Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng nghề vào vụ sản xuất cuối năm

09:12, 11/12/2020

Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2021 nhưng các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã hối hả vào vụ sản xuất cuối năm. Bước vào vụ chính trong năm, người làm không lúc nào ngơi tay, máy móc cũng hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết sắp tới.

Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2021 nhưng các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã hối hả vào vụ sản xuất cuối năm. Bước vào vụ chính trong năm, người làm không lúc nào ngơi tay, máy móc cũng hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết sắp tới.

Người dân chăm sóc hoa Tết tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất)
Người dân chăm sóc hoa Tết tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất)

Hằng năm, cứ vào thời điểm cuối tháng 10 âm lịch, các làng nghề có truyền thống làm bánh tráng, bánh đa, mì tươi, hủ tiếu lại hoạt động nhộn nhịp. Trong đó, chộn rộn, đông vui hơn cả khu vực P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) - nơi nổi tiếng lâu đời với nghề làm hủ tiếu.

* Hối hả làm hàng Tết

Đi sâu vào các xóm đạo ở KP.3, KP.5 và KP.8, P.Hố Nai buổi sáng sớm, những tấm liếp tre dùng để phơi bánh sau mỗi lần tráng xong được dựng dọc các bãi đất trống, lối đi tạo nên khung cảnh khá đẹp mắt. Trong khi đó, ở mỗi góc bếp, người nhóm lò, người khuấy bột, chuẩn bị phên phơi… khiến không khí mỗi lúc càng rộn ràng và khẩn trương hơn.

Bà Đặng Thị Vân (ngụ KP.3, P.Hố Nai) cho biết, bà sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh đa, hủ tiếu. Tất cả con gái, con dâu trong gia đình đều biết công việc này. Từ xưa đến nay, mọi công đoạn làm bánh đa, hủ tiếu đều được làm thủ công, dựa vào sức người là chủ yếu nên sợi bánh của xưởng gia đình bà có vị riêng.

Phơi bánh tráng để làm bánh đa, hủ tiếu tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hoàng Phương
Phơi bánh tráng để làm bánh đa, hủ tiếu tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hoàng Dương

“Một lò bánh phải có ít nhất hai người. Người tráng, người phơi kiêm coi lửa, trung bình mỗi ngày tráng khoảng 20-30kg gạo. Tráng bánh có độ dày, mỏng khác nhau tùy theo yêu cầu. Bánh tráng trên bếp củi, hơi lửa và mùi khói thấm vào từng tấm bánh tạo nên hương vị đặc biệt. Chiếc bánh đạt chất lượng ngoài phụ thuộc vào độ nhuyễn, sánh của bột, nhiệt độ phơi cũng quan trọng. Nắng to, sợi bánh thơm, trắng còn nắng yếu, bánh lên màu không đẹp, ăn không ngon” - bà Vân bộc bạch.

Cùng gắn bó với nghề làm bánh đa, hủ tiếu, mì tươi hơn 30 năm, vào dịp này, gia đình ông Lê Ngọc Đạt (ngụ KP.5, P.Hố Nai) cũng tăng công suất để đưa hàng ra thị trường. Ngày thường, gia đình dùng khoảng 30kg gạo để làm bánh thì nay lượng gạo tăng lên gấp đôi, nhưng chất lượng vẫn luôn được người làm nghề giữ nguyên.

Ông Đạt cho hay, làm nghề này không giàu nhưng đủ ấm no, thu nhập ổn định quanh năm. Đặc biệt, cuối năm luôn là thời điểm bận rộn nhất, lượng bánh làm ra nhiều nên sau khi trừ chi phí thì gia đình nhận về một khoản tiền kha khá. Bánh đa làm ra không chỉ bán trong nước mà còn được gửi đi nước ngoài, làm quà tặng cho người thân sống xa quê.

Những ngày này, ông Lê Văn Xuân (ngụ xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) luôn túc trực ngoài vườn để theo dõi hơn 500 chậu cúc đại đóa, hướng dương nhằm điều chỉnh cho hoa nở đúng dịp Tết. Bình thường chỉ làm việc từ sáng đến chạng vạng nhưng vào thời kỳ hoa bước vào giai đoạn phát triển mạnh, ông chăm vườn tới nửa đêm.

Theo ông Xuân, bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, hiểu cả những vị ngọt, đắng của nó, ông đã quyết tâm dồn hết của cải, công sức vào vụ hoa tết này. Không phụ sức người, năm nay thời tiết khá thuận lợi, hoa phát triển tốt và ít sâu bệnh. Không chỉ ông mà các hộ dân trồng hoa ở làng hoa Phúc Nhạc cũng đều phấn khởi.

Các lò sản xuất bánh đa ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) hoạt động nhộn nhịp vào cuối năm
Các lò sản xuất bánh đa ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) hoạt động nhộn nhịp vào cuối năm

“Bây giờ là thời điểm quan trọng nhất của người trồng hoa. Nếu thời tiết cứ đẹp như những ngày này thì hoa sẽ nở đúng như mong muốn. Phải ăn ngủ cùng với hoa mới biết nỗi lo của người làm nghề như thế nào. Ngày tưới tắm, đêm chông đèn bắt sâu. Nếu có loại bệnh gì phải diệt ngay, không để lan sang những đám khác” - ông Xuân nói.

* Hồi hộp chờ vụ cuối trong năm

Ở xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ của ông Lê Chí (ngụ KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) ở đâu cũng thấy những bộ rễ, gốc cây to lớn, xù xì và đầy gai góc. Nhiều gốc cây phơi sương, nắng lâu ngày nhưng qua bàn tay của người thợ không hề bị mối mọt, mục nát mà còn thêm bóng loáng, săn cứng theo thời gian.

Xưởng gỗ của ông lúc nào cũng thơm mùi gỗ, sơn mài bốc lên thoang thoảng, trộn lẫn với đó là âm thanh lốc cốc, chan chát của tiếng đục, chạm, trổ vang rộn rã. Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thành mang một nét đẹp riêng, không cái nào giống cái nào. Các bộ rễ đủ hình dạng, phong thái tượng trưng cho “cái hồn” nghệ thuật mà người thợ gửi gắm qua cách tạo dáng, đường nét chạm trổ.

Ông Chí chia sẻ, tại làng mộc này có đến trên dưới 30 xưởng chế tác, sản xuất ra các sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Trong đó, tạo hình con người, cảnh vật, hình thú từ các gốc, rễ cây… đã có truyền thống hàng chục năm qua. Các sản phẩm từ rễ cây đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình, không ít người phất lên nhanh chóng nhờ nghề này.

Ông Lê Chí (ngụ KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) dùng máy tạo hình các chi tiết đối với một rễ cây
Ông Lê Chí (ngụ KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) dùng máy tạo hình các chi tiết đối với một rễ cây

“Vào những ngày cuối năm, nhu cầu về các sản phẩm từ gỗ mỹ nghệ tăng lên, xưởng gỗ của tôi hoạt động rộn ràng hơn. Hàng làm ra không chỉ giao thương trong nước mà còn xuất bán nước ngoài như: Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…” - ông Chí bộc bạch.

Cách đó không xa, con đường Phùng Khắc Khoan (KP.2, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) chuyên bày bán các mặt hàng từ gỗ nội thất trở nên nhộn nhịp hơn bình thường. Cả con đường dài chưa đến 1km, nhưng có đến 50-60 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng như: bàn ghế, giường tủ, đồ trang trí với đầy đủ chủng loại, kích thước, kiểu dáng.

Bà Nguyễn Ngọc Hoa (chủ tiệm gỗ nội thất Mộc Hoa) cho biết, đa số các cửa hàng kinh doanh nội thất đều có những xưởng mộc riêng, vì thế quanh đây ít tiệm nào nhập đồ gỗ từ nơi khác về bán lại. Từ các bộ bàn ghế, tủ, giường hay những tượng thờ, trang trí, đồng hồ đều được chạm khắc tinh xảo và bắt mắt, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của khách hàng.

Theo bà Hoa, mọi năm thời điểm này cho đến cận Tết Nguyên đán, mặt hàng này bán khá chạy. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều chủ tiệm lo lắng. Nhu cầu thấp, gia đình bà phải tăng cường đưa hàng đến chào mời tại các hội chợ triển lãm ở khắp nơi nhưng cũng không mấy khả quan.

Mặt hàng gỗ nội thất thường có giá cao, khách hàng mua sắm chủ yếu là các gia đình nên nếu kinh tế bị ảnh hưởng, túi tiền eo hẹp thì người dân sẽ thắt chặt hầu bao. Do đó, mỗi lần thị trường có biến động thì các sản phẩm gỗ nội thất đều chịu ảnh hưởng lớn. Điều này buộc các chủ tiệm, xưởng sản xuất bên cạnh cân đối giá bán còn phải tạo ra nhiều mặt hàng với mẫu mã bắt mắt.

“Để chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới, chúng tôi chỉ làm và nhập hàng với số lượng tương đương năm trước. Trong khi đó, chi phí dành cho sản xuất, nhân công, tiền thuê mặt bằng, nguyên liệu lại tăng khá cao. Vì vậy, những yếu tố này cũng sẽ tác động tới kế hoạch sản xuất hàng tết sắp tới của gia đình” - bà Hoa nói.

Những người làm, sản xuất các mặt hàng Tết cho hay, năm nay dù kinh tế khó khăn nhưng ai cũng trông chờ vào vụ cuối năm. Thời điểm cách Tết khoảng 2 tháng, nhu cầu trên thị trường khá trầm lắng, tuy nhiên nhiều người vẫn đang hồi hộp, lo lắng chờ những ngày tới khi sức mua tăng, hàng bán chạy thì đối với họ lúc đó Tết mới thực sự bắt đầu.

Hoàng Dương

Tin xem nhiều