Báo Đồng Nai điện tử
En

Tinh thần hòa hiếu của người Việt

02:05, 01/05/2021

Hòa hiếu là bản chất của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó vô cùng sống động và rõ nét.

Hòa hiếu là bản chất của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó vô cùng sống động và rõ nét.

Các mẹ  Việt Nam anh hùng đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu trong gia đình để đất nước có được độc lập, thống nhất...
Các mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu trong gia đình để đất nước có được độc lập, thống nhất...

Là một dân tộc trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh, thế nhưng bản chất hòa hiếu đã ăn sâu vào tâm hồn và tính cách của dân tộc Việt. Khi đất nước có chiến tranh, đến những nhà sư cũng cởi cà sa khoác chiến bào ra trận diệt quân thù. Khi đất nước sạch bóng quân thù, họ lại trở về tụng kinh, gõ mõ với câu kinh kệ sớm khuya. Một dân tộc mà khi “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi).

Trong lịch sử, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại phong kiến xưa không những ban hành những chính sách để ổn định, cấu kết lòng dân, hòa hợp dân tộc mà còn thể hiện sự bao dung, hòa hiếu với cả kẻ thù. Trên 7 thế kỷ trước, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên xâm lược, bắt được hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên để xin được làm quan (ta có thể gọi đó là việt gian phản quốc), Thượng hoàng và nhà vua đã có hành động “Vô tiền khoáng hậu”: Ra lệnh đốt hết các bức thư ấy và không truy cứu một ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc” (Ngô Sỹ Liên (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời Đại, tr. 318).

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, vị thủ lĩnh của nghĩa quân - Lê Lợi luôn chăm chú vỗ về và rất lưu ý tình đoàn kết quân dân. Đặc biệt, ông luôn tạo điều kiện để những kẻ lầm đường, lạc lối “đái công chuộc tội”: “Đối với những người lầm đường theo giặc, nếu hối cải trở về với Tổ quốc thì tha thứ cho đái tội lập công” (Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 318). Sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, vì căm tức trước những tội ác dã man mà quân xâm lược đã gây ra, nhiều người khuyên nhà vua hãy giết hết số quân Minh đã đầu hàng, vua Lê Thái Tổ đã dụ những lời vô cùng nhân đức: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thưở, công việc sẽ chép vào sử xanh, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư!” (Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 70).

Một dân tộc hòa hiếu và nhân đạo với cả quân thù, nét đẹp ấy là điểm son chói sáng của văn hóa Việt Nam, là điểm đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Sau khi chiến thắng giặc Thanh xâm lược, không những chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và tàn binh quân Thanh, vua Quang Trung đã sai thu nhặt xác quân Thanh trên các chiến trường chôn cất và lập đàn cúng tế. Bài văn tế của nhà vua trước nấm mồ quân xâm lược đã biểu thị tấm lòng khoan dung, độ lượng của người chiến thắng: “Nay ta: Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi/ Bảo lập đàn bên sông cúng tế/ Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc/ Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô/ Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời Nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí/ Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành/ Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống” (Phan Huy Lê: Đại thắng Thăng Long xuân Kỷ Dậu - 1789, Văn hóa Việt Nam tổng hợp, Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương, Hà Nội, 1989, tr. 52).

Thử nhìn đông tây kim cổ, khi cách mạng Pháp nổ ra (1789-1799), vua Louis XVI  bị giết. Cách mạng Nga, Nga Hoàng và cả gia đình đều bị giết… và nhiều, nhiều cuộc cách mạng khác mà kết cục cuối cùng thường là đầu rơi, máu chảy. Thế nhưng, Cách mạng Tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị đã được mời làm cố vấn tối cao. Rất nhiều bậc quan to của triều đình phong kiến đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra cùng chung gánh việc nước. Đó là những Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Đặng Văn Hướng, Vi Văn Định, Phạm Khắc Hòe…

Tiếp nối truyền thống này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhà nước và nhân dân Việt nam đều có những chính sách nhân đạo với tù binh. Đặc biệt, tối 2-5-1975, 2 ngày sau ngày trọng đại 30-4, trong buổi lễ trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta” (Nguyễn Hữu Thái (2013), Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, Nxb Lao Động, tr. 162-163).  Đáp lời, người từng đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng hòa - ông Dương Văn Minh cũng chân tình: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước…” (Nguyễn Hữu Thái (2013), Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, Nxb Lao Động, tr.162-163).

Trong hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao và là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hòa đàm Paris đã kể một câu chuyện xảy ra ở quê bà - H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - về một đám tang của một người nguyên là sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đi định cư ở Mỹ 20 năm. Theo nguyện vọng của ông, thi hài ông được đưa từ Mỹ về Việt Nam mai táng. Điều hết sức cảm động, theo bà “người đọc điếu văn là con trai một liệt sĩ cách mạng, cháu một bà mẹ anh hùng” (Nguyễn Thị Bình (2012), Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, Nxb Tri Thức, tr. 212).

Vũ Trung Kiên

 

 

Tin xem nhiều