ 10 anh có gian hàng trưng bày, giới thiệu cây cảnh phía sau Văn miếu Trấn Biên. Trải qua 10 lần tham gia chợ phiên, anh nhận thấy số lượng nhà vườn, nghệ nhân và các gian hàng tham gia có sự thay đổi, phát triển rất tốt.

“Nếu như những phiên chợ đầu tiên chỉ thu hút hơn 50 gian hàng của các nhà vườn khu vực Đông Nam bộ, một số tỉnh miền Tây về tham gia thì nay, chợ phiên có hơn 120 gian hàng. Hầu hết các nhà vườn hội tụ cả ba miền, số lượng cây đưa về nhiều, cây đẹp và có giá trị cao. Đến đây, các nhà vườn, nghệ nhân được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời giải quyết được đầu ra cho các anh, chị em chơi sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh”.

Hiện tại, anh Nghĩa được các nghệ nhân, nhà vườn tín nhiệm, bầu làm Phó chủ nhiệm CLB sinh vật cảnh Trấn Biên. Anh chủ yếu phụ trách chăm sóc kỹ thuật, tạo dáng cho bonsai, cây cảnh. Ngoài ra, anh thường xuyên tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, tạo dáng cho cây cảnh cùng hội viên; tham gia công tác xã hội, hỗ trợ trang trí cây cảnh, phục vụ các sự kiện ở Văn miếu Trấn Biên...

3. Lâu nay, vườn cây cảnh của anh Nghĩa ở P.Tân Phong cũng như vườn sinh vật cảnh mà anh chăm sóc tại khuôn viên Văn miếu Trấn Biên là điểm đến của rất đông du khách. Họ đến cùng uống trà, thưởng ngoạn những cây quý, cây đẹp vào các ngày cuối tuần. Anh Nghĩa nói rằng, điểm lợi lớn nhất của chơi cây cảnh là được tận hưởng bầu không khí sảng khoái, đặc biệt là vào buổi sáng sớm. Cảm giác được hòa mình, ngắm nhìn những giọt sương đọng trên từng chiếc lá nhỏ đã mang lại cho anh tâm trạng thư thái, yêu đời.

Một số tác phẩm bonsai, cây cảnh của anh Lâm Trung Nghĩa
Một số tác phẩm bonsai, cây cảnh của anh Lâm Trung Nghĩa

Theo anh Nghĩa, nếu như trước đây, việc theo đuổi thú chơi bonsai, cây cảnh khá tốn kém thì hiện nay, giá cả của các mặt hàng này cũng trở nên phong phú hơn. Chỉ cần khoảng 100-200 ngàn đồng, người yêu cây cảnh đã có thể sở hữu một chậu cây nhỏ. Tuy nhiên, để sở hữu những loại bonsai đẹp, cây cảnh độc đáo thì không phải người chơi nào cũng mua được, bởi ngoài vấn đề tài chính còn cần có nhiều thời gian và công sức chăm sóc nó.

Chẳng thế mà trên “tường” facebook của anh Nghĩa lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh bonsai, cây cảnh đủ các kích cỡ khác nhau. Những người có cùng sở thích và đam mê thường xuyên ghé xem và dành những lời khen ngợi. Anh Nghĩa bộc bạch: “Để cái đẹp lan tỏa đến nhiều người, mỗi cây cảnh, mỗi chậu bonsai sau khi chăm sóc cẩn thận tôi thường chụp lại và giới thiệu trên Facebook. Đây là kênh thông tin để tôi có thể chia sẻ sở thích, đam mê... cho mọi người, đặc biệt là cho những người bạn ở xa không có điều kiện đến Đồng Nai”.  

Ly Na

Tin xem nhiều