Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh để trẻ tổn thương tâm lý

10:05, 01/05/2021

Theo thống kê của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố, hiện nay cứ trung bình mỗi ngày có khoảng 3 ngàn trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Còn tại Việt Nam, theo một vài số liệu nghiên cứu, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Theo thống kê của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố, hiện nay cứ trung bình mỗi ngày có khoảng 3 ngàn trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Còn tại Việt Nam, theo một vài số liệu nghiên cứu, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) xây dựng Phòng Tham vấn tâm lý để kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh các khó khăn, vướng mắc trong học tập và cuộc sống. Ảnh: Tố Tâm
Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) xây dựng Phòng Tham vấn tâm lý để kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh các khó khăn, vướng mắc trong học tập và cuộc sống. Ảnh: Tố Tâm

Ðây là những con số rất đáng báo động, cho thấy cần quan tâm đúng mức và có sự nhận diện sớm những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.

* Dễ rơi vào bế tắc

Những năm qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Ðồng Nai đều xảy ra các vụ học sinh tự tử. Ða phần các nạn nhân tuổi đời còn quá trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát, dễ rơi vào bế tắc dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát là cách duy nhất để giúp họ giải thoát khỏi những khó khăn, áp lực trong cuộc sống liên quan đến thành tích học tập, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, cha mẹ ly hôn, nghiện chất kích thích, bị bắt nạt trên mạng xã hội, bị ngăn cản chuyện yêu đương...

ThS tâm lý Hà Văn Phúc cho rằng: “Đa số các em bị rối loạn tâm lý trong độ tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn tương đối phức tạp, phụ huynh cần quan tâm hơn đến trẻ vì trẻ đang trong giai đoạn chuyển đổi từ trẻ con sang người lớn nhưng chưa được sự thừa nhận của người khác nên dễ dẫn đến các rối loạn, khủng hoảng về cảm xúc và hành vi. Nguy hiểm hơn, khi các rối loạn, khủng hoảng trên không được hỗ trợ, chia sẻ kịp thời thì một số trẻ thực hiện hành vi tiêu cực để giải quyết vấn đề”.

Chỉ trong vòng tháng 2 và tháng 3-2021, trên địa bàn xã Bảo Nam, H.Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) có 3 học sinh lớp 7 tử vong do tự tử bằng lá ngón. Các trường hợp tự tử đều có lý do rất đơn giản như bị gia đình cấm mua xe máy, ngăn cản chuyện yêu đương hay do áp lực học tập. Cụ thể vào ngày 30-3. một nữ sinh lớp 7, Trường THCS bán trú Huồi Tụ, xã Huồi Tụ (đóng trên địa bàn xã Bảo Nam, H.Kỳ Sơn) đã ăn lá ngón tự tử vì cha không chịu mua xe máy cho đi học.

Ðáng chú ý là vụ 2 em T.K. và T.H. (đều 16 tuổi, là học sinh THPT tại TP.HCM) cùng nhau nhảy từ sân thượng của một chung cư ở Q.12 (TP.HCM) vào ngày 22-3 dẫn đến tử vong do bị gia đình ngăn cản tình yêu đồng tính.

Tại Ðồng Nai cũng từng xảy ra một số vụ học sinh tự tử, nổi lên là vụ nữ sinh A.T. (15 tuổi, học sinh lớp 9, ngụ H.Cẩm Mỹ) uống thuốc diệt cỏ tự tử vào tháng 6-2015 do bị bạn trai 22 tuổi tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội. Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể hơn, cấp thiết hơn để bảo vệ thanh thiếu niên trước những ảnh hưởng xấu của internet, mạng xã hội.

Cái chết thương tâm của các học sinh nói trên để lại nhiều suy nghĩ, trăn trở của các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Chính những suy nghĩ non nớt, thiếu kỹ năng sống, thiếu sức chịu đựng của trẻ, cộng với thiếu sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ trẻ giải quyết các vấn đề vướng mắc trong cuộc sống từ gia đình, nhà trường đã dẫn đến hành vi rất đau lòng nêu trên.

Theo ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Ðầu tư và phát triển giáo dục V.LIFE (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Ðồng Nai cho biết, hiện có nhiều học sinh tìm đến chuyên gia tâm lý để có thể giãi bày tâm sự và mong muốn bản thân thoát ra khỏi những tiêu cực.

Cụ thể như  em T.T. (học sinh lớp 7, một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa) đã 2 lần dùng dao cắt cổ tay, 3 lần uống thuốc ngủ quá liều và thuốc bảo quản thực vật để mong tìm đến cái chết và hiện tại vẫn không ngừng nghĩ về cái chết.

T. chia sẻ, cha mẹ em đều làm công nhân. Mỗi lần em làm gì sai hoặc chỉ mắc những lỗi nhỏ (làm cháu té, nấu cơm trễ...) cũng bị cha mắng nhiếc thậm tệ, thậm chí đánh rất đau. Những điều đó cứ lặp lại khiến em cảm thấy mình luôn bị ghét bỏ, vô dụng và thường xuyên ngồi một mình trong phòng, tìm các cách khác nhau để được giải thoát. Hơn thế nữa, khi phát hiện T. tự tử, những người thân trong nhà còn đánh, chửi, không có ai đồng cảm, chia sẻ, quan tâm hay hỏi han vì sao T. lại tự tử nên đến giờ em vẫn cảm thấy rất bi quan.

* Quan tâm, chia sẻ, giúp trẻ vượt qua stress

ThS tâm lý Hà Văn Phúc phân tích có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có xu hướng suy nghĩ và hành động tiêu cực như: sự thay đổi và phát triển về mặt cơ thể, tâm lý, sự xuất hiện của cái tôi cá nhân dẫn đến các em dễ cảm thấy bị kích động hoặc tổn thương khi bị chế giễu, xúc phạm; áp lực, stress hoặc căng thẳng kéo dài, thường xuyên vì liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống, tình cảm, học tập; khó khăn, mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và với chính cha mẹ, người thân trong gia đình.

ThS Hà Văn Phúc cho rằng, vai trò của gia đình, nhà trường và của chính bản thân các em trong việc hỗ trợ, giải quyết vấn đề là rất quan trọng. Trước hết, cha mẹ cần phải hiểu về giai đoạn lứa tuổi của con để quan tâm, gần gũi, lắng nghe và chia sẻ cùng con. “Ngừng so sánh” là điều cực kỳ cần thiết của phụ huynh đối với con em mình. Sự so sánh không làm trẻ phát triển, tiến bộ hơn mà sẽ khiến trẻ ngày càng tự ti, nhút nhát, sợ hãi với mọi thứ xung quanh, lâu dần sẽ có cảm giác mình trở nên thừa thãi, vô dụng và tự mất đi giá trị bản thân. Từ đó các hành vi tiêu cực, có hại cho bản thân sẽ nảy sinh và dễ mắc phải những sai lầm trong cuộc sống. Ðối với nhà trường, các thầy cô cần nắm bắt các đặc điểm tâm lý của các em, thường xuyên quan tâm, để ý đến các em trong các vấn đề về học tập, thi cử..., để các em giảm tải các áp lực và căng thẳng.

Về góc độ y khoa, ThS-BS CKII Tô Xuân Lân, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa) cho biết, có 4 nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị rối loạn trầm cảm, lo âu. Cụ thể là do bệnh thực thể não vì bị sang chấn tổn thương về não do tai nạn giao thông, bệnh viêm màng não...; do nghiện (sử dụng các chất kích thích như ma túy, thuốc lá, rượu); nguyên nhân nội sinh tức là do những rối loạn các chất hóa học trong não (rất khó xác định nguyên nhân cụ thể, khó chữa và thường do di truyền, gen...) và nguyên nhân quan trọng nhất mà các trẻ thường gặp là do sang chấn tâm lý. Ðây là một dạng stress đối với trẻ em xuất phát từ những áp lực về học tập, sinh hoạt từ gia đình, thầy cô; tự áp lực của bản thân vì cảm thấy không xứng đáng với kỳ vọng của người lớn; bị bạn bè trêu chọc, cô lập, bạo lực; từ những thông tin xấu do phim ảnh, mạng xã hội.

Do đó, theo ThS-BS Tô Xuân Lân, cha mẹ cần quan sát và gần gũi với con mình để sớm phát hiện ra những biểu hiện lạ. Trẻ bị rối loạn tâm lý thường có biểu hiện ban đầu như chán ăn, mệt mỏi, sợ hãi, mất ngủ, có biểu hiện chống đối... Trong những trường hợp đó phải đưa trẻ đi khám sớm hoặc làm bạn với con để tìm hiểu nguyên nhân và gỡ những khúc mắc, khó khăn cho trẻ.

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có gần 600 tổ tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học (bao gồm: ban giám hiệu, bí thư Đoàn trường, hoặc tổng phụ trách đội, ban đại diện cha mẹ học sinh, các giáo viên tổ trưởng các bộ môn cùng tham gia). Tổ này sẽ được chia thành từng nhóm chuyên sâu để tư vấn từng lĩnh vực như: tư vấn về hướng nghiệp và tuyển sinh; về sức khỏe sinh sản, tình yêu, tình bạn; về tâm sinh lý; những vấn đề liên quan tới mối quan hệ trong gia đình...

Tố Tâm

Tin xem nhiều