Báo Đồng Nai điện tử
En

Thịt nhập chưa hết 'lạnh'

10:05, 01/05/2021

Khác với các mặt hàng nhập khẩu như: hoa tươi, trái cây, mỹ phẩm, đồ dùng thời trang... khá đắt hàng, giá bán cao, thực phẩm tươi sống (thịt, cá các loại) nhập khẩu mặc dù có giá rẻ, chỉ khoảng 1/2 giá thịt trong nước nhưng sức tiêu thụ còn chậm.

Khác với các mặt hàng nhập khẩu như: hoa tươi, trái cây, mỹ phẩm, đồ dùng thời trang... khá đắt hàng, giá bán cao, thực phẩm tươi sống (thịt, cá các loại) nhập khẩu mặc dù có giá rẻ, chỉ khoảng 1/2 giá thịt trong nước nhưng sức tiêu thụ còn chậm.

Người dân chọn mua thịt bảo quản lạnh tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Ban Mai
Người dân chọn mua thịt bảo quản lạnh tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Ban Mai

Thói quen ăn đồ tươi, lo ngại thực phẩm bảo quản lâu ngày không đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là những nguyên nhân các bà nội chợ ngại dùng thịt “ngoại”.

* Giá rẻ, nguồn cung nhiều nhưng... ế

Dịp lễ 30-4 và 1-5, siêu thị BigC Đồng Nai triển khai chương trình Thế giới nhập khẩu với các mặt hàng như: trái cây, thực phẩm tươi sống nhập khẩu. Không giống với gian hàng trái cây nhập khẩu có đông khách chọn mua, gian hàng thực phẩm đông lạnh khá vắng khách. Thực phẩm nhập khẩu của siêu thị khá đa dạng: cá (nguyên con, phi lê, cắt khúc), thịt heo (sườn, ba rọi, chân giò), thịt gà (nguyên con, đùi, cánh), thịt bò... Về giá, các loại thực phẩm đông lạnh bằng 1/2, thậm chí rẻ hơn so với mặt hàng cùng loại ở gian hàng thịt nội (bảo quản trong ngăn mát) tại siêu thị hoặc chợ. Chẳng hạn, chân giò heo có giá 54,9 ngàn đồng/kg, móng giò heo cắt khúc 57,9 ngàn đồng/kg; đùi tỏi gà Mỹ 29,9 ngàn đồng/kg, gà nguyên con hơn 30 ngàn đồng/kg; ba chỉ bò 175 ngàn đồng/kg...

Một nhân viên dịch vụ siêu thị BigC Đồng Nai cho biết, có rất ít khách hàng quan tâm đến thịt đông lạnh nhập khẩu, nhưng một khi có khách lại bán được số lượng lớn. Chẳng hạn, một khách có thể mua vài chục kg móng giò hoặc cả tạ đùi gà, ba rọi bò. Cũng theo nhân viên này, thịt nhập khẩu mặc dù có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, ngày đóng gói, ngày hết hạn và đặc biệt giá rẻ hơn nhiều so với thịt trong nước nhưng chưa thực sự hấp dẫn các bà nội trợ. Khách hàng của thịt nhập đa phần là chủ kinh doanh cửa hàng ẩm thực, nhà hàng, bếp ăn tập thể mua số lượng nhiều.

Không đa dạng như các siêu thị lớn, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart và Vinmart+, Bách hóa xanh cũng bán thịt gà, thịt heo, thịt bò nhập khẩu. Các sản phẩm được đóng gói nhỏ, hút chân không để thuận tiện cho khách hàng mua lẻ. Nhận định chung của các doanh nghiệp bán lẻ là thị trường thực phẩm tươi sống nhập khẩu ngày càng đa dạng nhưng chưa thực sự hút khách, trừ một số loại mặt hàng như: đùi gà, cánh gà, sườn non heo. Kể cả thời điểm xảy ra dịch tả heo châu Phi, dịch cúm gia cầm, giá thịt ở các chợ tăng gần gấp đôi nhưng thị trường thịt “ngoại” ở siêu thị vẫn không có biến động nhiều dù giá ổn định và nguồn cung sẵn. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn duy trì bán thịt nhập để đa dạng mặt hàng, tăng khả năng cạnh tranh với các siêu thị lớn.

Cửa hàng tiện lợi, siêu thị không phải là kênh tiêu thụ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu duy nhất. Hiện các trang web, nhóm mua bán trên mạng xã hội cũng bán thịt nhập khẩu. Quản trị viên Fanpage Facebook Thực phẩm đông lạnh (TP.HCM) cho biết,  đơn vị hiện phân phối sỉ các mặt hàng thực phẩm đông lạnh là heo, bò, gà, cá biển, ếch nhập khẩu từ: Mỹ, Nga, Úc, Ba Lan, Ấn Độ... giá trung bình khoảng 20-80 ngàn đồng/kg. Từ khi dịch covid-19 bùng phát đến nay, việc phân phối thực phẩm đông lạnh bị chậm lại do các bếp ăn tập thể, khu du lịch, nhà hàng, quán ăn tạm thời đóng cửa hoặc giảm phục vụ.

Khảo sát thực tế, hầu hết các chợ không bán thịt nhập khẩu. Nguyên nhân được cho là các bà nội trợ chưa có thói quen tiêu thụ thịt nhập, công tác bảo quản không đảm bảo do phải có tủ đông, tủ đá.

* Do thói quen tiêu dùng

Mặc dù ít bán tại các chợ truyền thống nhưng việc tìm mua thịt bò Úc, thịt heo Mỹ, cá hồi Nhật Bản, xúc xích Đức và nhiều thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ các quốc gia trên thế giới không khó. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trên ứng dụng mua hàng của siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị nhập khẩu và phân phối. Việc so sánh giá cả, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tham khảo thông tin đánh giá từ người dùng khá tiện lợi.

Thịt nhập khẩu trên bàn ăn ở một nhà hàng tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ban Mai
Thịt nhập khẩu trên bàn ăn ở một nhà hàng tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ban Mai

Theo đánh giá của nhiều người, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu mặc dù có giá khá rẻ nhưng chưa tiếp cận được người tiêu dùng là các bà nội trợ. Nguyên nhân là do thói quen ăn đồ tươi trong bữa cơm hằng ngày, lo ngại thực phẩm để lâu ngày không đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng.

Chọn mua cánh gà đóng khay tại siêu thị BigC Đồng Nai, bà Thạch Huy, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, bà thường mua thực phẩm ở chợ, ít khi mua thịt ở siêu thị. Nếu có mua thịt ở siêu thị cũng chọn loại có nguồn gốc trong nước, bảo quản trong ngăn mát. Riêng mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu bà chưa từng mua. “Tiêu chí mua thực phẩm của tôi là phải tươi. Cá, gà tôi mua loại còn sống về tự làm hoặc nhờ người bán làm. Thịt heo, thịt bò tôi thường mua ở chợ vào buổi sáng, màu còn hồng hào, sờ vào miếng thịt có cảm giác dính tay” - bà Huy cho hay.

Bà nội trợ Thúy Hằng, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, rất ít khi mua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Nguyên nhân là do thịt nhập khẩu đóng gói sẵn không kiểm tra được, phải rã đông trước khi chế biến. Ngoài ra, bà Hằng cũng lo vấn đề an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng ở những khay thịt có thời hạn sử dụng 6-12 tháng.

Trái với 2 bà nội trợ trên, ông Trần Văn Trung, P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) mua thịt nhập khẩu nhiều hơn thịt “nóng” ở chợ. Ông Trung nói: “Tôi mua từng khay thịt nhỏ về bỏ tủ đá ăn dần vừa tiện, vừa lợi về kinh tế. Tôi nghĩ, thịt đông nếu cấp đông và bảo quản đúng cách vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Hơn nữa, thịt bán ở các siêu thị được kiểm định và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hơn thịt chợ”. Ông Trung cho rằng, nhiều người không mua về nhà nhưng vẫn ăn thịt đông lạnh ở nhà hàng, quán ăn, khi đi du lịch. Đó là do thói quen đi chợ hằng ngày, lo ngại có chất bảo quản trong thực phẩm đông lạnh.

Hiện tại, các sạp thịt ở chợ có treo biển “heo sạch”, “heo mọi”, “heo mổ chiều” luôn đông khách hơn so với gian hàng thịt được bảo quản trong tủ đông, tủ mát ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả cửa hàng chuyên thịt sạch. Nhiều người thừa nhận, thịt nhập khẩu được bảo quản tốt hơn, có giá rẻ hơn, có nguồn gốc xuất xứ nhưng để người dùng là các bà nội trợ chấp nhận là câu chuyện dài hơi.

Thời điểm xảy ra dịch tả heo, dịch cúm gia cầm, Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu và tuyên truyền người dân sử dụng thịt nhập khẩu chính ngạch để hạn chế tình trạng nhập lậu, tăng giá do khan hiếm nguồn cung. Vào các đợt khủng hoảng thừa nguồn cung, Nhà nước cũng kêu gọi các doanh nghiệp chế biến tăng cường dự trữ, cấp đông thịt để bán trong nước và xuất khẩu, giúp ngành chăn nuôi ổn định đầu vào, đầu ra, giảm bớt tình trạng bấp bênh.

Ban Mai

Tin xem nhiều