Báo Đồng Nai điện tử
En

Người ''bén duyên'' với hạt điều Đồng Nai

11:11, 28/11/2020

Đồng Nai là một trong những địa phương trồng điều lớn của cả nước. Khoảng 10 năm trở lại đây, giá điều bấp bênh, năng suất cây điều suy giảm khiến nhiều nông dân không còn "mặn mà" với loại cây trồng này.

Đồng Nai là một trong những địa phương trồng điều lớn của cả nước. Khoảng 10 năm trở lại đây, giá điều bấp bênh, năng suất cây điều suy giảm khiến nhiều nông dân không còn “mặn mà” với loại cây trồng này.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh cùng công nhân lựa hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Lộc
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh cùng công nhân lựa hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Lộc

Để góp phần nâng cao giá trị cho hạt điều, ông Nguyễn Quang Huy (H.Cẩm Mỹ) đã thành lập cơ sở thu mua, chế biến và liên kết với nông dân duy trì vùng nguyên liệu tại Đồng Nai và một số tỉnh. Hiện cơ sở chế biến điều của ông Huy đang tạo việc làm ổn định cho 60 lao động, xuất khẩu trung bình 60 tấn điều/tháng, thu lời hơn 1 tỷ đồng/năm.

* Cựu chiến binh mê làm nông nghiệp

Ông Huy sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp phổ thông, ông tình nguyện nhập ngũ và được phân công công tác ở Trung đoàn 112 (đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa), thuộc Bộ tư lệnh Đặc công. Quá trình rèn luyện và công tác, ông được cử đi học nâng cao và phục vụ trong quân đội. Năm 1990, ông rời quân ngũ, về quê làm ăn. Nhận thấy dải đất miền Trung quá thiệt thòi về điều kiện tự nhiên, khí hậu so với các vùng miền khác, ông Huy quyết định “Nam tiến” để  tìm cơ hội lập nghiệp.

Ông Huy kể, chặng đường dài 2 ngày 2 đêm trên xe đò đưa ông đến khu vực ngã ba, nơi tiếp giáp TP.Long Khánh và H.Xuân Lộc hiện tại. Thấy nơi đây tiện đường giao thông, cây trồng (chủ yếu là cao su) xanh tốt, ông quyết định ở lại. Sau gần 1 tháng, ông Huy về quê đón vợ con vào ở cùng. “Cuộc sống khi đó, khó khăn chồng chất khó khăn. Hai vợ chồng không có việc làm, vườn rẫy không có, các con còn nhỏ” - ông Huy nhớ lại.

Định hướng mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm chế biến điều sâu của cả nước và thế giới. Thu hút được các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hàng đầu về đầu tư chế biến sâu. Tỉnh cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp đột phá đối với loại cây trồng này như: tái cơ cấu ngành điều theo hướng tăng năng suất, chất lượng, duy trì diện tích vùng điều; kết nối tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh chế biến nâng cao giá trị điều.

Thời gian đầu, ông Huy làm rẫy thuê, sau đó quen mối lái chuyển sang buôn bán nông sản. Thấy vùng nguyên liệu điều ở Đồng Nai dồi dào, mỗi mùa thu hoạch, thương lái gọi điện đặt hàng, ông Huy nảy ra ý tưởng thành lập cơ sở chế biến. Năm 2004, với số vốn tích cóp được gần 300 triệu đồng, ông Huy vay thêm vốn ngân hàng và thành lập cơ sở thu mua, chế biến hạt điều với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Suy nghĩ là thế, nhưng do chưa có kinh nghiệm đánh giá thị trường, thiếu mối quan hệ với các doanh nghiệp trong ngành, rang sấy không đạt chất lượng khiến sản phẩm của cơ sở gặp khó khăn về đầu ra. Có thời điểm, cơ sở chỉ duy trì được việc làm cho công nhân, không đủ lợi nhuận để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.

Xác định chất lượng sản phẩm và đầu ra là 2 yếu tố cần phải thay đổi, ông Huy liên kết với nông dân thu mua và kiểm soát chất lượng hạt điều, nắm bắt tình  hình dự báo và dự trữ nguyên liệu đầu vào; đầu tư máy tách nhân và lò rang bằng than. Cùng với đó, ông tích cực tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đối tác tiêu thụ. Sự nỗ lực của ông Huy dần mang lại hiệu quả, có doanh nghiệp nhận bao tiêu xuất khẩu, thương lái đặt hàng đóng gói lẻ bán cho người tiêu dùng trong nước.

Một sản phẩm của Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh
Một sản phẩm của Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh

Hiện tại, ông Huy thành lập công ty và duy trì 2 cơ sở chế biến hạt điều ở 2 tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất sang thị trường Trung Quốc, Campuchia khoảng 60 tấn hạt điều rang muối, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động địa phương với thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, lợi nhuận bình quân 1,3-1,5 tỷ đồng/năm. “Có lẽ, bản tính chịu thương, chịu khó của con người miền Trung và thời gian rèn luyện trong quân ngũ đã giúp tôi có nghị lực vươn lên làm giàu cho gia đình và vùng quê tôi đến” - ông Huy chia sẻ.

* Xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường lớn

Là đơn vị chế biến, xuất khẩu hạt điều khá lớn, đều đặn mỗi quý đều có đối tác người Trung Quốc sang kiểm tra quy trình chế biến, chất lượng và nguồn gốc hạt điều trước khi xuất hàng, thế nhưng, ông Huy cho biết, đa phần sản phẩm của công ty xuất khẩu thông qua đối tác trung gian, lợi nhuận suy giảm, thương hiệu “điều Đồng Nai” chưa được gắn tên lên sản phẩm. “Hiện tôi vẫn duy trì cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp trung gian đóng gói xuất khẩu, nhưng tương lai, công ty sẽ tìm cách kết nối xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường lớn và đưa hàng vào hệ thống các siêu thị trong nước” - ông Huy chia sẻ.

Theo ông Huy đã có siêu thị trong nước liên hệ đặt hàng vì thế ông sẽ phát triển thêm mảng đóng gói. Ông Huy mong Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao sớm được xây dựng và đi vào hoạt động để các doanh nghiệp chế biến nông sản có điều kiện liên kết, thuận tiện trong tổ chức các hoạt động kết nối giao thương và đối tác nước ngoài cũng dễ tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc vào cụm công nghiệp cũng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong mở rộng quy mô và đáp ứng các tiêu chí về môi trường.

Để chuẩn bị cho kế hoạch làm ăn lớn, ông Huy đã mở rộng vùng thu mua nguyên liệu ở Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và nhập điều thô từ Campuchia về chế biến; mua thêm máy móc gia công đóng gói, phương tiện vận chuyển. Liên doanh với doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo và sữa ngũ cốc dễ tiêu thụ hạt điều vỡ, hạt điều không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Vỏ hạt điều ông bán lại cho một công ty chế biến dầu điều trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND xã Long Giao Nguyễn Quy Ri cho biết, Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh là doanh nghiệp chế biến nông sản làm ăn hiệu quả trên địa bàn xã. Xã đang vận động làm hồ sơ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với hạt điều rang muối. Không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, ổn định và tái cơ cấu diện tích cây điều, đơn vị còn tạo việc làm và giúp nhiều gia đình công nhân ổn định cuộc sống. Cá nhân ông Huy là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện năm 2019, tích cực tham gia hoạt động xã hội của xã, huyện.

Trước đây, điều được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” tại nhiều địa phương của Đồng Nai bởi cây này trồng được ở những vùng kém màu mỡ mà các loại cây khác không phát triển được.

Tháng 9-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3066/QĐ-UBND tỉnh phê duyệt đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó xác định điều là một trong số cây trồng chủ lực của tỉnh.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều