Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động trong tình hình mới

09:12, 04/12/2020

Cao điểm khuyến mãi trong năm diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là mới đây đã phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lây từ người cách ly ở TP.HCM.

Cao điểm khuyến mãi trong năm diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là mới đây đã phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lây từ người cách ly ở TP.HCM. Điều này đặt ra nhiều thử thách, khó khăn cho các chương trình, hoạt động kích cầu tiêu dùng, vốn đã bị ảnh hưởng, gián đoạn nhiều trong năm nay vì những tác động của dịch bệnh.

Khách hàng chọn mua các sản phẩm khuyến mãi tại một cửa hàng thời trang trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) vào cuối tháng 11 vừa qua. (Ảnh: Hải Quân)
Khách hàng chọn mua các sản phẩm khuyến mãi tại một cửa hàng thời trang trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) vào cuối tháng 11 vừa qua. (Ảnh: Hải Quân)

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, cũng như các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, chuỗi cửa hàng tiêu dùng, cửa hàng tiện lợi… cần chủ động thích nghi, có phương án phù hợp trong tình hình mới để tìm ra lời giải “kép” cho bài toán vừa tận dụng thời cơ kích cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, chủ động.

Điều này đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa ngày càng lớn, nhất là phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin hàng hóa, quảng cáo, khuyến mãi… Bên cạnh đó, cũng cần có sự kết nối chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phát triển các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa; đa dạng các chương trình kích cầu, nắm bắt những xu hướng tiêu dùng phù hợp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trong đó, xu hướng chuyển dịch mua sắm trên các kênh thương mại điện tử cần tiếp tục được duy trì, phát triển không chỉ ngày thông thường mà cả với những chương trình giảm giá. Các hình thức thanh toán trực tuyến, mua sắm online cần được triển khai đồng bộ, cải thiện nhiều hơn cả về chất lượng hàng hóa, dịch vụ lẫn việc đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính an toàn, bảo mật trong các giao dịch điện tử…

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất đến tiêu thụ ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng còn chú trọng tới yếu tố trải nghiệm trong quá trình mua sắm với các hình thức thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Điều này đòi hỏi các kênh bán lẻ phải thích nghi và thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng tất yếu mà nhiều doanh nghiệp nội địa hướng tới trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Chính phủ và chính quyền địa phương đã kịp thời có những chỉ đạo mới về phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, mới đây UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố và mọi người dân phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện tốt thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) trong phòng, chống dịch. Khi phát hiện ca bệnh phải lập tức tập trung nguồn lực để ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch triệt để, không để dịch bệnh bùng phát.

Do đó, đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cần kích hoạt trở lại những trạng thái phòng, chống dịch như: yêu cầu khách hàng, tiểu thương, nhân viên nghiêm túc chấp hành quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tiến hành kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho khách hàng trước khi vào mua sắm; bố trí lối vào, lối ra phù hợp, sắp xếp các vị trí đứng đảm bảo khoảng cách an toàn cho khách hàng tại khu vực chờ tính tiền, bố trí các tấm kính chắn giọt bắn tại quầy giao dịch, cho nhân viên đeo các tấm chắn giọt bắn…

Đặc biệt, công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến khách hàng, tiểu thương, nhân viên… cũng như đảm bảo nguồn hàng hóa dự trữ, tránh tình trạng “khan hàng, sốt giá”, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu cần được chủ động, triển khai thường xuyên, liên tục trong giai đoạn này để sẵn sàng ứng biến với những tác động khó lường của dịch bệnh.

Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần kịp thời có những chính sách, chương trình hỗ trợ, các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi; đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu dùng, đặc biệt là các kênh kết nối trực tuyến để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, hộ kinh doanh… có thể vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt, giá cả hợp lý...

Hải Quân

Tin xem nhiều