Báo Đồng Nai điện tử
En

"Góp sức phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho Đồng Nai"

12:02, 27/02/2021

Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là một trong những đề án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Hà Duy Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM). Ảnh: B.NGUYÊN
Ông Hà Duy Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM). Ảnh: B.NGUYÊN

Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là một trong những đề án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Hà Duy Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM), đơn vị tư vấn cho đề án trên đã có cuộc trao đổi xoay quanh câu chuyện về mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng CNC của Israel vào sản xuất những nông sản thế mạnh của Đồng Nai theo quy mô hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị khép kín, có thương hiệu góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống của nông dân. 

Nông dân muốn giàu, phải có tri thức

 Xin ông chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của bản thân?

- Bản thân tôi đam mê kinh doanh ngay từ nhỏ nên tôi chọn học ngành Quản trị kinh doanh. Anh chị em trong gia đình mở công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đều có tên tuổi trong giới, tôi thường ngồi cùng làm với các kỹ sư lập trình nên hiểu biết nhiều về lĩnh vực này. Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2003, thành lập công ty và trở thành nhà phân phối phần mềm quản lý cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhờ đó, tôi học được nhiều thứ về hệ thống chuỗi giá trị gia tăng, hệ thống về phân phối theo chuỗi, cách thức đưa sản phẩm vào thị trường cho đến kế hoạch kinh doanh…

 Điều gì khiến một doanh nhân ngành quản trị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như ông lại bén duyên với nông nghiệp CNC?

“Để đưa ra nội dung đề án này, đội ngũ chuyên gia nông nghiệp của Israel đã đến Đồng Nai khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ. Họ có lịch trình rất chi tiết đến từng địa phương, về tận vườn gặp nông dân phỏng vấn, khảo sát thực tế. Sự chuyển giao của họ là “chìa khóa trao tay”, nghĩa là ngay từ bước đầu họ sẽ tư vấn cho mình lộ trình từ khi mình quy hoạch vùng đất nên trồng cây gì là tốt nhất, cách chọn giống, quy trình ươm giống, canh tác rồi tạo ra môi trường sinh trưởng của cây… Các chuyên gia sẽ ở cùng nông dân ngay vườn canh tác để tập cho nông dân quen với lối canh tác mới, quy trình mới” - ông Hà Duy Bình cho hay.

- Trong quá trình làm việc, tôi tham gia vào nhóm công nghệ và tiếp cận được rất nhiều chuyên gia về nông nghiệp CNC. Đó còn là sự tình cờ khi tôi gặp được bà Meirav Eilon Shahar, nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Cộng hòa Israel tại Việt Nam nên có dịp tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành của họ về lĩnh vực nông nghiệp CNC.

Khi tôi sang Israel thì thấy người nông dân của họ có mức thu nhập bình quân cao nhất trên thế giới; ngay cả vùng sa mạc Arava ở Biển Chết, thu nhập của người nông dân vẫn đạt 72 ngàn USD/năm, cao hơn cả những người làm kỹ sư về công nghệ thông tin thuộc tốp đầu về thu nhập. Nhìn lại, người nông dân Việt Nam suốt đời quanh quẩn trên đồng ruộng, luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng mức thu nhập chưa đến 2 ngàn USD/năm và mãi chưa thoát được nỗi lo được mùa mất giá. Quản trị kinh doanh có thể làm ở bất cứ ngành nghề nào nhưng tôi thấy người nông dân Việt Nam còn khổ nên chọn nghiên cứu về nông nghiệp CNC.

 Vì sao ông lại kiên trì với các dự án đưa CNC của Israel vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam?

- Tôi đã đi đến những nông trại, những trung tâm nghiên cứu, nhất là tiếp cận với công nghệ nghiên cứu gen, sản xuất giống của Israel và thấy rất tuyệt vời. Tôi thấy rằng đây là hướng đi rõ ràng nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam. Tôi muốn nông dân Việt Nam là đội ngũ nông dân trí thức, làm giàu. Từ lúc đó, tôi đã có những ấp ủ về ứng dụng CNC để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Học từ nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới

 Những nguyên nhân nào khiến ông chọn phát triển theo hướng nông nghiệp CNC của Israel chứ không phải là nước nào khác?

- Đối với người Israel, họ chú trọng 3 yếu tố vô cùng quan trọng. Thứ nhất, ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu về gen, về giống của họ số 1 thế giới. Hạt giống của họ được gọi là hạt giống vàng vì đạt về tốc độ phát triển, năng suất và chống sâu bệnh. 1kg hạt giống cà chua, cherry của họ có thể bán được 40-45 ngàn USD, những lúc đấu giá có thể lên đến 300 ngàn USD. Đó là lý do tại sao người ta gọi hạt giống vàng để chứng minh cho thế giới thấy rằng đất nước của họ chẳng có một tài nguyên gì cả, thế mạnh duy nhất của họ là ứng dụng CNC vào sản xuất.

Ông Hà Duy Bình giới thiệu mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao Israel trồng cây trong nhà màng tại Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A
Ông Hà Duy Bình giới thiệu mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao Israel trồng cây trong nhà màng tại Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A

Thứ hai, khi canh tác xong họ có chuỗi giá trị gồm phân loại, đóng gói, bảo quản… đều chuẩn mực trên thị trường quốc tế. Tôi lấy ví dụ, 1 trái bưởi họ không chỉ phân ra loại 1, loại 2 mà trong từng trái bưởi, họ chọn ra 2 múi ngon nhất đóng gói bán trong siêu thị với giá trị rất cao. Trái èo uột, hàng loại thì dùng để sản xuất mỹ phẩm, làm nước ép, những rác thải trong quá trình chế biến được dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu. Một điểm rất quan trọng là khâu logistics của họ phân chia vận chuyển đường biển, đường hàng không, đường bộ kết hợp với nhau nhịp nhàng để đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Thứ ba, một trong những điểm rất mạnh của Israel là sản xuất theo nhu cầu. Tôi lấy ví dụ như cây ngồng cải có hàm lượng canxi rất cao nên các bệnh viện đặt hàng và nhà nghiên cứu đến nông dân cung cấp giống ngồng cải có hàm lượng canxi gấp 2 lần hoặc hơn chuyên cung cấp cho người bệnh thiếu canxi. Nông nghiệp của Israel luôn đi theo nhu cầu tiêu dùng của thế giới, nghĩa là thế giới cần gì thì họ sẽ đáp ứng đúng nhu cầu, đúng thời điểm nên mang lại giá trị rất cao.

 Ông xem trọng nhất vấn đề nào khi thực hiện Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng CNC của Israel trên địa bàn Đồng Nai?

- Điều tôi mong muốn là gia tăng giá trị cho từng m2 đất sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là gắn kết để nông dân có kiến thức ứng dụng CNC vào sản xuất để có thể sống an nhiên, nhàn rỗi hơn. Mục tiêu quan trọng nhất của đề án là làm sao hỗ trợ cho người nông dân ngay trên mảnh đất của họ tạo được bước đột phá, cải thiện về kiến thức nông nghiệp, cách thức canh tác, cách thức quản lý, thu nhập… Đề án sẽ làm mô hình điểm xong chuyển giao cho nông dân, doanh nghiệp tham gia theo chuỗi liên kết, trong đó nông dân được hỗ trợ về vốn đầu tư, đầu ra của sản phẩm được bao tiêu. Bản thân tôi rất có tâm huyết trong việc đưa đề án này vào thực tế sản xuất và rất muốn tiếp tục tham gia vào chiến lược phát triển nông nghiệp dài hạn ở Đồng Nai.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều