Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng thị trường mật ong

08:05, 08/05/2021

Trên thị trường hiện có khá nhiều loại mật ong. Về hình thức, các loại mật ong nhìn giống nhau, đều có hàm lượng đường, độ sánh đặc cao, tuy nhiên, người ta phân loại mật theo giống ong, loài hoa, cách nuôi để bán với giá từ khoảng 100 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/lít khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Trên thị trường hiện có khá nhiều loại mật ong. Về hình thức, các loại mật ong nhìn giống nhau, đều có hàm lượng đường, độ sánh đặc cao, tuy nhiên, người ta phân loại mật theo giống ong, loài hoa, cách nuôi để bán với giá từ khoảng 100 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/lít khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Nuôi ong tại Cơ sở Mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh). Ảnh: Lê An
Nuôi ong tại Cơ sở Mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh). Ảnh: Lê An

* Nhiều loại, khó chọn lựa

Một người tiêu dùng bình thường vào quầy mật ong tại Siêu thị BigC Đồng Nai, Co.opmart Biên Hòa hay Bách hóa Xanh rất khó chọn mua sản phẩm nếu không có sự tư vấn, hỗ trợ của nhân viên bán hàng. Không chỉ có 1-2 mà có đến 5-7 thương hiệu mật ong như: Xuân Nguyên, Thái Dương, Honey Boy, Viet Honey, Ong mật Đắk Lắk, Ong mật Đồng Nai… Giá cả cũng thượng vàng hạ cám, từ vài chục ngàn đồng/hũ đến hơn 1 triệu đồng/lít.

Anh Nguyễn Hữu Lai, nhân viên bán hàng tại Siêu thị BigC Đồng Nai chia sẻ, có rất nhiều loại mật ong như: mật ong thiên nhiên, mật ong nguyên chất, mật ong sữa chúa, mật ong rừng, mật ong cô đặc và sản phẩm kết hợp từ mật ong như: viên nén tinh bột nghệ mật ong, gừng ngâm mật ong, chanh đào mật ong. Trên mỗi sản phẩm đều có ghi đầy đủ thành phần, công dụng, cách sử dụng và địa chỉ của nhà phân phối. Người tiêu dùng tùy theo nhu cầu sử dụng để chọn mua sản phẩm phù hợp.

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng mật ong ngày càng nhiều. Trong điều kiện thị trường xuất khẩu liên tục gặp khó khăn thì thị trường nội địa là cơ hội mà các doanh nghiệp sản xuất và người nuôi ong cần lưu tâm và nắm bắt.

Không chỉ các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhiều kênh bán hàng như: cửa hàng tạp hóa, chợ, mạng xã hội, thậm chí lề đường cũng đầy rẫy các loại mật ong. Đa phần người bán đều cam kết là mật thật 100%, không có chất bảo quản, tuy nhiên người tiêu dùng rất khó thẩm định chất lượng.

Bà Lê Thị Chung, chủ Facebook Kho sỉ Linh Chung, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) khẳng định, toàn bộ mật ong mình bán đều là mật ong rừng được mua từ mối quen. Khách hàng có thể đặt mua cả tổ ong về tự vắt hoặc trực tiếp đến xem người bán vắt mật. “Mình chỉ chuyên ong ruồi và ong khoái rừng. Sản phẩm không nhiều nên khách phải dặn trước cả tháng mới có. Nếu mua nguyên tổ giá khoảng 600 ngàn đồng/kg, còn mua mật vắt sẵn giá 750-800 ngàn đồng/lít, khách sỉ rẻ hơn một chút” - bà Chung cho hay. Nhiều Facebook chào bán mặt hàng tương tự với giá từ 1-2 triệu đồng/lít.

Các loại mật ong được bán tại Siêu thị BigC Đồng Nai. Ảnh: Lê An
Các loại mật ong được bán tại Siêu thị BigC Đồng Nai. Ảnh: Lê An

Bà Nguyễn Thị Đào, chủ Cơ sở Mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh) có thâm niên gần 30 năm theo nghề nuôi ong lấy mật cho biết, thời kỳ cao điểm, bà nuôi 300-400 thùng nhưng hiện tại còn khoảng 150 thùng ong với sản lượng khoảng 5-6 tấn/năm. Vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng mật ong của người dân ngày càng tăng, vì thế mà sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng cũng ngày càng nhiều. Để đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng cho cơ sở, các sản phẩm như: mật ong thiên nhiên, chanh đào mật ong, dâu tằm mật ong đều được kiểm định, đăng ký nhãn hiệu trước khi bán ra thị trường. Hiện thương hiệu mật ong chôm chôm Minh Đào của bà Đào đã được nhiều khách hàng trên thị trường biết đến bởi sản phẩm chất lượng, giá thành khoảng 200 ngàn đồng/lít.

* Coi trọng thị trường nội địa

Đồng Nai là một trong những tỉnh nuôi ong và xuất khẩu mật lớn của cả nước. Theo thống kê của Hội Nuôi ong Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 800 trại với hơn 200 ngàn đàn. Có nhiều mô hình nuôi ong, hộ gia đình nuôi ong bán chuyên nghiệp và nuôi ong chuyên nghiệp. Sản lượng trung bình hằng năm khoảng 6-7 ngàn tấn mật ong. Ngoài ra còn có các sản phẩm khác như: sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa… Nghề nuôi ong không chỉ nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, góp phần xây dựng ngành “công nghiệp thiên nhiên” của Việt Nam mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các loại cây trồng có hoa và môi trường sinh thái.

Ông Mai Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nuôi ong Đồng Nai cho rằng, trước đây khoảng 90% mật ong của Đồng Nai được xuất khẩu thô sang Mỹ và EU. Nhưng những năm gần đây, cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người nuôi ong đều gặp khó khăn do phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến tồn dư kháng sinh, kiện chống bán phá giá và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó, mật giả, mật kém chất lượng tràn lan làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có yếu tố thuận lợi là nhu cầu sử dụng mật ong ở thị trường nội địa ngày càng tăng. Các doanh nghiệp chế biến và phân phối, cơ sở chăn nuôi ngoài đa dạng hóa sản phẩm, đề cao yếu tố chất lượng cũng tăng cường tiếp thị và tiếp cận thị trường trong nước.

Một người đi khai thác ong ruồi tự nhiên tại H.Long Thành. Ảnh: Lê An
Một người đi khai thác ong ruồi tự nhiên tại H.Long Thành. Ảnh: Lê An

Đại diện cửa hàng giới thiệu sản phẩm Công ty CP Ong mật Đồng Nai chia sẻ, trước đây, việc xuất khẩu thuận lợi, cửa hàng chỉ quảng bá và giới thiệu một số loại sản phẩm đặc trưng như: mật nhãn, mật cà phê, mật tràm, sữa ong chúa, phấn hoa… Tuy nhiên, hiện tại cửa hàng có đến hơn 10 sản phẩm bao gồm cả sản phẩm sử dụng hằng ngày, sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh và sản phẩm làm đẹp. Trong đó, mật ong thiên nhiên nguyên nhất được thu mua từ CLB Nuôi ong sạch, được xử lý nước, kháng chất, độ ẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ chỉ có giá khoảng 160 ngàn đồng/lít, rẻ hơn nhiều so các loại mật khác trên thị trường.

Thị trường mật ong trong nước ngày càng sôi động do xuất khẩu gặp khó khăn và nhu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng tăng. Thế nhưng, thị trường sản phẩm này gần như chưa có sự kiểm soát về chất lượng, giá cả khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là giai đoạn để ngành Ong cải tổ phát triển ngay ở thị trường trong nước vì chính doanh nghiệp, người nuôi và người tiêu dùng.

Lê An

Tin xem nhiều