Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề tài nghiên cứu khoa học phải có tính thị trường

10:05, 29/05/2021

PGS-TS Phạm Văn Hùng là người xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu Hóa sinh và Dinh dưỡng Thực phẩm tại Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) và đã có nhiều năm theo đuổi hướng nghiên cứu tìm cơ chế kháng tiêu hóa của các loại tinh bột nhằm sản xuất sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và người ăn kiêng. Đây cũng là đề tài nghiên cứu giúp ông vinh dự nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

PGS-TS Phạm Văn Hùng. Ảnh: B.NGUYÊN
PGS-TS Phạm Văn Hùng. Ảnh: B.NGUYÊN

PGS-TS Phạm Văn Hùng là người xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu Hóa sinh và Dinh dưỡng Thực phẩm tại Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) và đã có nhiều năm theo đuổi hướng nghiên cứu tìm cơ chế kháng tiêu hóa của các loại tinh bột nhằm sản xuất sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và người ăn kiêng. Đây cũng là đề tài nghiên cứu giúp ông vinh dự nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

Phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Văn Hùng về câu chuyện đưa nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất và hướng đi mới trong nghiên cứu, đầu tư chế biến nông sản.

Nghiên cứu theo đơn đặt hàng

* Những đề tài nghiên cứu khoa học mà PGS-TS theo đuổi xuyên suốt trong quá trình làm việc và cống hiến của mình?

- Những đề tài nghiên cứu tôi quan tâm và tập trung thực hiện hướng đến gia tăng giá trị kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Cụ thể như đề tài nghiên cứu tìm cơ chế kháng tiêu hóa của các loại tinh bột nhằm sản xuất sản phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và người ăn kiêng; đề tài phát triển dòng thực phẩm thực dưỡng để phát triển nông nghiệp xanh và hướng hiện nay tôi đang tập trung là tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như phụ phẩm của cây nông nghiệp, cây công nghiệp để làm ra các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Hướng nghiên cứu này nhằm chế biến các sản phẩm có giá trị tăng cao, có lợi ích cho sức khỏe con người từ những phụ phẩm vốn là nguồn gây ô nhiễm khi xả ra môi trường. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu trên còn có mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, góp phần giải quyết được khó khăn lớn của nông dân từ trước đến nay là nông sản sản xuất ra bị dư thừa trong vòng luẩn quẩn được mùa mất giá.

* Từ thực tế nào ông chọn và đầu tư nghiên cứu sản xuất sản phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và người ăn kiêng đã đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2018?

- Xuất phát từ thực tế tình trạng người béo phì và bệnh nhân tiểu đường đang gia tăng, tôi có ý tưởng sản xuất ra những thực phẩm phù hợp với họ. Trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện một điều, Việt Nam là nước thuộc tốp đầu thế giới về sản xuất gạo nhưng người dân chưa hiểu rõ hết những lợi ích cũng như những tác hại của việc dùng gạo không đúng cách, nhất là thói quen ăn nhiều cơm. Sau đó, tôi đi sâu vào nghiên cứu để đưa ra được khuyến cáo cho người dân ăn lượng cơm bao nhiêu là phù hợp.

Việt Nam hiện nay có rất nhiều giống gạo mới, cần nghiên cứu để tìm ra giống gạo mà thành phần dinh dưỡng phù hợp với người bệnh tiểu đường, béo phì. Việc nghiên cứu của tôi là tìm được hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với người bệnh, đưa ra giải pháp chế biến ra nhiều thực phẩm phù hợp với người bệnh.

PGS-TS Phạm Văn Hùng (trái) về làm việc với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)
PGS-TS Phạm Văn Hùng (trái) về làm việc với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)

* Tính ứng dụng của những đề tài, công trình nghiên cứu của PGS như thế nào trong thực tế?

- Cũng đề tài đã đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu nhưng về hướng ứng dụng tôi đoạt giải nhất giải thưởng sáng tạo TP.HCM vào năm 2019 và đang triển khai nghiên cứu này vào thực tế sản xuất. Là một nhà khoa học nên tôi chuyên tâm vào công việc nghiên cứu. Tôi mong muốn chuyển giao các kết quả nghiên cứu và sẽ cố vấn về khoa học để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh.

Với tôi, quan trọng nhất là nghiên cứu phải gắn liền với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường, cụ thể hơn là nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Giai đoạn 2018-2020, tôi từng hợp tác với doanh nghiệp ở Đồng Tháp làm đề tài bột và tinh bột khoai lang. Đề tài này đáp ứng nhu cầu của nông dân là phải bán được nông sản mình làm ra; nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp là đầu tư ra những sản phẩm có khả năng thương mại hóa.

Chế biến phế phẩm thành đặc sản

* PGS có những đề tài nghiên cứu nào gắn với Đồng Nai?

- Thời gian qua, nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế có hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu như: quy trình sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao…

Điểm nổi bật của các đề tài này là sử dụng các nguyên liệu là các phụ phẩm từ vỏ trái, thịt trái ca cao để chế biến ra những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Các đề tài nghiên cứu trên đầu tư quy trình sản xuất, chế biến khép kín vừa sạch, vừa xanh với trái ca cao được đưa thành nguyên liệu chế biến để tạo ra các dòng sản phẩm mới có giá trị cao, góp phần đưa các sản phẩm từ cây ca cao của Việt Nam vươn ra thế giới với tầm cao mới.

* Là nhà khoa học, PGS đã chủ động như thế nào để có sự kết nối hiệu quả với doanh nghiệp chế biến?

- Để tạo được sự kết nối tốt giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cần sự chủ động của cả hai bên. Đây cũng là chính sách của Trường đại học Quốc tế đẩy mạnh sự hợp tác giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp.

Theo đó, trường thường xuyên tổ chức các đoàn đi các địa phương, xuống gặp gỡ các doanh nghiệp và tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Và xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, nhà khoa học chúng tôi mới hình thành ra các ý tưởng, trao đổi để làm các đề tài nghiên cứu. Điều quan trọng nhất là có sự kết hợp và chia sẻ giữa hai bên, doanh nghiệp cũng đưa ra được nhu cầu, yêu cầu mà mình cần và đặt hàng với nhà khoa học.

* Dưới góc nhìn của PGS, bản chất của thực dưỡng và nông nghiệp xanh là gì?

- Ăn để no và ngon là giai đoạn trước. Nói về thực dưỡng không chỉ là ăn ngon mà điều quan trọng nhất là an toàn và có giá trị chữa bệnh là xu hướng hiện nay.

Tiêu chí “ngon” cũng cần định nghĩa lại, món ăn không chỉ hấp dẫn về vị giác, mà nguyên liệu của nó, tôi lấy ví dụ như một cây rau, được trồng thực chất sẽ ngon hơn cây rau được kích thích phát triển.

Hiện nay đầu tư chế biến bất kỳ sản phẩm nào cũng cần theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn để tất cả các khâu sẽ được kiểm soát tốt hơn. Các đề tài nghiên cứu của tôi hướng đến theo chuỗi đi từ khâu trồng trọt của người nông dân đến khâu chế biến, bán hàng của doanh nghiệp và phải kiểm soát tốt được tất cả các khâu.

* PGS đánh giá như thế nào về chính sách, cơ chế thu hút đầu tư vào nghiên cứu chế biến nông sản, thực phẩm?

- Hiện Chính phủ rất khuyến khích đầu tư vào chế biến nông sản, thực phẩm và có nhiều chính sách hỗ trợ tốt. Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu cũng có những rủi ro nhất định vì không phải đề tài nào cũng ứng dụng được vào thực tế. Chính vì vậy, nhà khoa học chúng tôi rất mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về sự rủi ro này để khuyến khích các nhà khoa học mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, mạnh dạn chọn hướng nghiên cứu mới.

* Xin cảm ơn ông!

PGS-TS Phạm Văn Hùng tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1998 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường đại học Phủ Osaka (Nhật Bản) chuyên ngành Hóa sinh ứng dụng năm 2005. Ông tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ theo học bổng JSPS (Nhật Bản), học bổng NSERC (Canada). Hiện tại ông đã xuất bản hơn 60 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE (Science Citation Index Expanded) gồm khoảng 7000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ có chất lượng cao nhất trên thế giới.

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều