Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông sản sạch vẫn gian nan tìm chỗ đứng

09:06, 25/06/2021

Là mô hình sản xuất được ưu tiên, hỗ trợ phát triển và thực tế nhu cầu của thị trường đối với các mặt hàng này cũng ngày một gia tăng, thế nhưng, nhiều sản phẩm "sạch" do người nông dân làm ra vẫn chưa tìm được chỗ đứng.

Là mô hình sản xuất được ưu tiên, hỗ trợ phát triển và thực tế nhu cầu của thị trường đối với các mặt hàng này cũng ngày một gia tăng, thế nhưng, nhiều sản phẩm “sạch” do người nông dân làm ra vẫn chưa tìm được chỗ đứng. 

Người tiêu dùng chọn mua rau tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: B.Mai
Người tiêu dùng chọn mua rau tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Thực tế này khiến người sản xuất bị thiệt thòi, doanh nghiệp chưa dám “mạnh tay” đầu tư vào nông nghiệp sạch. Khẩu hiệu Sạch từ trang trại đến bàn ăn chưa thành hiện thực.

* Khó tìm được thị trường ổn định

Từ một hộ trồng nấm rơm với số lượng vài chục kg mỗi đợt, bà Nguyễn Thị Liên (H.Long Thành) đã tập hợp những người trồng nấm và phát triển thành tổ hợp tác, rồi HTX. Không trồng nấm trên giá thể là rơm như thông thường, bà Liên vận động các thành viên làm nhà kín, đầu tư hệ thống khung sắt gắn lưới theo tầng và mua bông vải vụn ở các xí nghiệp dệt may về làm giá thể trồng nấm. Chi phí đầu tư lớn hơn, quy trình kéo dài hơn, nhưng bù lại sản phẩm chất lượng, an toàn. Thời gian đầu, HTX hợp đồng bán sản phẩm cho 2 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch  với hơn 10 điểm bán ở TP.HCM. Nhưng hiện tại, HTX phải giảm nhân công, chỉ sản xuất ở mức an toàn và bán cho các tiểu thương ở chợ công nhân.

“Thời gian đầu, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, bình quân 300kg/ngày. Giá bán sỉ không được như kỳ vọng nhưng vẫn cao hơn nấm rơm được trồng theo quy trình thông thường. Còn hiện tại, HTX phải giảm nhân công còn 5 người, giảm quy mô sản xuất còn 50-70kg/ngày. Sản phẩm giao cho các tiểu thương ở chợ công nhân với giá “chết” theo năm. Trường hợp thời tiết thay đổi đột ngột, nấm bệnh, HTX lỗ công, lỗ vốn” - bà Liên cho hay.

Để sản xuất hữu cơ phát triển quy mô lớn, ổn định và bền vững trước hết phải minh bạch các tiêu chuẩn sạch, GAP, hữu cơ trên từng sản phẩm. Có ưu đãi cụ thể về vốn, thuế, thủ tục cho nông dân, doanh nghiệp làm nông sản sạch, cùng với đó là kiểm soát chặt hơn các sản phẩm sản xuất chưa sạch, chưa theo quy trình. Hỗ trợ cá nhân, HTX, doanh nghiệp truyền thông, giới thiệu sản phẩm sạch, có chứng nhận đến người tiêu dùng. Khi phần đông bà nội trợ tin dùng, sản xuất sạch sẽ phát triển, giá cả sẽ dần cân bằng, ngành chức năng không phải hô hào sản xuất sạch.

Năm 2019, chị Sa là người đầu tiên ở xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) tự mình đi đăng ký chứng nhận sản xuất theo quy trình sạch cho 10ha thanh long. Sau gần 2 năm đi lên đi xuống, làm đủ mọi xét nghiệm, chị Sa cũng cầm được giấy chứng nhận trong tay. Những tưởng sau khi có giấy chứng nhận, sản phẩm sẽ có đầu ra thuận lợi, giá cao, nhưng mỗi kỳ thu hoạch, chị Sa vẫn phải gọi hết mối này đến mối khác, giá thanh long có khi chỉ 3-5 ngàn đồng/kg.

Chị Sa tâm sự: “Tôi đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống đường ống nước tưới, khu vực ủ phân hữu cơ, chai lọ chứa long não để đuổi côn trùng. Phân bón và thuốc trừ sâu bệnh cũng phải lựa chọn kỹ. Năng suất có phần thấp hơn so với khi còn dùng thuốc kích thích trái nhưng cây khỏe, cành dày, quả mọng đẹp. Tôi dự định sẽ làm chứng nhận VietGAP, rồi chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Nhưng giờ thanh long rẻ quá, đầu ra lại bấp bênh trong khi việc duy trì sản xuất theo quy trình sạch cũng phải cố gắng”.

Vùng trồng rau, củ, quả ở xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) được nhiều tiểu thương và người dùng lựa chọn bởi sản phẩm sạch, tươi ngon, an toàn. Nhờ trồng rau, hàng trăm hộ trong xã đã có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, theo một số người dân, việc tìm đầu ra ổn định cho rau, củ, quả vẫn rất khó.

Ông Đặng Văn Hoàng, Tổ hợp tác rau ấp 5, xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) cho hay, trước đây, rau được trồng ở ngoài trời, không có lưới che nên sâu bệnh nhiều, phải dùng thuốc liên tục, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và làm gia tăng chi phí đầu tư. Sau này, người dân đã dùng lưới chắn, kết hợp với bẫy côn trùng nên giảm tới 50% thuốc trừ sâu. Quy trình trồng và chăm sóc rau của tổ hợp tác khá tiệm cận với các tiêu chuẩn của GAP. Sản phẩm được một số đơn vị thu mua đưa vào siêu thị, bếp ăn tập thể và chế biến gia vị. Nhưng việc thu mua không thường xuyên và giá không cao hơn bán cho thương lái ở chợ.

* Còn nhiều thách thức

Những năm gần đây, từ chính sách khuyến khích của tỉnh, sự vận động của địa phương nhiều cá nhân, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cho sản xuất sạch. Đa phần, sản phẩm sản xuất sạch có đầu ra và giá cả ổn định, được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình không dễ.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành), đơn vị nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản chia sẻ, để tham gia mô hình, các hộ ngoài việc phải thiết kế chuồng lạnh đảm bảo an toàn sinh học còn phải tham gia tập huấn về quy trình chăm sóc, tuân thủ lịch trình cho tiêm vaccine phòng bệnh, sử dụng đồng nhất con giống và thức ăn... Có những hộ theo không được hoặc HTX phải loại ra vì không đáp ứng được các yêu cầu, tự ý bán sản phẩm ra bên ngoài khi thị trường hút hàng.

Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh (H.Long Thành) Nguyễn Thị Liên cho hay, HTX rất muốn phát triển sản phẩm để góp phần đẩy lùi sản phẩm chưa an toàn nhưng thực lực của HTX có hạn. HTX chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn để mở rộng quy mô, tiếp thị sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng đã có ý thức chọn mua sản phẩm sạch nhưng chưa chịu chấp nhận sự chênh lệch về giá bán. Điều này chưa tạo động lực cho người sản xuất lẫn đơn vị kinh doanh.

Theo đánh giá của người sản xuất, đơn vị kinh doanh, nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm sạch hiện khá nhiều và ngày càng gia tăng, nhưng sản xuất quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, chưa đại trà và đặc biệt sự chênh lệch về giá là những rào cản. Hiện tại, để mua rau sạch, người tiêu dùng phải tìm đến siêu thị hoặc cửa hàng bán lẻ theo chuỗi, tuy nhiên, không phải lúc nào vào siêu thị cũng mua được loại rau theo nhu cầu, đó là chưa kể, rau ở siêu thị giá thường cao hơn 1,5-2 lần so với chợ. Ngược lại, ở chợ rau đa dạng hơn, tươi hơn, giá rẻ hơn siêu thị nhưng để tìm mua sản phẩm sạch là không dễ.

Tiểu thương Lê Thị Tuyết, chợ Biên Hòa chia sẻ, lúc trước bà có nhập một số loại quả có đóng khay như: cà chua bi, dưa bao tử về bán nhưng sau bà phải chuyển sang nhập từng thùng lớn, đổ ra kệ bán. “Người tiêu dùng thích tự tay nhặt từng quả, chứ không tin hàng đóng gói sẵn. Thích dùng sản phẩm sạch nhưng mẫu mã không đẹp lại chê. Giá cả chênh nhau vài trăm đồng cũng khó bán” - bà Tuyết nói.

Xu hướng chung của người tiêu dùng là quan tâm và tìm mua sản phẩm sạch, ngon, lạ, đặc sản. Tuy nhiên, vì sản phẩm chưa đa dạng, mức giá chưa hợp lý với đại đa số người dùng nên nhiều người còn đắn đo.           

Ban Mai

Tin xem nhiều