Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh lộ, lọt thông tin cá nhân

08:06, 11/06/2021

Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng các nền tảng số để chiếm đoạt, sử dụng thông tin cá nhân của người khác một cách bất hợp pháp.

Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng các nền tảng số để chiếm đoạt, sử dụng thông tin cá nhân của người khác một cách bất hợp pháp.

Sử dụng giấy tờ tùy thân để thế chấp vay tiền, mua hàng... dẫn đến nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Trong ảnh: Nhiều giấy tờ tùy thân của người dân được công an phát hiện trong quá trình phá một đường dây “tín dụng đen” tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh
Sử dụng giấy tờ tùy thân để thế chấp vay tiền, mua hàng... dẫn đến nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Trong ảnh: Nhiều giấy tờ tùy thân của người dân được công an phát hiện trong quá trình phá một đường dây “tín dụng đen” tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh

Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã triệt phá một đường dây tội phạm chuyên mua bán các thông tin, dữ liệu cá nhân “khủng”.

* Thông tin cá nhân dễ lộ, lọt

Theo thông tin ban đầu, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với công an một số tỉnh, thành như: Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Long An, Đồng Nai... triệt phá một đường dây thu thập, mua bán trái phép hàng ngàn dữ liệu về thông tin cá nhân, tổ chức tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời khởi tố bị can đối với Dư Anh Quý (33 tuổi) và vợ là Lại Thị Phương (29 tuổi) đều ngụ TP.Hà Nội để điều tra về hành vi nói trên. Việc điều tra vụ án đang tiếp tục được cơ quan chức năng tiến hành mở rộng để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Sau khi đường dây chuyên mua bán các thông tin, dữ liệu cá nhân bị triệt phá, nhiều người không khỏi lo lắng trước tình trạng thông tin cá nhân rất dễ bị lộ, lọt ra bên ngoài và trở thành món hàng mua bán trên không gian mạng.

Trao đổi về vấn đề này, đại úy Lê Tùng Lâm, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã đưa nhiều người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ hiện đại. Trong rất nhiều giao dịch, mua bán online, nhất là trong các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, mua hàng trả góp, vay tiền của các công ty tài chính hoặc “tín dụng đen”... đều bắt buộc người sử dụng cung cấp các thông tin, dữ liệu cá nhân như: chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ, email... Đây chính là khởi điểm, những thông tin cá nhân dễ bị lộ, lọt ra bên ngoài và bị các đối tượng xấu sử dụng nhằm mục đích trục lợi.

Theo đại úy Lê Tùng Lâm, khi thực hiện các giao dịch trên, người dân không lường được hậu quả của việc thông tin cá nhân của mình sẽ bị lộ ra bên ngoài. Trong khi, các đối tượng xấu không khó để tiếp cận các nguồn dữ liệu này thông qua các công ty, doanh nghiệp hoặc một cơ quan nào đó đã từng lưu giữ thông tin cá nhân của khách hàng. Với những nguồn thông tin, dữ liệu này nếu không được bảo mật một cách an toàn sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để mua bán, kinh doanh.

* Cảnh giác trước chiêu thức của kẻ xấu

Theo cơ quan công an, việc thông tin cá nhân rơi vào tay kẻ xấu có thể sẽ trở thành nguồn dữ liệu để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: gọi điện đe dọa, lừa đánh cắp tài khoản ngân hàng... Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các đối tượng sử dụng để giới thiệu quảng cáo các sản phẩm về nhà, đất, bảo hiểm, các loại dịch vụ làm đẹp... Tất cả các tác động này đều ít nhiều gây phiền phức đến những cá nhân có liên quan.

Thiếu tá Lê Hoàng Long, Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa phân tích, các đối tượng sử dụng nguồn dữ liệu này để tiếp cận các cá nhân nhằm một mục đích nào đó. Có thể đối tượng sẽ lợi dụng các thông tin như: tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay cũng có thể đối tượng sử dụng các thông tin này để “làm phiền” thông qua việc quảng cáo, giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm...

“Trước thực tế đó, mỗi người dân cần phải nêu cao cảnh giác, chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân, nhất là trên không gian mạng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng nguồn dữ liệu này để lừa đảo. Người dân không nên dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân như: tên, họ, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho người lạ; tuyệt đối không cập nhật thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội” - thiếu tá Lê Hoàng Long khuyến cáo.

Cùng trao đổi về vấn đề này, thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin, các thông tin dữ liệu của người dân rất dễ bị lộ, lọt ra bên ngoài. Lợi dụng sơ hở này, các đối tượng tội phạm sử dụng mạng công nghệ cao đã tiếp cận người dân một cách dễ dàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó chiêu thức phổ biến nhất là tiếp cận nạn nhân qua số điện thoại bằng cách giả danh cán bộ thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án), nhân viên bưu điện để thông báo cho nạn nhân là có liên quan đến các đường dây tội phạm, buộc họ phải thông báo số tài khoản hoặc nạp tiền vào “tài khoản cơ quan chức năng” để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền hơn chục tỷ đồng.

Theo thượng tá Bùi Văn Đại, người dân cần lưu ý, các cơ quan chức năng có thẩm quyền; chính quyền địa phương không làm việc, trao đổi hoặc giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp lý, hành chính thông qua điện thoại, mạng xã hội. Tất cả đều phải được giải quyết trực tiếp, cụ thể. Chính vì vậy, khi người dân tiếp nhận các nguồn thông tin thông qua các thiết bị, nền tảng này đều phải cảnh giác để tránh bị “sập bẫy” lừa đảo.

Hàng ngàn dữ liệu cá nhân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân) bị rao bán trên mạng xã hội được cơ quan công an phát hiện. Ảnh: Internet
Hàng ngàn dữ liệu cá nhân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân) bị rao bán trên mạng xã hội được cơ quan công an phát hiện. Ảnh: Internet

Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155 và 326 của bộ luật này; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Hành vi này cũng có thể bị phạt tù đến 7 năm nếu hoạt động có tổ chức; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Trần Danh

Tin xem nhiều