Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết truyện 'trinh thám tình yêu' Con chim xanh biếc bay về

06:11, 13/11/2020

Con chim xanh là hình tượng cho hạnh phúc và hy vọng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh yêu thích biểu tượng này trong vài tác phẩm trước đây và ông quyết định chọn tựa đề cho truyện dài mới nhất của mình là: Con chim xanh biếc bay về.

Con chim xanh là hình tượng cho hạnh phúc và hy vọng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh yêu thích biểu tượng này trong vài tác phẩm trước đây và ông quyết định chọn tựa đề cho truyện dài mới nhất của mình là: Con chim xanh biếc bay về.

Con chim xanh biếc bay về “là tác phẩm mà tôi hài lòng về mặt nghề nghiệp” - Nguyễn Nhật Ánh vui vẻ nói. Ông tiết lộ: “Bà xã tôi có mở một quán ăn Đo Đo ở Sài Gòn, nhiều bạn sinh viên đi làm thêm tại đây, đời sống còn khó khăn. Tôi lấy cảm hứng từ nơi này vì nhà văn thì thường viết về những gì mình thân thuộc, gần gũi. Trước đây tôi từng viết đề tài sinh viên ở trọ, giờ đưa thêm nhiều thực tế đời sống, những vấn đề người trẻ phải đối diện ở ngưỡng cửa vào đời, cùng nhiều chủ đề khác vào tác phẩm mới. Tôi vẫn trung thành với lứa tuổi thanh thiếu niên và tin rằng độc giả sẽ hứng thú với cuốn sách mới”.

* Lịch sử kinh doanh - ái tình

Nguyễn Nhật Ánh chọn cách kể chuyện với nhân vật “tôi” là Khuê - một cô sinh viên 23 tuổi, mới tốt nghiệp ra trường hơn một năm và đi làm thêm tại một quán ăn ở đô thị.

Trong cuộc trò chuyện với báo giới nhân dịp tác phẩm Con chim xanh biếc bay về (NXB Trẻ phát hành ngày 11-11), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nhắc đến vở kịch Con chim xanh, tác phẩm được viết năm 1909 của nhà văn/ nhà triết học người Bỉ từng đoạt giải Nobel năm 1911 Maurice Maeterlinck (1862-1949).

Chim xanh và sắc màu “xanh biếc” bạn đọc từng gặp ở Ngồi khóc trên cây hay Mắt biếc - những tác phẩm rất ăn khách trước đây của Nguyễn Nhật Ánh. Và lần này nhà văn bestseller Việt Nam lại làm nóng khắp trang mạng, diễn đàn về văn chương, sách vở và đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến, ngưỡng mộ ông bằng cách chào đón nồng nhiệt tác phẩm mới.

Thời gian làm thêm Khuê gặp Sâm, anh quản lý quán có tính “nguyên tắc”, kỹ lưỡng, lắm lúc khó ưa và khó chịu. Khuê học hỏi từ Sâm rất nhiều kinh nghiệm làm việc cũng như trong đối nhân xử thế trong cuộc sống, dù lắm lúc phải “đau khổ” và “ghét kinh khủng” tính nguyên tắc của anh.

Cả hai dù có vẻ khắc khẩu, vẫn mơ hồ có tình cảm với nhau lúc nào không hay “… khi đối diện với Sâm, lòng tôi vẫn đầy xáo trộn” (thú nhận của Khuê). Đúng là “Lịch sử kinh doanh kéo theo lịch sử tình ái” (tác giả viết) mà!

Những nhân vật khác mỗi người mỗi vẻ: “ríu rít như Lương” - tức cô bạn làm chung với Khuê ở quán ăn yêu đời, thích làm thơ… cắc cớ, “chỉ ngốc trong chuyện yêu đương chứ còn những chuyện khác không ngốc”; “hồn nhiên như Tịnh” - tức cô bạn cùng quê và thuê chung phòng trọ với Khuê “luôn thức dậy mỗi ngày trong dáng vẻ phơi phới yêu đời”; như Quyền - công tử con nhà giàu vốn là bạn học chung với Khuê, nhưng cô “ghét thằng này vô hạn”.

* “Trinh thám tình yêu”

Sau khi đã khắc họa rõ nét không gian đô thị, bối cảnh quán xá, chợ mua bán…, cùng những người trẻ tuổi ngoài đôi mươi mà bạn rất dễ đồng cảm khi “thấy mình ở đâu đó” trong tính cách các nhân vật mưu sinh, làm thêm từ thuở sinh viên hay mới ra trường, tác giả Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu khiến người đọc rơi vào một vòng xoáy “trinh thám tình yêu” có quá nhiều bất ngờ xoay vần.

Những trang sách của ông cuốn hút liên tục với cách đảo ngôi kể chuyện nhân vật tôi từ Khuê sang Sâm (phần hai) rồi xen kẽ tự sự của cả hai nhân vật chính ở phần cuối (Anh và em). Các nhân vật cũng được khai thác sâu hơn nhờ thủ pháp flashback (hồi tưởng). Kỳ thực, Sâm là người lạnh lùng bên ngoài mà nồng ấm bên trong. Anh từng có “quãng đời nặng nề”, “quá khứ nặng nề mà tôi phải gánh trên vai” và nhiều thành tố khác trong các mối quan hệ gia đình, anh em… để dẫn đến những tính cách hình thành về sau này.

Đây có lẽ là phần mà tác giả Nguyễn Nhật Ánh dày công đầu tư để thể hiện câu chuyện nhất. Những “số phận cuộc đời” từ thuở bé thơ (vâng, viết về tuổi thơ và thế giới xung quanh tuổi thơ vẫn luôn luôn là sở trường của Nguyễn Nhật Ánh) được bóc tách với không ít bất ngờ chờ đợi người đọc phải thốt lên xuýt xoa, lẫn cả ngậm ngùi nhói lòng. Đây là những dòng tự sự của Sâm: “Những đêm mưa thao thức, tôi đã không ít lần bần thần tự hỏi: Làm sao để chữa lành nỗi đau bé thơ? Vết thương thời thơ ấu phải chăng là loại vết thương mãi mãi không lành?”.

Những tổn thương, mất mát không gì bù đắp được của “thằng Sẹo khốn khổ ngày xưa” khiến người đọc đắm mình bâng khuâng rất lâu.

* Vĩ thanh

Gần 400 trang sách Con chim xanh biếc bay về (một trong những tác phẩm được xem là dài nhất của Nguyễn Nhật Ánh) có màu biếc xanh u hoài của những nỗi buồn, tổn thương, sai lầm…, nhưng cũng có màu biếc xanh của yêu thương và hy vọng. Sự đa nghĩa của màu xanh cũng chính là sự độc đáo trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh: câu chuyện dù buồn và day dứt đến đâu thì cũng bù đắp bằng “sự tích cực được đánh thức” như chia sẻ của tác giả. “Tôi muốn góp phần giúp người đọc lạc quan yêu đời. Xã hội đương nhiên có người tốt, kẻ xấu nhưng sự tử tế, hướng thượng vẫn hiện diện và chính những điều tốt đẹp sẽ hóa giải mọi khó khăn trong cuộc sống” - Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch.

Nhân vật Khuê đến các chợ mua thực phẩm cho quán ăn mà cô làm thêm. Minh họa: Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Nhân vật Khuê đến các chợ mua thực phẩm cho quán ăn mà cô làm thêm. Minh họa: Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Trong tác phẩm, nhân vật Sâm đã bày tỏ quan điểm sống của anh: “Tôi không để những lời nói của người khác kiểm soát cảm xúc của mình… Nếu sống mà cứ lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình và suốt ngày bị điều đó chi phối thì cuộc đời mình khác gì con ốc lúc nào cũng bị thiên hạ siết chặt”.

Và người đọc cũng khắc cốt ghi tâm một gửi gắm khác từ Con chim xanh biếc bay về: “Chính sự tự tin vào bản thân mới đem lại năng lượng tích cực cho mình. Nếu mình không làm điều gì trái với lương tâm thì chẳng có lý do gì mình phải sống rụt rè”.

Bửu Long

Tin xem nhiều