Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm cho khách du lịch... tiêu tiền

10:12, 25/12/2020

Năm 2019, Việt Nam đón một lượng khách du lịch "khổng lồ" với 18 triệu lượt, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đó về lượng khách. Bước qua năm 2020, sự bùng nổ đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu ngay từ thời điểm đầu năm đã khiến ngành Du lịch lao đao trước những thách thức, khó khăn đến từ việc hầu hết các đường bay quốc tế đều tạm ngưng và nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác (bao gồm cả cách ly xã hội).

[links()]Năm 2019, Việt Nam đón một lượng khách du lịch “khổng lồ” với 18 triệu lượt, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đó về lượng khách. Bước qua năm 2020, sự bùng nổ đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu ngay từ thời điểm đầu năm đã khiến ngành Du lịch lao đao trước những thách thức, khó khăn đến từ việc hầu hết các đường bay quốc tế đều tạm ngưng và nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác (bao gồm cả cách ly xã hội).

Với những ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh, lượng khách không còn là yếu tố hàng đầu mà ngành Du lịch Việt Nam nhắm đến. Dĩ nhiên, khó khăn và những thử thách là không ai muốn, song ở một góc nhìn khác, đây cũng là lúc ngành Du lịch có “thời gian” nghĩ đến việc tái cơ cấu và tính chuyện đường dài khi dịch bệnh đã qua đi. Và một trong những giải pháp căn cơ nhất chính là đa dạng hóa sản phẩm du lịch để làm cho khách du lịch (trong và ngoài nước)… tiêu tiền nhiều hơn tại các địa điểm du lịch của Việt Nam.

Sản phẩm du lịch là khái niệm khá rộng, bao gồm cả sản phẩm hữu hình (quà lưu niệm, hàng hóa, đặc sản địa phương…) lẫn vô hình (chẳng hạn như các trò chơi, dịch vụ, trải nghiệm… dựa vào lợi thế có sẵn từ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, tập quán…). Nhưng tựu trung lại, sản phẩm du lịch là một mảng lớn trong kinh doanh du lịch, với mục đích cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị đủ hấp dẫn để họ chịu… tiêu tiền, tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngành.

Một thực tế là nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính vẫn là sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng nên mức chi tiêu tính trên đầu người của khách du lịch trong và ngoài nước tại các điểm du lịch của Việt Nam chưa cao. Đơn cử, tại Hà Nội - nơi được coi là một trong những trung tâm du lịch thu hút nhất cả nước  thì mức chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế mỗi ngày tại Hà Nội chỉ từ 2,1 triệu đồng đến hơn 2,6 triệu đồng (tương đương từ 91,5-113,5 USD) và khách nội địa từ 1,39 triệu đồng đến 1,75 triệu đồng (tương đương từ 60,55-75,9 USD) tùy vào điều kiện khách tham quan trong ngày hay lưu trú. Trong đó, chi phí thuê phòng (đối với khách lưu trú), ăn uống chiếm tỷ trọng lớn, tiếp đó là mua sắm và đi lại.

So sánh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Hà Nội còn thấp. Chỉ tính riêng với khách quốc tế, nếu đến Hà Nội họ chi tiêu 113,5 USD/ngày thì tại Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) là 537 USD, Paris (Pháp) là 301 USD, Singapore là 286 USD, Phuket (Thái Lan) là 239 USD, Palma de Mallorca (Tây Ban Nha) là 220 USD, Seoul (Hàn Quốc) là 181 USD, Bangkok (Thái Lan) là 173 USD… (nguồn: TTXVN).

Nhìn ở góc độ các địa phương, rõ ràng mức chi tiêu này sẽ còn thấp hơn nữa do so với Hà Nội, phần lớn các địa phương trong cả nước đều không thể sánh bằng (với cả các sản phẩm du lịch hữu hình lẫn vô hình).

Với Đồng Nai, để tăng doanh thu cho ngành Du lịch, nâng mức chi tiêu của khách du lịch khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch của tỉnh, tỉnh đã đề ra mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với không ngừng nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ để thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, từng bước mở rộng thị trường. Trong đó, quan trọng là phải tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng để thu hút khách quốc tế và nội địa. Dựa vào lợi thế của tài nguyên du lịch, loại hình du lịch văn hóa, lễ hội - sự kiện, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao, sinh thái rừng, sông, suối, thác, du lịch thương mại, hội nghị là thế mạnh của tỉnh. Ngoài ra, còn phải tạo các sản phẩm du lịch chuyên đề dành riêng cho các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, lễ hội, sự kiện, tìm hiểu nền văn hóa các dân tộc ít người, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch nghiên cứu khoa học; điều dưỡng chữa bệnh... Nội dung càng phong phú thì càng kéo dài ngày lưu trú của khách và tăng cơ cấu chi tiêu, doanh thu du lịch, đồng thời tạo sự hấp dẫn để thu hút du khách quay trở lại với du lịch Đồng Nai.

Dĩ nhiên, chiến lược này đòi hỏi sự chung tay đóng góp từ nhiều phía: nhà nước, doanh nghiệp, người dân… bởi sự đa dạng hóa các sản phẩm du lịch không thể thực hiện một sớm một chiều hoặc chỉ “trông cậy” vào cách làm manh mún, nhỏ lẻ. Trong đó, vai trò định hướng phát triển, hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý cho ngành Du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng phát triển mạnh mẽ, bền vững là quan trọng nhất.

 Vi Lâm

Tin xem nhiều