Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững

11:11, 06/11/2020

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có gần chục thác nước với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Trong đó có các thác như: thác Đá Hàn, thác Giang Điền (H.Trảng Bom) đã tạo được thương hiệu, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến...

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có gần chục thác nước với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Trong đó có các thác như: thác Đá Hàn, thác Giang Điền (H.Trảng Bom) đã tạo được thương hiệu, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Còn lại thác Hòa Bình (H.Tân Phú), thác Ba Giọt, thác Mai (H.Định Quán), thác Ràng (H.Vĩnh Cửu), thác Reo (H.Thống Nhất)... hiện vẫn còn khá hoang sơ, có nhiều dư địa để mở rộng các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng.

Thác Giang Điền
Thác Giang Điền

Đồng Nai đang rộng cửa mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch từ thác nước. Bên cạnh các dự án được đầu tư bài bản, đã đi vào khai thác như thác Đá Hàn, thác Giang Điền (H.Trảng Bom), còn có nhiều dự án về thác nước đang được các địa phương trong tỉnh mời gọi nhà đầu tư. Đơn cử, ở H.Định Quán, các danh thắng thác Mai, thác Ba Giọt hiện đã được đưa vào danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư và bước đầu đã có đơn vị đăng ký đầu tư.

Tương tự, dự án du lịch thác Suối Reo (H.Thống Nhất), dự án Khu du lịch thác Hòa Bình (H.Tân Phú), dự án Khu du lịch thác Ràng (H.Vĩnh Cửu)… hiện cũng đang kêu gọi đầu tư, có dự án dự kiến mức đầu tư khá lớn từ hàng trăm đến ngàn tỷ đồng.

Trên thực tế, trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách, địa thế với ý định sẽ đầu tư phát triển du lịch sinh thái nói chung và đầu tư vào các thác nước đẹp nói riêng. Tuy nhiên, để những dự án này thực sự phát huy tiềm năng thì “nút thắt” về những vướng mắc trong chính sách cần có hướng giải quyết phù hợp, đặc biệt là vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường, phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng…; vừa hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư.

Ngoài ra, để nâng tầm thương hiệu, tạo điểm nhấn cho những thác nước đẹp trong tỉnh, vấn đề kết nối du lịch giữa các địa phương cũng cần được coi trọng. Đơn cử, dọc theo trục du lịch TP.HCM - Đà Lạt, Đồng Nai đang có khá nhiều thác nước đẹp nằm rải rác ở các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Do đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa những thác nước này với những trục quốc lộ chính như quốc lộ 1, quốc lộ 20 là cần thiết để thu hút du khách.

Ngoài ra, để đón đầu những dự án giao thông kết nối vùng trong tương lai như: đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương…, các địa phương nói trên cần xây dựng phương án kết nối giao thông những địa điểm du lịch có nhiều thế mạnh, trong đó có các thác nước đẹp một cách thuận lợi, phù hợp. Điều này góp phần giúp các địa phương phát triển, mở rộng hệ thống điểm dừng chân đón du khách trong và ngoài tỉnh, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, du lịch của địa phương.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển du lịch của tỉnh là tập trung các nguồn lực xây dựng du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang chú trọng phát triển du lịch sinh thái nói chung và phát triển tiềm năng du lịch tại các thác nước, sông, hồ nói riêng theo hướng bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Trong đó, một số địa phương đã xây dựng phương án kết hợp du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với nhiều mô hình du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ở địa phương… Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tiềm năng phát triển du lịch, lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương.

Đây chính là những bước “chạy đà” để phát huy các thế mạnh về du lịch, cũng như tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Từ đó, hướng tới phát triển các tour, tuyến du lịch sinh thái mang đậm chất riêng của cảnh vật, con người Đồng Nai trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích