Báo Đồng Nai điện tử
En

ông Trần Quang Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời: Cùng nông dân xây dựng những vùng quê đáng sống từ các giá trị nông sản

10:06, 11/06/2021

Được biết đến là "cánh chim đầu đàn" trong sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp với các chuỗi liên kết có giá trị bền vững, những năm qua, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (gọi tắt là Lộc Trời - thành viên của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang) đã tạo ra nhiều mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong cả nước.

Được biết đến là “cánh chim đầu đàn” trong sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp với các chuỗi liên kết có giá trị bền vững, những năm qua, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (gọi tắt là Lộc Trời - thành viên của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang) đã tạo ra nhiều mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong cả nước.

Ông Trần Quang Toàn đang kiểm tra chất lượng cây lúa cùng nông dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) được sản xuất theo mô hình liên kết. Ảnh: N.LIÊN
Ông Trần Quang Toàn đang kiểm tra chất lượng cây lúa cùng nông dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) được sản xuất theo mô hình liên kết. Ảnh: N.LIÊN

Tại Đồng Nai, với mục tiêu hỗ trợ nông dân tỉnh nhà xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước cả về chất lượng lẫn số lượng, ông Trần Quang Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần.

Bắt tay tạo nên sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao

 

Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp nông nghiệp duy nhất trên thế giới đạt điểm 100 hoàn hảo của mô hình canh tác lúa gạo bền vững Sustainable Rice Platform (SRP). Trong sản xuất, Lộc Trời cũng đạt được những tiêu chuẩn khắt khe nhất từ các tổ chức, thị trường khó tính trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

* Ông đánh giá như thế nào về ngành Nông nghiệp của Đồng Nai? Lộc Trời đã có những dự án gì trên địa bàn tỉnh?

- Đồng Nai nói riêng và Đông Nam bộ nói chung có cơ cấu cây trồng rất đa dạng. đặc biệt, Đồng Nai trong những năm gần đây có nhiều vùng sản xuất chuyên canh được quy hoạch bài bản. đây là điều kiện tốt để thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, phát triển thành vùng sản xuất tập trung. Các sản phẩm nông nghiệp tạo ra đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác hiện nay có tình trạng người nông dân sản xuất theo tư duy tự do, mạnh ai nấy làm. Nông dân vừa dựa vào kinh nghiệm nhà nông vừa áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhưng chưa kiểm soát được quy trình, chưa cho ra được nông sản bảo đảm tiêu chuẩn của nhà thu mua nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Để cùng bà con giải quyết vấn đề này, Lộc Trời muốn bắt tay cùng chính quyền địa phương và người dân đưa ra một quy trình sản xuất ngay từ đầu để tạo nên những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao.

Kết quả thực hiện đến nay như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã bắt đầu dự án đầu tiên tại Đồng Nai với những nông dân trồng lúa tại xã Thanh Sơn của H.Định Quán, là xây dựng mô hình liên kết sản xuất trên cây lúa với diện tích 147ha.

Lộc Trời đã hỗ trợ người dân về phương thức canh tác, cấp tín dụng vật tư nông nghiệp cho nông dân suốt vụ không tính lãi, đưa kỹ sư nông nghiệp về hỗ trợ bà con nông dân suốt mùa vụ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như sử dụng phương tiện bay không người lái (drone) vào phun thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả, vụ thu hoạch đầu tiên của bà con sau khi thực hiện mô hình liên kết sản xuất đạt năng suất và sản lượng vượt trội. Chi phí đầu tư sản xuất thấp so với các mùa vụ trước đây bà con từng làm.

Kế hoạch tiếp theo của Lộc Trời tại Đồng Nai sẽ là gì, thưa ông?

- Lộc Trời đang tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng khác của tỉnh. Trước mắt, chúng tôi đang thực hiện chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất trên cây sầu riêng tại 2 huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Sau dự án này, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất trên xoài, các loại cây có múi, cây rau.

Đối với dự án liên kết sản xuất trên cây sầu riêng, hiện nay vườn sầu riêng của người dân đã có sẵn, chúng tôi chỉ cần quan tâm cải tạo đất trồng, cung ứng các vật tư trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao các quy trình canh tác để cải thiện năng suất vườn, đồng thời hỗ trợ bà con kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nâng chất lượng trái cây, đảm bảo cung cấp được cho các đơn vị thu mua xuất khẩu. Quy hoạch vùng trồng chuyên canh, đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hướng đến các thị trường Âu, Mỹ, Nhật...

Thay đổi tập quán sản xuất

Theo ông, quá trình thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp của người dân hiện nay có những khó khăn gì không?

- Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là tập quán canh tác của bà con bao lâu nay làm nông nghiệp một cách tự do, sự gắn kết của nông dân còn nhiều hạn chế, tính tuân thủ khi liên kết sản xuất chưa cao.

Do đó, để thuyết phục được người dân cần có sự thuyết phục từ hiệu quả thực tế. Điển hình như thành công đầu tiên sau khi thực hiện quy trình sản xuất lúa dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các kỹ sư nông nghiệp, bà con trồng lúa tại H.Định Quán đã có vụ thu hoạch năng suất cao, đồng bộ nên sau vụ đầu tiên Lộc Trời mới tạo được niềm tin để nhiều hộ dân cùng đăng ký tham gia mô hình liên kết.

Trong khi đó, nếu để người dân sản xuất như trước kia thì sẽ mãi có tình trạng mua bán theo kiểu tự do, có tới đâu mua bán tới đó, dẫn tới tình trạng lộn xộn, kéo theo việc tổ chức sản xuất của người dân không đồng bộ, không kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Với khả năng tổ chức sản xuất theo quy trình, Lộc Trời mong muốn sự liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà thu mua) được phát huy tối đa.

Cơ sở nào để bảo đảm rằng đây sẽ là hướng đi bền vững cho nông dân trong sản xuất?

- Mục đích của Lộc Trời là chuyển giao lại quy trình sản xuất cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, Lộc Trời muốn nâng chất lượng hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác. Hiện nay, các HTX tại các địa phương còn yếu khâu quản lý, ngành nghề hoạt động chưa đa dạng, đặc biệt là khâu cung cấp các dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp. Lộc Trời muốn từng bước chuyển giao những kỹ năng sử dụng, thực hiện quy trình sản xuất, gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo sự đồng nhất, bảo đảm nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào.

Về lâu dài, Lộc Trời sẽ tham khảo ý kiến địa phương xây dựng mô hình liên kết liên minh HTX. Lộc Trời sẽ thành lập HTX tại địa phương để kết nối với nông dân hoặc các HTX tại địa phương, HTX của Lộc Trời cam kết lợi nhuận cố định trên từng đơn vị diện tích canh tác tương ứng với một mức năng suất cố định và thu nhập của nông dân tăng thêm là phần sản lượng vượt hơn sản lượng thỏa thuận ban đầu/ha. Lộc Trời sẽ thu mua tất cả sản lượng nông sản vượt với giá thỏa thuận tại thời điểm.

Sau khi chuỗi liên kết đã thành công, Lộc Trời sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản nếu bà con có nhu cầu. Khi đó, nông sản sẽ được nâng cấp lên một mức sản xuất với tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng mọi yêu cầu thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Hiện Lộc Trời có 4 mảng cây trồng lớn là: cây lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả và rau màu, cùng hệ thống dịch vụ nông nghiệp hiện đại, vùng canh tác lớn và đa dạng, đội ngũ nhân sự và nông dân có chất lượng. Hiện nay, nhu cầu thu mua nông sản của các doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn khá rời rạc. Các doanh nghiệp loay hoay trong việc tìm các vùng nguyên liệu bảo đảm quy trình sản xuất, đủ tiêu chuẩn chất lượng… Thấy được những bất cập đó nên Lộc Trời mong muốn sẽ là “mắt xích” để kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ngọc Liên (thực hiện)

Tin xem nhiều