Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp

08:06, 19/06/2021

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM được nhiều người biết đến bởi sự tâm huyết trong tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa máy móc công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, sẽ nâng được khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam trên toàn cầu.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM được nhiều người biết đến bởi sự tâm huyết trong tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa máy móc công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, sẽ nâng được khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam trên toàn cầu.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM. Ảnh: Uyển Nhi
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM. Ảnh: Uyển Nhi

Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong tham gia vào hội nhập sâu với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực. Để nắm bắt được những cơ hội từ hội nhập sâu mang lại thì DN Việt phải nhanh chân tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hướng đến nền sản xuất thông minh.

* Bắt đầu từ nhận thức

* Là người rất tâm huyết trong việc tư vấn, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất kinh doanh để từng bước tham gia vào chuyển đổi số, theo ông, đâu là nền tảng cốt lõi giúp DN thực hiện thành công?

- Từ hơn 10 năm trước, nhiều nước trong khu vực đã rất chú ý đến ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, kinh doanh và từng bước tiến đến chuyển đổi số. Tại Việt Nam, chuyển đổi số mới được nhắc đến trong vài năm trở lại đây và đa số DN nhỏ và vừa còn mơ hồ với vấn đề này nên việc triển khai thực hiện chưa được bài bản. Tôi nghĩ muốn làm tốt chuyển đổi số thì phải bắt đầu từ nhận thức của các chủ DN đến người lao động trong các công ty, xí nghiệp, nhà máy. Điều này đòi hỏi Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ làm tốt công tác truyền thông để các DN, người lao động hiểu được tầm quan trọng trong việc chuyển đổi số, để tất cả cùng tự nguyện tham gia. Đồng thời, Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN về vốn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có thể làm chủ công nghệ.

 * So với các nước trong khối ASEAN thì việc chuyển đổi số của DN Việt như thế nào?

- Một số nước trong khối ASEAN tham gia vào chuyển đổi số sớm hơn Việt Nam gần cả 1 thập niên và họ đã gặt hái được những thành công từ cách đây nhiều năm. Tôi đơn cử như Singapore, từ hơn 10 năm trước họ đã làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của DN, người lao động về chuyển đổi số và  các DN bắt tay vào thực hiện. Chính phủ Singapore đã chọn bước đi đầu tiên là hỗ trợ DN phát triển thương mại điện tử và gần 100% DN thương mại dịch vụ nước này đã tham gia. Tiếp đến kết nối với các DN sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0 tạo thành chuỗi sản xuất tiêu thụ đem lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với sản xuất, kinh doanh truyền thống. Với Malaysia, họ chọn liên kết với những tập đoàn lớn về công nghệ của thế giới làm nền tảng và bệ đỡ để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và họ khá thành công. Thái Lan, Indonesia tiếp cận chuyển đổi số nhanh hơn Việt Nam.

Tuy Việt Nam đi sau một số nước trong khối ASEAN về chuyển đổi số, nhưng tôi nghĩ, các DN Việt cũng có lợi thế là rút kinh nghiệm từ thất bại của các nước, tiếp cận những thành công trong chuyển đổi số để có thể bước những bước đi vững chắc và nhanh hơn.

 * Theo ông, DN Việt tham gia vào chuyển đổi số gặp khó khăn ở những khâu nào?

- Tôi đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều DN Việt và thấy rằng, đa số DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh có hạn. Do đó, các DN khó đáp ứng việc xây dựng nhà xưởng khang trang và chuyển đổi sang máy móc thiết bị hiện đại. Bởi việc chuyển đổi trên cần nguồn vốn rất lớn, DN Việt nhỏ và vừa rất khó đáp ứng. Trong khi, yêu cầu của chuyển đổi số đòi hỏi các DN phải thực hiện theo 3 cấp độ là: số hóa toàn bộ, ứng dụng số hóa, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các DN nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao để tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, các DN nhỏ và vừa còn bị hạn chế trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có lộ trình chuyển đổi số phù hợp với khả năng của mình và đạt được hiệu quả cao.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM (thứ 2 từ trái sang) giao lưu cùng các doanh nghiệp. Ảnh: Uyển Nhi
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM (thứ 2 từ trái sang) giao lưu cùng các doanh nghiệp. Ảnh: Uyển Nhi

* Chậm trễ thì dễ thất bại

* Ông thường khuyến cáo các DN Việt là nên nhanh chóng tham gia vào chuyển đổi số, nếu chậm trễ sẽ bị tụt hậu, dễ thất bại. Ông có thể chỉ rõ hơn về vấn đề này?

- Theo khảo sát của một số tổ chức kinh tế trong nước thì đa số DN không tham gia chuyển đổi số sẽ thất bại. DN có thể hiểu một cách rộng hơn, chuyển đổi số ở đây không chỉ là thay đổi máy móc thiết bị hiện đại mà còn là quản lý theo dõi hàng hóa, thời gian làm việc của công nhân. Qua đó sẽ biết rõ, những khoảng thời gian lao động làm việc cho năng suất cao, tỷ lệ sai sót ít và thời điểm năng suất thấp, dễ sai sót để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao. Các DN nên có lộ trình trong chuyển đổi số phù hợp với khả năng của mình. Nếu có lộ trình sẽ đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ để khi triển khai kết nối sẽ dễ dàng hơn. Ngoài nguồn vốn sẵn có, DN Việt có thể hợp tác với những hiệp hội, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để được hỗ trợ trong chuyển đổi số, vì nhiều tập đoàn có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa để đưa họ tham gia vào chuỗi cung ứng.

* Tốc độ tham gia vào chuyển đổi số của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với DN có vốn đầu tư trong nước có sự khác biệt như thế nào?

- Theo như tìm hiểu của tôi thì gần 100% DN FDI tại Việt Nam tham gia vào chuyển đổi số trong khi phần lớn DN có vốn đầu tư trong nước còn mơ hồ về lĩnh vực này. Các DN FDI có lợi thế vì đa số là công ty con của các tập đoàn đa quốc gia hoặc tập đoàn lớn của các nước nên họ có nhiều lợi thế hơn DN có vốn đầu tư trong nước. Vì thế, DN FDI có nguồn vốn dồi dào, có kinh nghiệm trong tuyển chọn và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của từng công ty. Hiện nay, có nhiều DN FDI tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất kinh doanh, nhưng DN Việt lại rất ít, hầu hết mới ở khâu chuyển đổi dây chuyền sản xuất lạc hậu sang dây chuyền hiện đại và tự động hóa được một số khâu để giảm công lao động.

* Nhiều năm gắn bó với các DN Việt và tư vấn cho họ ứng dụng các giải pháp vào trong quản lý, sản xuất để đạt được hiệu quả cao, ông thấy còn những gì mình băn khoăn và mong muốn chưa thực hiện được?

- Ngoài việc tư vấn, hỗ trợ cho DN về ứng dụng những công nghệ hiện đại vào quản lý lao động, sản xuất, tôi còn tham gia giảng dạy cho sinh viên của các trường cao đẳng, đại học. Mong muốn của tôi là có thể giúp các DN, sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh, từng bước tham gia vào chuyển đổi số, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, điều tôi băn khoăn là các DN Việt còn chậm trong chuyển đổi số, sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững và tham gia vào hội nhập sâu. Vì hiện nay, nhiều tập đoàn trên thế giới khi tìm đối tác liên kết, họ đã đưa ra tiêu chí nhà cung cấp sản phẩm phải có nhà máy chuyển đổi số. Theo đó, về lâu dài, DN Việt muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có lộ trình ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, sản xuất.

* Theo ông các chính sách đã ban hành của Chính phủ về chuyển đổi số đã đáp ứng được yêu cầu của DN chưa?

- Chính phủ rất quan tâm, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ hiện đại và có lộ trình để chuyển đổi số. Hàng loạt những chính sách ưu đãi liên quan đến lĩnh vực này đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho DN, song số DN tiếp cận được ưu đãi còn ít. Do đó, Chính phủ nên có những giải pháp hữu hiệu để giúp DN có thể tiếp cận được các ưu đãi. Bên cạnh đó, DN nên chủ động thực hiện chuyển đổi số và coi đây là đầu tư cần thiết để phát triển chứ không phải là chi phí.

* Xin cảm ơn ông!

Uyển Nhi (thực hiện)

Tin xem nhiều