Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành phố tôi yêu…

09:01, 22/01/2021

Hễ có dịp về quê, chẳng hiểu sao khi xe bắt đầu chạy đến cầu Hóa An là cả nhà tôi đều hướng mắt về bên phải của cây cầu. Khi các con tôi còn nhỏ, bao giờ chúng cũng đố nhau tìm cho ra nhà ngoại giữa bao mái nhà lô xô bên dòng sông Đồng Nai thân thương.

Hễ có dịp về quê, chẳng hiểu sao khi xe bắt đầu chạy đến cầu Hóa An là cả nhà tôi đều hướng mắt về bên phải của cây cầu. Khi các con tôi còn nhỏ, bao giờ chúng cũng đố nhau tìm cho ra nhà ngoại giữa bao mái nhà lô xô bên dòng sông Đồng Nai thân thương. Con trai lớn của tôi luôn chỉ tay ra xa và khẳng định rằng nhà ngoại ở chỗ sát bờ sông, rằng còn có thể nhìn thấy sân thượng với hàng rào lưới B40 nữa. Con gái nhỏ của tôi thì dán mắt vào cửa kiếng xe, miệng luôn hỏi “Đâu anh hai, sao em chẳng nhìn thấy gì cả?”. Thằng anh thì khăng khăng “đó, đó…”, còn nhỏ em thì cứ hỏi “đâu, đâu” và cuộc khẩu chiến chẳng bao giờ phân thắng bại. Chúng đành nhờ ông ngoại phân xử bởi lẽ khi leo lên sân thượng, ngồi trong lòng ông ngoại rồi, thằng anh chỉ mấy nóc nhà cao trong xóm Lò Heo (cách gọi về xóm này của một thời đã xa) để làm điểm mốc đánh dấu nhằm tăng phần thuyết phục. Cứ thế, mỗi năm nghỉ hè về ngoại là hai anh em lại lặp lại những câu hỏi muôn thưở ấy. Và “trận chiến” chỉ kết thúc khi ông ngoại đem ra những cuốn sách hay truyện tranh là hai anh em mới tạm dừng để cắm cúi vào những trang sách.

Du khách tham quan Đường hoa Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh
Du khách tham quan Đường hoa Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh

Thế mà cũng gần hai chục năm trôi qua, xóm Lò Heo bên sông ngày ấy được giải tỏa. Cả khu vực trở thành con đường thật đẹp với công viên, cây xanh và khu vui chơi đẹp nhất của TP.Biên Hòa. Thế nhưng cứ về thăm ngoại là cả nhà tôi lại hướng mắt về ngôi nhà trong ký ức với bao thương nhớ. Nơi ấy, có ông bà ngoại và các cậu yêu thương. Nơi ấy chứa đựng cả tình thương yêu chở che của cả nhà dành cho gia đình bé nhỏ của tôi. Nhớ những đồng tiền lẻ, mẹ tôi thức đêm lấy những cục đá mà không dám nhúng hết lon xuống thùng nước vì sợ nó mau tan, sáng người mua đá lẻ sẽ chê là cục đá nhỏ quá. Những đồng tiền ấy, ba mẹ tôi để dành chờ cháu ngoại về chơi cho các cháu ăn hàng. Cái con đường chỗ lồi chỗ lõm vì mưa gió, vì bánh xe lam chở hàng trở nên quen thuộc khi hai con tôi nắm tay nhau và cũng nắm thật chặt những đồng tiền lẻ ngoại cho chạy ra đầu đường ăn cơm tấm của bà Chín. Đến bây giờ con tôi còn nhắc lại cảm giác tiếc đến xót ruột khi có hôm bà Chín lỡ tay múc nhiều cơm hơn một chút là lập tức lấy muỗng gạt xuống. Tay của bà như có cỡ sẵn luôn. Dĩa cơm chỉ có ít bì vàng, rưới thêm nhúm mỡ hành xanh ngắt, nhúm dưa leo, thế mà lũ trẻ ăn say mê. Lần nào về quê, con trai tôi cũng bâng khuâng với câu hỏi không lời đáp rằng: Bà Chín bán cơm ấy còn sống hay đã mất? Rằng nếu bây giờ được gặp gánh cơm của bà, cậu bé năm xưa sẽ ăn một lần cả mười dĩa nhưng sẽ ăn từ từ từng dĩa một như hồi nhỏ đã từng ăn. Vâng, ký ức tuổi thơ đã trở thành những kỷ niệm đẹp thật khó phai mờ.

Cái xóm Lò Heo “khét tiếng” trước giải phóng với những sòng bài, những tệ nạn xã hội đã là chuyện của dĩ vãng đã xa. Đám trẻ con ngày ấy bây giờ cũng bước vào lứa tuổi U60, đã là ông bà nội ngoại cả rồi. Có người là công nhân, là buôn bán nhỏ nhưng cũng khá nhiều người thành đạt. Có người còn ở gần đó nhưng cũng khá nhiều người đã chuyển nhà đi chỗ khác. Thế nhưng cứ mỗi dịp cúng đình Tân Lân là lại tụ họp nhau về. Người làm ăn khá giả thì cúng heo quay, người buôn bán nhỏ thì cúng trái cây, bánh, xôi, gà, vịt. Họ hẹn nhau về coi cúng đình với những nghi lễ trang trọng rồi sau đó gặp nhau hàn huyên bao câu chuyện tưởng như còn dang dở. Họ mừng vì cuộc đời của mình và con cháu đã sang trang mới. Nếu cách mạng không về, không biết trong số họ có người sẽ dính vào bài bạc, xì ke, ma túy… Năm nay đang thời dịch Covid-19 nên người về cúng đình có thưa hơn nhưng không khí vẫn không kém phần trang nghiêm. Họ ngắm lại con đường, ngắm cảnh vật bên dòng sông Đồng Nai để cùng tấm tắc khen ngợi. Cái đẹp và sự phát triển đã thay thế cho sự nhếch nhác, cũ kỹ của cái chưa đẹp trong quá khứ. Ngôi trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu cũng được sửa chữa khang trang hơn và nó vẫn là nơi ghi dấu tuổi thơ của bao đứa trẻ trong cái xóm Lò Heo ấy.

Nhà của ba mẹ tôi chuyển về khu cư xá Tỉnh đội. Lúc mới đi nhận đất, chỉ loe que vài ngôi nhà, còn cỏ dại mọc um tùm. Thế mà bây giờ bao ngôi nhà đẹp, cao tầng đã mọc lên. Thành phố Biên Hòa mở rộng với bao con đường, khu dân cư khiến người Biên Hòa xa quê như tôi mỗi lần về là ngỡ ngàng. Còn nhớ khi chúng tôi họp lớp cấp ba, nhân dịp cuối năm, nhỏ bạn tôi nhắc tên đường và những hàng quán mới mà tôi thì như người mù đường. Nhỏ bạn phát bực hỏi xoáy tôi rằng “Mày có phải người Biên Hòa không đấy?”. Tôi phải đính chính rằng mỗi năm về có một lần, lại gấp gáp nên có đi được đến đâu mà chẳng lạc hậu. Thành phố thì như nàng thiếu nữ đang độ xuân thì nên ngày càng  mở rộng và phát triển không ngừng. Ngày xưa hệ thống trường THPT chỉ có trường cấp 3 Ngô Quyền và Nam Hà, còn bây giờ thì đã mở rộng đến mấy chục trường. Đồng Nai đã có trường chuyên, trường đại học riêng và nơi đây đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhân tài cho quê hương và đất nước.

 Chúng tôi ghé rước mẹ về quê đám giỗ bà nội tôi. Con đường đi ngang Trảng Dài sầm uất và đông người cùng xe cộ. Nhớ hai chục năm trước, tôi cùng mấy người bạn cùng lớp đến thăm nhà một bạn bị bệnh. Cả khu vực chỉ thấy rừng cây và cỏ dại. Còn bây giờ nhà cửa san sát khó thấy rừng cây… Đường về quê nội Vĩnh Cửu của tôi đã được tráng nhựa rộng và đẹp. Ngôi trường THPT Thạnh Phú khá khang trang. Nhớ khi xưa, mỗi lần về ngang đây, ba tôi lại nhắc lại tuổi thơ đầy thiếu thốn của thế hệ ông. Ngày tết, ba tôi cùng các bạn lội bộ từ làng Bình Long ra đến ngã ba này chỉ để ngắm không khí nhộn nhịp ngày Tết của chợ huyện. còn bây giờ tất cả đã hồi sinh. Tôi còn nhớ tiếng thở dài của ba - người lính đi chiến đấu suốt ba mươi năm khi trở về đau xót khi thấy làng quê mình vẫn đói nghèo. Dấu vết của chiến tranh vẫn in đậm trong mỗi ngôi nhà, con người. Bữa cơm của bà nội tôi cùng các cô bác chỉ có nồi cơm to bên cạnh dĩa đọt rau lang và chén mắm nêm, dĩa cá lòng tong kho nhỏ xíu. Các anh chị và các cháu tôi đa số đều làm nghề nông. Đất bạc màu khô cằn vì bom đạn của Mỹ ngụy cày xéo nên chỉ thích hợp với việc trồng mía, trồng khoai mì, bắp và đậu phộng. Gia đình nội tôi quanh năm vật lộn với ruộng vườn mà chẳng khá lên được. Mỗi lần về quê là ba tôi lại ưu buồn.

Thế mà mấy năm nay, khi ba tôi đã đi xa, làng Bình Long chỉ khoai với củ ấy đã thay da đổi thịt. Khu công nghiệp mọc lên, đất đai bỗng trở thành đất vàng. Các cháu tôi vừa là những người thợ vừa là những ông chủ đất. Nhà cửa, đường sá mọc lên san sát. Con đường làng được trải nhựa thay cho những ổ trâu, ổ voi của ngày xưa. Rồi ấp văn hóa, làng văn hóa được công nhận. Đón chúng tôi là những sắc vàng rực của hoa chuông vàng trải dài hai bên đường cùng với lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay trên cổng của ủy ban huyện, trên từng nóc nhà như reo vui khi đón mùa xuân về.

Ở nơi chín suối, ba tôi và bao đồng đội đã ngã xuống vì đất nước chắc cũng đang hòa trong niềm vui của quê hương, của dân tộc. Vâng, tiếng nhạc vang lên từ thùng loa của nhà ai đó ven đường như nói hộ chúng tôi niềm vui trong sự phát triển đi lên của đất nước, của dân tộc. Sự đổi mới và tiếng nói cười rộn ràng của mọi người chính là mùa xuân đang về…

Hoàng Mai Quyên

Tin xem nhiều