Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt cấp phép hành nghề y

09:04, 03/04/2021

Việc các bác sĩ có tay nghề nghỉ việc ở bệnh viện công lập để sang làm việc ở các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân hoặc tình trạng bác sĩ đang làm việc ở nơi này nhưng đăng ký hành nghề ở một nơi khác để hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục đã không còn xa lạ trong vài năm trở lại đây.

Việc các bác sĩ có tay nghề nghỉ việc ở bệnh viện công lập để sang làm việc ở các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân hoặc tình trạng bác sĩ đang làm việc ở nơi này nhưng đăng ký hành nghề ở một nơi khác để hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục đã không còn xa lạ trong vài năm trở lại đây.

Bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung
Bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung

Để tránh tình trạng này, từ cuối năm 2020 đến nay, Sở Y tế đã đưa ra một số quy định mới nhằm siết chặt việc cấp phép hành nghề y.

* Bác sĩ, điều dưỡng cùng nghỉ việc

BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, năm 2020, bệnh viện có 80 nhân viên nghỉ việc, trong đó có 15 bác sĩ, 31 điều dưỡng, nữ hộ sinh. Chỉ tính riêng trong quý I-2021, bệnh viện cũng đã có 19 người nghỉ việc, trong đó có 4 bác sĩ và 6 điều dưỡng, nữ hộ sinh.

Đa số các bác sĩ nghỉ việc là những người vào làm việc tại bệnh viện được từ 2-3 năm, đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này gây ít nhiều khó khăn cho bệnh viện vì làm thiếu hụt đội ngũ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Bệnh viện lại phải tiếp tục tuyển dụng bác sĩ mới ra trường, tiếp tục đào tạo, phân công thực hành.

Không chỉ riêng các bệnh viện công lập mà ngay cả các cơ sở y tế ngoài công lập hiện cũng đang gặp phải khó khăn về vấn đề nhân lực. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Sở Y tế mới đây, giám đốc một bệnh viện tư nhân ở TP.Biên Hòa bộc bạch, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng bác sĩ nghỉ việc giữa chừng khi chưa hết hợp đồng mà không có bất kỳ chế tài nào để ràng buộc.

Điểm mới so với những năm trước đây là từ năm 2020, ngoài bác sĩ nghỉ việc còn có cả điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, nhiều nhất là điều dưỡng. Những điều dưỡng nghỉ việc đa số đều có tay nghề, chuyên môn khá vững. Do đó, khi bệnh viện cần triển khai thêm kỹ thuật mới hoặc khu vực điều trị mới như: lọc thận nhân tạo, mở thêm các phòng bệnh nặng của các khoa thì không có lực lượng điều dưỡng, nữ hộ sinh để làm việc ngay.

Còn tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai, từ ngày 1-1-2021, khi chính sách về thông tuyến tỉnh điều trị nội trú bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng mạnh.

BS Phùng Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cho hay, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân, gấp đôi so với trước khi có chính sách thông tuyến điều trị nội trú BHYT tuyến tỉnh. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Đó là người bệnh không phải tốn nhiều thời gian, công sức để xin giấy chuyển tuyến như trước kia (nếu người bệnh có thẻ BHYT mà nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là các trạm y tế hoặc cơ sở y tế xếp hạng 3).

Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân đang cấp cứu tại khoa. Ảnh: Hạnh Dung
Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân đang cấp cứu tại khoa. Ảnh: Hạnh Dung

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật, thủ thuật mới. Trong đó tập trung vào việc làm thế nào để giúp bệnh nhân phục hồi vận động, phục hồi chức năng như: phương pháp vật lý trị liệu, cấy chỉ, điều trị trĩ bảo tồn… Đồng thời, sửa chữa một số hạng mục cơ sở vật chất, phòng ốc để phục vụ người bệnh được tốt hơn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai là đội ngũ nguồn nhân lực còn thiếu nhiều. Bởi thời gian trước đây, khi chưa có chính sách thông tuyến BHYT, lượng bệnh nhân đến bệnh viện rất ít, thu nhập của bác sĩ thấp dẫn đến nhiều bác sĩ nghỉ việc.

“Bệnh viện có quy mô 180 giường bệnh nhưng hiện chỉ có 130 cán bộ, nhân viên, trong đó chỉ có 26 bác sĩ. Số lượng kỹ thuật viên, y sĩ chưa bằng một nửa nhân lực toàn bệnh viện, còn lại là bộ phận hành chánh. Việc thiếu bác sĩ khiến bệnh viện khá chật vật. Với quy mô 180 giường bệnh và lượng bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay, bệnh viện cần phải có từ 50 bác sĩ trở lên” - BS Phùng Văn Thanh nói.

* Yêu cầu chặt chẽ trong cấp phép hành nghề

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc ở cơ sở này sang làm việc tại cơ sở khác. Trong đó, vấn đề thu nhập được xem là nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn phải kể đến áp lực công việc của điều dưỡng, bác sĩ.

BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, tổng thu nhập của một điều dưỡng làm việc tại bệnh viện dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng, tùy thâm niên công tác. Thu nhập này không thấp hơn so với các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, do là bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, số lượng bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh nặng nên công việc của điều dưỡng tại bệnh viện áp lực hơn so với nhiều cơ sở y tế khác, nhất là một số khoa như: cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc…

Nhằm hạn chế tình trạng bác sĩ “nhảy việc”, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở y tế và tránh tình trạng người hành nghề đăng ký “ma”, BS Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế)  thông tin, từ sau lần giám sát của HĐND tỉnh vào tháng 10-2020, Sở Y tế đã siết chặt việc cấp phép hành nghề đối với những nhân sự chủ chốt, bác sĩ, cử nhân có trình độ từ đại học trở lên.

Theo đó, bác sĩ nếu muốn đăng ký hành nghề tại một cơ sở y tế nào đó bắt buộc phải trực tiếp đến Sở Y tế để đăng ký. Khi đi yêu cầu phải mang theo các văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận… liên quan bản gốc. Sở Y tế không nhận các giấy tờ liên quan bản photocopy như trước kia, không cho phép đăng ký hành nghề qua mạng. Mục đích để cơ quan quản lý đối chiếu và xem xét người đó có thực sự ký hợp đồng với nơi làm việc mới hay không hay chỉ đăng ký hành nghề trên danh nghĩa hoặc bị người khác mạo danh.

Ngoài ra, người đăng ký hành nghề phải ký xác nhận chữ ký trong hợp đồng lao động với cơ sở y tế, phải cung cấp được giấy quyết định nghỉ việc tại cơ sở cũ trước khi về làm việc tại cơ sở mới. Mặt khác, cơ sở y tế cũ phải có văn bản báo giảm nhân sự thì bác sĩ mới được đăng ký hành nghề ở cơ sở mới (trong trường hợp thời gian hành nghề của 2 cơ sở trùng nhau).

Cán bộ công chức, viên chức nhà nước hoặc đang làm việc trong quân đội nếu muốn đi làm thêm ngoài giờ ở cơ sở khác thì phải thực hiện đúng Luật Viên chức. Tức là cán bộ, nhân viên đang làm việc ngoài giờ tại bệnh viện, trung tâm y tế của Nhà nước muốn làm cho một bệnh viện, cơ sở tư nhân thì phải có giấy đồng ý của bệnh viện, cơ sở nhà nước. Bởi lẽ, mặc dù thời gian ngoài giờ là thời gian tự do của công chức, viên chức, người lao động nhưng ở các cơ sở y tế nhà nước, đa số nhân viên phải trực đêm hoặc được phân công làm những việc ngoài thời gian quy định để đảm bảo tiến độ công việc. Do đó, nếu thời gian đăng ký hành nghề của công chức, viên chức ở cơ sở tư nhân trùng với thời gian hành nghề ở cơ sở y tế của Nhà nước thì yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động phải chấp hành yêu cầu của cơ sở nhà nước trước.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều