Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận thức đúng về giáo dục kỷ luật tích cực

08:05, 22/05/2021

Hiện nay, thông tin về giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, không phải tất cả giáo viên, người làm giáo dục đều nhận thức đúng về giáo dục kỷ luật tích cực.

Hiện nay, thông tin về giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, không phải tất cả giáo viên, người làm giáo dục đều nhận thức đúng về giáo dục kỷ luật tích cực. Chính vì vậy, vẫn còn rất nhiều giáo viên áp dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật thiếu phù hợp như: bêu tên, kiểm điểm, la mắng học sinh trước mặt bạn bè, tệ hơn là chê bai, miệt thị trẻ. Bên cạnh đó, còn những cách thức kỷ luật thiếu tích cực nhưng ngầm ẩn hơn như: thái độ thiếu tin tưởng, xem thường trẻ...

Ảnh minh họa: Hải Yến
Ảnh minh họa: Hải Yến

Kỷ luật không đúng cách có thể khiến học sinh càng có nhiều biểu hiện tiêu cực hơn, buông xuôi, thậm chí chống đối lại giáo viên, đi ngược lại những nội quy của trường, lớp. Thậm chí, điều này còn ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ, biến trẻ thành người thiếu sự tự tin... Ngược lại, nếu biết áp dụng kỷ luật tích cực sẽ giúp trẻ phát huy được thế mạnh bản thân. Việc ghi nhận và khích lệ, động viên một cách thường xuyên các hành vi tích cực sẽ giúp các em củng cố, duy trì, lâu dần sẽ trở thành thói quen tốt.

Như vậy, muốn thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực thì điều trước tiên là thay đổi tư duy và cách thức kỷ luật của giáo viên. Thay vì sử dụng các hình thức kỷ luật “truyền thống” thì giáo viên nên tập trung củng cố những hành vi tích cực của học sinh, những điểm mạnh của các em nhằm gia tăng các hành vi tích cực hơn, đồng thời hạn chế đi những hành vi thiếu phù hợp. Giáo viên cũng cần tin tưởng, giao việc phù hợp cho để các em phát huy bản thân.

Thay vì áp đặt nội quy và buộc trẻ phải tuân thủ, trước tiên giáo viên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nên hướng tới việc kỷ luật tích cực bằng việc cho các em nhận thấy các hành vi thiếu phù hợp của các em khiến các em bị mất cơ hội, mất quyền lợi tham gia các hoạt động để được thể hiện bản thân (đây là nhu cầu tâm lý của trẻ). Khi nhận thức được rằng việc vi phạm nội quy không mang lợi ích mà còn thiệt thòi thì trẻ sẽ hạn chế dần hành vi tiêu cực và tăng cường hành vi tích cực.

ThS Nguyễn Công Bình
(Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích