Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn lấp lánh nhiều tác giả cũ

10:06, 05/06/2021

Mới đây trên thị trường sách đọc đã cùng lúc xuất hiện 2 cuốn sách có chung chủ đề. Ðó là Du Tử Lê - Những tùy bút cuối cùng (NXB Phụ nữ Việt Nam) viết về "nhân vật văn nghệ Sài Gòn một thuở" và Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng của Thích Phước An (NXB Ðà Nẵng) viết về "những tên tuổi lớn đã tác động mãnh liệt đến văn học, thi ca và tư tưởng Việt Nam từ hậu bán thế kỷ XX đến tận ngày nay".

Mới đây trên thị trường sách đọc đã cùng lúc xuất hiện 2 cuốn sách có chung chủ đề. Ðó là Du Tử Lê - Những tùy bút cuối cùng (NXB Phụ nữ Việt Nam) viết về “nhân vật văn nghệ Sài Gòn một thuở” và Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng của Thích Phước An (NXB Ðà Nẵng) viết về “những tên tuổi lớn đã tác động mãnh liệt đến văn học, thi ca và tư tưởng Việt Nam từ hậu bán thế kỷ XX đến tận ngày nay”.

Một số ấn phẩm về tác giả - tác phẩm văn học gần đây. Ảnh: Bùi Thuận
Một số ấn phẩm về tác giả - tác phẩm văn học gần đây. Ảnh: Bùi Thuận

Tuy đưa ra “tuyên ngôn” có vẻ hoành tráng như vậy nhưng có lẽ do số trang có hạn, nên mỗi tác giả cũng chỉ kể được khoảng trên dưới một chục chân dung văn nghệ sĩ danh tiếng.

Du Tử Lê - tác giả của trên 70 tập thơ văn, trong đó có Khúc Thụy du nổi tiếng - qua tập tùy bút cuối cùng này đã “điểm danh và điểm diện” những nhà thơ: Huy Cận, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, nhà văn Dương Nghiểm Mậu, Trần Phong Giao; các họa sĩ Ðinh Cường, Tạ Tỵ, Duy Thanh; nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, Lâm Tuyền, ca sĩ Bạch Yến, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh... với những mẩu chuyện liên quan hết sức độc đáo và lạ lùng mà chỉ có người đã lăn lộn sống cả đời trong giới văn nghệ sĩ miền Nam và cả ở hải ngoại như Du Tử Lê mới biết và viết được.

Ðặc biệt, trong tập sách này có tùy bút về tình hình văn giới miền Nam, phòng trà ca nhạc, vũ trường, hoạt động xuất bản sách, tạp chí, nhạc... với những ngóc ngách, mà phải chính là người trong cuộc như Du Tử Lê mới tường tận.

Trong Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng, tác giả Thích Phước An dành nhiều tâm huyết cho các thi sĩ Quách Tấn, Bùi Giáng, Huyền Không, Hoài Khanh, Tuệ Sỹ, Nguyễn Ðức Sơn; nhà văn Võ Hồng, triết gia Phạm Công Thiện. Nét độc đáo của tập sách này là tất cả các nhân vật được kể đều có quan hệ quen biết, tâm giao với tác giả.

Ngay đến những nhân vật đang sống ẩn cư cũng được tác giả tìm đến để chạm mặt, chuyện trò, khai thác tư liệu sống; như trường hợp Hoài Khanh ở TP.Biên Hòa, Nguyễn Ðức Sơn ở tỉnh Lâm Ðồng. Nhưng cũng lạ là khi viết và phân tích, cảm thụ thơ của hai tác giả này, dường như sư thầy Thích Phước An lại lờ đi những câu thơ mang “yếu tính” thiền như: “Chuyện đời có có không không/ Phù vân một áng bụi hồng xa xa” (Hoài Khanh).  

Thôi thì cũng nên hoan hỉ đồng tình như lời tự sự của tác giả Thích Phước An: “Những bài viết trong tập sách này không hẳn là những bài nghiên cứu về văn học, thi ca hay tư tưởng của họ. Mục đích của tôi giản dị chỉ là ghi lại những năm tháng mà tuổi trẻ tôi đã may mắn được gần gũi và nhất là được chia sẻ một chút vui buồn trên hành trình đi tìm cái đẹp của họ mà thôi”.

Nói vậy chứ thực ra đây là những tư liệu rất quý về những khuôn mặt tên tuổi một thời và chắc là còn mãi trên văn đàn miền Nam; mà ngoại trừ sư thầy Thích Phước An, không ai khác có được.

Trước đó không lâu, cũng với chủ đề Văn học miền Nam, nhà thơ Võ Chân Cửu đã ra mắt tập tản văn Vén mây (NXB Hội Nhà văn); sau khi 2 tập sách 22 Tản mạnTheo dấu nhà thơ (NXB Hội nhà văn liên kết với Công ty Sách Phương Nam xuất bản) ra mắt được bạn đọc quan tâm.

“Không chủ trương đi sâu vào khắc họa chân dung văn học” nhưng với tính cách của từng nhà thơ được nhắc đến, tác giả đã cho thấy nét đặc trưng của dòng chảy thơ ca giai đoạn trước năm 1975. Cũng với Quách Tấn, Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Mộng Giác, Cung Tích Biền, Nguyễn Ðức Sơn, Phạm Chu Sa, Trần Tuấn Kiệt, Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Ðạt..., tiếp đó là Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Kim Tuấn, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Miên Thảo, Linh Phương... rồi Trần Ðới, Luân Hóa, Hoàng Lộc, Phan Nhự, Nguyễn Nho Sa Mạc, Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Duyên Trưởng... được tác giả Võ Chân Cửu “vừa tâm tình vừa trải ra những hồi ức về bạn bè văn nghệ một thuở, nhấn nhá những nhận xét của riêng mình” bằng một cách kể rất thú vị. Nhà văn Cao Duy Thảo đã đưa ra nhận định: “Võ Chân Cửu góp phần làm sáng lại gương mặt các nhà thơ miền Nam trước 1975”.

Thực ra mảng văn học nghệ thuật đô thị miền Nam, trong vài năm gần đây cũng đã được chú ý. Trước khi Thanh Tâm Tuyền cùng một số văn nghệ sĩ Sài Gòn đang định cư ở nước ngoài được tạp chí Nhà văn và Tác phẩm - cơ quan sáng tác, lý luận phê bình và dịch văn học của Hội Nhà Văn Việt Nam trích đăng, giới thiệu; hàng loạt tác phẩm của những tác giả này đã xuất hiện trên thị trường sách trong nước. Ðáng kể là những cây bút tên tuổi khá lẫy lừng như: Du Tử Lê, Hoài Khanh, Phạm Công Thiện, Tạ Chí Ðại Trường, Kim Ðịnh, Bửu Ý, Nguyễn Văn Trung, Hồ Hửu Tường, Lê Tất Ðiều, Nguyễn Thị Thụy Vũ...

Mới đây, còn xuất hiện trở lại nữ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, Minh Ðức Hoài Trinh... Trước đó có: Sơn Nam, Bùi Giáng, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, bà Tùng Long, Thích Nhất Hạnh...

Xác định: “Tác giả không mong (và cũng không đủ sức) làm một nhà lý luận để nhận định hay ghi lại tiến trình văn học của Sài Gòn... Ðây chỉ là sự lượm lặt tình cờ sau nhiều năm “tầm chương, trích cú” đủ thứ chuyện gần như theo kiểu “nghe hơi nồi chỏ”, có tính chất gần với giai thoại. Chỉ là những câu chuyện chung quanh cuộc sống, những sự kiện văn học... được ghi lại trong hồi ký của các nhà văn, của những tờ báo ngày trước. Ðọc lên thấy vui vui, ngồ ngộ và cũng giúp người đọc khám phá một chút gì đó, mặc dù không chính thống, chỉ như là một loại “ngoại văn sử”, ai tin thì tin, không tin thì cũng chẳng mất mát gì. Quên nữa, cũng phí chút thời gian để đọc!”; nhà báo kỳ cựu Lê Văn Nghĩa đã vừa cho ra mắt cuốn Văn học Sài Gòn 1954-1975: Những chuyện bên lề (NXB Tổng hợp TP.HCM) với hơn 140 mẫu chuyện rất lý thú của những cây bút từng một thời nổi tiếng ở miền Nam, trong đó có cả những người vẩn đang còn sống và hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí ở trong nước và hải ngoại.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: “Với chức năng của mình, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng cần định hướng cho công chúng và giới sáng tác có hiểu biết nhất định về văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975... Đất nước đã thống nhất gần 50 năm rồi. Chưa nói đến yêu cầu hòa hợp, hòa giải dân tộc thì người Việt vốn có tinh thần gạn đục khơi trong nên tác phẩm nào tốt thì cần có sự thừa nhận, quảng bá”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều