Báo Đồng Nai điện tử
En

Lưu giữ văn hóa ngày xuân

03:02, 06/02/2021

Tại các địa điểm như: Văn miếu Trấn Biên, đường hoa Nguyễn Văn Trị, Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh... thời điểm này, những không gian Tết xưa, Tết nay hay con đường gốm đã và đang góp phần mang đến không Tết khí vui tươi, ấm áp.

Tại các địa điểm như: Văn miếu Trấn Biên, đường hoa Nguyễn Văn Trị, Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh... thời điểm này, những không gian Tết xưa, Tết nay hay con đường gốm đã và đang góp phần mang đến không Tết khí vui tươi, ấm áp.

Thầy Nguyễn Đình Sử, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đang vẽ các họa tiết trên gốm trưng bày tại đường hoa Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa
Giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đang vẽ các họa tiết trên gốm trưng bày tại đường hoa Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa

1. Những ngày này, tại Văn miếu Trấn Biên đang trưng bày triển lãm Tết cổ truyền Việt Nam xưa và nay do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh thực hiện. Với hơn 110 ảnh đẹp về Tết xưa, Tết nay được lựa chọn, 4 tranh cổ động tấm lớn và 40 bộ pano... nhằm giới thiệu đến người dân và du khách những giá trị văn hóa truyền thống trong Tết cổ truyền Việt Nam.

Các tác phẩm ảnh đẹp đưa người xem đến với không khí Tết xưa, nhà nhà đều có một góc nhỏ để gói bánh chưng, treo câu đối đỏ, rộn ràng sắc đào, sắc mai. Những đứa trẻ xúng xính bên bộ quần áo mới, những chợ hoa, chợ Tết luôn tấp nập người bán, người mua. Trải qua thời gian, nhiều phong tục trong ngày Tết của người Việt đã thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, một số phong tục Tết như: cúng ông Công ông Táo, xin chữ đầu năm hay du xuân... nay vẫn được gìn giữ và phát huy.

Theo Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, ngay từ cuối tháng 1-2021, trung tâm đã trưng bày và giới thiệu triển lãm trước cổng Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên. Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, trung tâm cũng như Văn miếu Trấn Biên đã có khuyến cáo với người dân và du khách trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện thông điệp 5K: khử khuẩn, khẩu trang, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế... để đảm bảo an toàn. Triển lãm nhằm gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống, tâm lý hướng về cội nguồn cho các tầng lớp nhân dân.

2. Đi dọc bờ sông Đồng Nai vào những ngày này, dễ dàng nhận thấy  đường phố đã khoác lên mình “chiếc áo mới” rực rỡ hoa, những hình ảnh, cảnh đẹp của vùng quê yên bình được tái hiện qua các tiểu cảnh khá bắt mắt. Đặc biệt, con đường gốm với hơn 60 bình gốm lớn và cụm gốm mỹ nghệ đang được hoàn thiện tại đường hoa Nguyễn Văn Trị hứa hẹn tạo được dấu ấn mới. Các bình gốm lớn do sinh viên, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trang trí, tạo họa tiết cho gốm.

Thầy Nguyễn Đình Sử, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, để thực hiện 60 bình gốm lớn, nhà trường huy động sinh viên, giảng viên của Khoa Thiết kế mỹ thuật truyền thông đa phương tiện và nhiếp ảnh, Khoa Thiết kế đồ họa cùng thực hiện. Các bình gốm lớn được sinh viên, giảng viên của nhà trường bắt tay trang trí trong gần 5 ngày. Chủ đề thực hiện trên các bình gốm là: Biên Hòa - xưa và nay, các di tích, danh thắng đẹp của Đồng Nai; các công trình trọng điểm, nông thôn mới; hay đơn giản đó chỉ là các hoạt động thường ngày, những vườn hoa khoe sắc...

“Chúng tôi có nhiệm vụ tạo họa tiết cho các bình gốm trên cơ sở các bình lớn được chuyển đến đường hoa Nguyễn Văn Trị. Công việc này không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng chi  tiết. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì mình đã thực hiện được một hoạt động có nhiều ý nghĩa. Con đường gốm sứ này chắc chắn sẽ đem đến cảm giác mới lạ, tạo không gian đẹp khi Tết đến, Xuân về” - thầy Sử chia sẻ.

Vừa thoăn thoắt đưa tay vẽ họa tiết cho gốm, sinh viên Trần Ngọc Thảo Vy (Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) vừa kể, khi nhà trường phát động phong trào vẽ tranh trên gốm để trưng bày tại đường hoa trong dịp Tết Nguyên đán, chị đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Để vẽ họa tiết cho một bình gốm lớn, bản thân chị và các sinh viên khác tham gia đều mất 1-2 ngày mới thực hiện xong.

“Đây là lần đầu tiên em tham gia “vẽ tranh” trên gốm tại không gian công cộng. Trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, nhiều bạn nhà ở xa không về quê ăn Tết, thay vào đó tham gia hoạt động vẽ tranh ở đường hoa. Ai nấy đều có ý thức giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn. Em hy vọng, những bức tranh trên gốm mà mình thể hiện sẽ đem đến diện mạo mới, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, bá hình ảnh gốm Biên Hòa - Đồng Nai” - chị Thảo Vy nói.

Triển lãm ảnh đẹp Tết cổ truyền Việt Nam xưa và nay tại Văn miếu Trấn Biên
Triển lãm ảnh đẹp Tết cổ truyền Việt Nam xưa và nay tại Văn miếu Trấn Biên

3. Với chủ đề: Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Biên Hòa phát triển hướng đến thành phố công nghiệp văn minh hiện đại, đường hoa Nguyễn Văn Trị năm nay được xây dựng mới với 1 đường gốm, 5 cụm tiểu cảnh chính (gồm 5 đại cảnh trung tâm và 22 tiểu cảnh trên chiều dài 600m từ ngã ba Hoàng Minh Châu đến Cầu Mới). Riêng đoạn từ UBND tỉnh đến ngã ba đường Hoàng Minh Châu với chiều dài 500m sẽ được TP.Biên Hòa gia cố, sử dụng các tiểu cảnh từ đường hoa Tết Canh Tý để trang trí. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại tạo điểm nhấn cho đường hoa Nguyễn Văn Trị.

Không chỉ ở Biên Hòa, tại các huyện, thành phố cũng đã xây dựng các đoạn đường hoa trên các trục đường trung tâm. Đường hoa của TP.Long Khánh được bố trí tại đoạn từ vòng xoay Cách Mạng Tháng Tám - Hùng Vương đến cổng sân vận động. Đồng thời, TP.Long Khánh thực hiện trang trí tháp hoa tại một phần khu vực công viên Bia chiến thắng Long Khánh, trưng bày mô hình mâm ngũ quả và linh vật; trang trí tháp hoa một phần khu vực công viên Vườn Dầu... Qua đó tạo cảnh quan cho phố phường trong dịp Tết Nguyên đán.

Ly Na

Tin xem nhiều