Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu phương của những người lính hải quân

03:12, 18/12/2020

Trong khi những người chồng đang sát cánh cùng đồng đội giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì ở đất liền, những người vợ vẫn kiên cường vượt qua khó khăn, là chỗ dựa tinh thần để các anh chắc tay súng giữ cho Tổ quốc bình yên.

Trong khi những người chồng đang sát cánh cùng đồng đội giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì ở đất liền, những người vợ vẫn kiên cường vượt qua khó khăn, là chỗ dựa tinh thần để các anh chắc tay súng giữ cho Tổ quốc bình yên.

Chị Phạm Thị Tú Hương, ở xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) cùng con gái xem lại ảnh mỗi khi nhớ cha. Ảnh: N.Sơn
Chị Phạm Thị Tú Hương, ở xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) cùng con gái xem lại ảnh mỗi khi nhớ cha. Ảnh: N.Sơn

Để chồng yên tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc, các chị ở nhà thay chồng chăm sóc, dạy dỗ các con chăm ngoan, học giỏi; chu toàn mọi việc trong gia đình...

* Vượt khó nuôi dạy con

Căn nhà của chị Trương Thị Luyến (giáo viên Trường THPT Ngô Sĩ Liên, H.Trảng Bom) và thượng úy Hoàng Văn Huê, hiện đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) nằm sâu trong con hẻm ở KP.2, TT.Trảng Bom. Thiếu vắng người đàn ông trụ cột gia đình nhưng căn nhà lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Chị Luyến chia sẻ, những năm đầu sau khi kết hôn, chồng chị công tác ở Khu an dưỡng bộ đội Trường Sa (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), còn chị dạy ở H.Tân Phú nên vợ chồng chị có cơ hội gặp nhau vào cuối tuần. Thế nhưng, từ khi anh chuyển về bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) công tác và làm nhiệm vụ ngoài đảo thì phải nửa năm, thậm chí là một năm vợ chồng chị mới được gặp nhau. Cách đây 2 năm, để thuận tiện cho việc đi lại, anh chị vay mượn tiền để về TT.Trảng Bom mua nhà.

Từ ngày anh Huê chuyển công tác, nhất là làm nhiệm vụ ngoài đảo, chị Luyến ở nhà một mình chăm sóc con nhỏ với biết bao vất vả khi cô con gái nhỏ thường xuyên đau ốm. Vất vả nhất là giai đoạn chị sinh con trai thứ 2. Chị Luyến kể, chị gần sinh thì anh Huê lên đường ra đảo. Lúc đi sinh ở bệnh viện nhìn những người xung quanh ai ai cũng có chồng bên cạnh chăm sóc, chị tủi thân ứa nước mắt. Sau khi sinh ở bệnh viện về, mặc dù vết thương còn đau chị vẫn cố gắng đi lại để lo cho con, làm việc nhà. Biết bao nhiêu khó khăn, vất vả khi một mình chăm sóc con nhỏ, nhưng chị không hề than vãn với anh nửa lời.

Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhằm chia sẻ những khó khăn, vất vả mà những hội viên phụ nữ có chồng đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển, đảo của Tổ quốc, vào dịp trước Tết Nguyên đán, Hội LHPN tỉnh thường tổ chức các đoàn thăm, chúc Tết. Qua đó, Hội cũng gửi gắm mong muốn các chị tiếp tục vượt qua khó khăn, là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày con trai gần 1 tuổi, anh Huê mới được về gặp mặt con. Ngày anh về, cả 3 mẹ con vừa mừng vừa tủi. Cũng may, gần 1 tuổi mới biết mặt cha nhưng con trai không hề lạ mà ngược lại bám chặt không muốn rời cha. Mỗi năm được 30 ngày phép, anh đều dành trọn để gần gũi, chăm sóc vợ con như một cách bù đắp lại những vất vả sau những tháng ngày anh xa nhà.

Kết hôn gần 10 năm nhưng vợ chồng chị Phạm Thị Tú Hương và trung úy Nguyễn Văn Cường (làm nhiệm vụ trên tàu 608, thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), hiện ở xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) ở gần nhau chưa được 12 tháng. Chị Tú Hương bộc bạch, trước khi kết hôn chị cũng biết những khó khăn, vất vả trong tương lai. Thế nhưng, chị vẫn chọn anh làm người bạn đời bởi chị nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Bản thân anh hay bất kỳ người lính khác cũng muốn được ở cạnh những người thân yêu nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó mà các anh phải chấp nhận xa gia đình, hy sinh hạnh phúc cá nhân.

Chị Hương còn nhớ, ngày chị vào viện sinh con là ngày anh lên đường làm nhiệm vụ. Lúc ấy, chị cũng muốn có anh ở cạnh bên đỡ đần, để anh được nhìn thấy mặt con lúc chào đời nhưng chị không làm vậy mà ngược lại còn động viên anh yên tâm lên đường, sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về gặp con. Lần đầu tiên làm mẹ, một mình chăm sóc con nhỏ khó khăn không kể hết nhưng chị không nề hà, chỉ mong anh ở “nơi đầu sóng” được an toàn, mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Vẹn toàn mọi việc trong gia đình

Làm vợ bộ đội, nhất là bộ đội hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các chị không chỉ thay chồng nuôi dạy các con khôn lớn mà mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều phải gánh vác.

Là pháo thủ công tác tại Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải Quân, sau khi kết hôn được 2 tháng, trung úy Nguyễn Mậu Thảnh phải xa gia đình, xa người vợ trẻ gần 1 năm sau mới trở về. Chị Bùi Thị Thanh (vợ của anh Thảnh), hiện ở khu Phước Hải, TT.Long Thành (H.Long Thành) cho hay, với những người phụ nữ khác, lấy chồng là để có người bên cạnh, để được quan tâm chăm sóc, chia sẻ mọi việc trong cuộc sống... còn với chị thì hoàn toàn ngược lại. Từ khi lấy chồng, chị Thanh phải tập làm quen với cuộc sống tự lo, tự lập. Chị Thanh cho biết, trước đây khi chưa lấy chồng, ở cùng gia đình, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều có cha mẹ lo. Từ ngày lấy anh, nhất là từ khi anh đi công tác chị phải tập cách tháo lắp quạt để vệ sinh, thay bóng điện, sửa ống nước... Chỉ những phần nào hư hỏng nặng không tự sửa được chị mới gọi thợ đến sửa.

Sau 10 năm kết hôn, trung tá Phan Khắc Đồng (hiện công tác tại Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải Quân), chồng của chị Phan Thị Thủy, ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) được phân công làm nhiệm vụ tại nhà giàn. Từ đó đến nay, thời gian anh ở nhà với vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Thủy cho biết, cả 2 vợ chồng đều sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung. Hết thời gian thực hiện nghĩa vụ, anh Đồng được đơn vị giữ lại đi học và về công tác tại Trung tâm Rada cảnh giới biển tầm xa (hiện tại là Trung đoàn 251) đóng chân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Lúc này, chị Thủy đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương). Cảm mến anh - người lính cụ Hồ giản dị, chân chất, thật thà nên chị Thủy đồng ý làm “hậu phương” của anh, theo anh về TP.Biên Hòa và xin vào làm việc tại Công ty CP ICD Tân Cảng Long Bình (thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) đóng chân trên địa bàn P.Long Bình (TP.Biên Hòa).

Chị Thủy cho hay, sau khi kết hôn, chồng chị vẫn công tác tại Trung đoàn 251 nên được về nhà thường xuyên. Cuộc sống của vợ chồng chị êm đềm trôi qua, 2 cô công chúa lần lượt ra đời, hạnh phúc của anh chị nhân lên gấp bội. Khi con gái lớn tròn 11 tuổi, con gái nhỏ 8 tuổi, anh Đồng lên đường ra nhà giàn làm nhiệm vụ. 7-8 năm anh vắng nhà, chị Thủy vừa nuôi dạy con, vừa quán xuyến mọi việc trong nhà để anh yên tâm công tác. Mỗi khi con ốm đau hay gia đình nội ngoại có việc, chị đều tự mình giải quyết, ít khi nào để anh biết. Lúc anh biết thì mọi việc cũng đã được chị giải quyết xong xuôi.

Hay như năm 2018, sau nhiều năm vợ chồng dành dụm và vay mượn thêm từ anh em họ hàng, anh chị quyết định xây lại nhà ở cho khang trang. Anh về phép là tiến hành khởi công nhưng mới xây thô được khoảng 1/3 căn nhà thì anh phải lên đường ra nhà giàn. Phần việc còn lại ở nhà đều một tay chị Thủy lo liệu. “Cũng may, 2 cô con gái đã lớn, có thể phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa nên những vất vả của tôi dần vơi đi. So với những hiểm nguy mà chồng và những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo của Tổ quốc, những vất vả ấy không là gì. Vì vậy, tôi vẫn thường động viên anh yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có tôi lo” - chị Thủy bộc bạch.

Nga Sơn

Tin xem nhiều