Báo Đồng Nai điện tử
En

Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ

07:06, 05/06/2021

"Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ mà NXB Trẻ ấn hành nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021) góp phần giúp người xem thêm kính phục và xúc động về hành trình "bôn ba bốn bể" để tìm ra con đường độc lập cho dân tộc của Bác năm xưa" - ông Dương Thành Truyền, Quyền Giám đốc NXB Trẻ, tâm đắc nói.

“Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ mà NXB Trẻ ấn hành nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021) góp phần giúp người xem thêm kính phục và xúc động về hành trình “bôn ba bốn bể” để tìm ra con đường độc lập cho dân tộc của Bác năm xưa” - ông Dương Thành Truyền, Quyền Giám đốc NXB Trẻ, tâm đắc nói.

Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ
Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ

Tiếp nối tác phẩm Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn (vừa được NXB Trẻ tái bản ngày 5-6-2021 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước), tấm bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ tái hiện lịch sử một cách khoa học, cô đọng, xúc tích và dùng phương pháp ấn tượng thị giác, đồ họa hiện đại để tái hiện những dấu chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc năm xưa đã lên tàu du hành khắp thế giới với khát vọng dấn thân và ý chí tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho quê hương và hạnh phúc cho đồng bào mình.

* Hành trình gian lao và vĩ đại

“Tấm bản đồ góp phần giúp chúng ta thêm tự hào về Bác Hồ - một trong số rất ít vĩ nhân trên thế giới có chuyến du hành vĩ đại với lý tưởng làm thay đổi lịch sử dân tộc mình theo hướng tốt đẹp hơn” - ông DƯƠNG THÀNH TRUYỀN, Quyền Giám đốc NXB Trẻ cho biết.

“Khi nhìn tấm bản đồ lớn với những đường nét theo hướng mũi tên cụ thể, có khác biệt màu sắc (nhằm thể hiện 10 chặng), khác đường nét (nét liền là đường bộ; nét đứt là đường thủy), và các điểm đến dọc hành trình được đánh số, người đọc có thể cảm nhận rõ hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ là một hành trình gian lao, nguy hiểm nhưng vĩ đại và đầy vinh quang. Hành trình của Bác vinh quang vì không những đã đạt được mục tiêu tìm đường cứu dân tộc Việt Nam, mà còn mở đầu một chuỗi sụp đổ của hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. Bác là một người dân thuộc địa mà tham gia thành lập Đảng Cộng sản của chính quốc; là một người dân thuộc địa mà mật thám Pháp từng tìm mọi cách tiêu diệt, để rồi 25 năm sau chính phủ Pháp đón tiếp Bác với nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia…” - ông Nguyễn Phan Nam An, Trưởng ban Quản lý sách Chính trị - kinh tế NXB Trẻ, người trực tiếp biên tập tấm bản đồ, chia sẻ cảm nhận.

Ông Nam An cũng diễn giải: “Nhìn tấm bản đồ, chúng ta một lần nữa thấy trong 30 năm Bác Hồ đã đến khoảng 30 quốc gia, 4 châu lục (chỉ chưa đến châu Úc), qua 3 đại dương. Bác ra đi với chí lớn và hai bàn tay trắng. Quả là quá mức gian lao đối với một nho sinh, nghĩa là người không quen làm việc nặng, khi phải làm đủ nghề chân tay vất vả để kiếm sống (như phụ bếp trên tàu, chăm sóc vườn, quét tuyết trường học, phục vụ bàn, thợ làm bánh ở khách sạn, sửa ảnh...), tự học ngoài giờ liên tục bằng mọi cách (ví dụ đến Thư viện Bảo tàng Anh quốc, học từ đồng nghiệp khi làm báo, học ở trường lớp (Đại học Phương Đông), trong khi vẫn theo đuổi mục tiêu chính là cứu nước (gây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều, xây dựng các tổ chức cách mạng, hoạt động tích cực trong Đảng Xã hội Pháp, hoạt động cho Quốc tế Cộng sản…).

* Làm rõ hơn tư liệu lịch sử

Tác giả Trần Đức Tuấn (năm nay 80 tuổi) bày tỏ niềm vui khi tấm bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước ra mắt công chúng đúng dịp đầu tháng 6-2021. Ông cho rằng hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ giai đoạn từ 1911 đến 1941 “vẫn còn nhiều thông tin, tư liệu cần tìm kiếm, giải mã và làm rõ. Vì vậy tấm bản đồ có thể đáp ứng cho nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa, lịch sử và người đọc xác định rõ hơn những cột mốc, chặng đường mà Bác đã đi qua; góp phần tôn vinh hơn nữa hành trình 30 năm của một lãnh tụ kính yêu đã tác động đến lịch sử Việt Nam, và một phần lịch sử thế giới rất sâu sắc”.

Ông Đức Tuấn, người từng có 24 năm làm việc ở Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV) trước khi về hưu và làm cộng tác sản xuất phim tài liệu - ký sự thêm nhiều năm nữa, bộc bạch rằng điều ông hài lòng khi thực hiện nội dung cho tấm bản đồ là góp phần giúp cho mọi người thấy được ý chí, khát vọng và tinh thần dấn thân vĩ đại của Bác Hồ.

“Tôi mong rằng sau tấm bản đồ chi tiết được ấn hành lần đầu tiên này, sẽ có những công trình kế tiếp đồ sộ và nội dung chi tiết, đầy đủ hơn nữa về hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác. Chúng ta có thể sưu tầm tất cả các nguồn tư liệu đã có trong và ngoài nước để bổ sung chính xác, hoàn thiện đầy đủ nhất về lộ trình của Bác. Theo tôi, đây chắc chắn là một công việc nhiều giá trị ý nghĩa và lý thú vì có những lộ trình mà Bác đi lại rất nhiều, nhưng mỗi lần thì Bác không làm công việc cũ mà có những công việc mới dựa theo tình thế mới, mục tiêu mới trong hoạt động hết lòng vì dân tộc mình của Bác” - ông Đức Tuấn nói.

Nhà biên kịch, tác giả TRẦN ĐỨC TUẤN chia sẻ: “Từ nhỏ Bác Hồ đã mong muốn tìm hiểu về thế giới. Bác lên tàu rời Cảng Nhà Rồng năm 1911 chỉ với hai bàn tay trắng nhưng lại thực hiện được một hành trình vĩ đại kéo dài 30 năm với mục đích chính là “xem người ta làm thế nào” để về giúp cho dân tộc mình chống ngoại xâm, giành được độc lập tự do. Phẩm chất hoạt động cách mạng của Bác thể hiện qua lộ trình 30 năm “không ở lâu một chỗ, hoặc ở khu vực hẹp thì cũng đi lại rất nhiều, nỗ lực làm việc rất nhiều”.

Long Khánh

Tin xem nhiều