Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho sinh viên

08:08, 14/08/2021

Dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm. Trong suốt thời gian đó, nhiều đợt dạy học online đã được tiến hành. Từ bậc mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học, tùy theo độ tuổi, năng lực, các trường đều tổ chức hình thức học tập trực tuyến phù hợp. Năm nay, do dịch bùng phát mạnh và phức tạp nên các trường đại học phải cho sinh viên tạm ngừng đến trường từ cuối tháng 5 mà không kịp tổ chức thi hết học phần.

Dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm. Trong suốt thời gian đó, nhiều đợt dạy học online đã được tiến hành. Từ bậc mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học, tùy theo độ tuổi, năng lực, các trường đều tổ chức hình thức học tập trực tuyến phù hợp. Năm nay, do dịch bùng phát mạnh và phức tạp nên các trường đại học phải cho sinh viên tạm ngừng đến trường từ cuối tháng 5 mà không kịp tổ chức thi hết học phần.

Nấn ná mãi mà dịch vẫn chưa ổn định buộc lòng các trường phải tính đến phương án thi online. Với đa phần  sinh viên, đây là lần đầu tiên họ tham gia hình thức thi cử này nên việc luống cuống, bỡ ngỡ ban đầu là dễ hiểu. Để khắc phục điều này, các trường đều đã hướng dẫn kỹ càng trước khi vào thi chính thức.

Tuy nhiên, những sai sót, bỡ ngỡ đó của sinh viên cũng phần nào cho thấy kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thích ứng với thời đại số của sinh viên vẫn còn yếu. Dù đã được hướng dẫn và có quy định rõ ràng, một số sinh viên chưa sử dụng địa chỉ email đúng theo cấu trúc quy định, chưa biết cách nộp bài online, chưa biết cách sử dụng các ứng dụng phục vụ thi online mà nhà trường yêu cầu…

Ngày nay, gần như 100% sinh viên đều sở hữu ít nhất 1 thiết bị công nghệ. Đó là chiếc điện thoại thông minh (smartphone). Thiết bị này cũng đủ để sinh viên tiếp cận, làm quen và sử dụng các ứng dụng CNTT phục vụ việc học, làm việc nhóm. Những công cụ này hoàn toàn miễn phí, dễ truy cập và luôn luôn có sẵn các bài viết, video hướng dẫn sử dụng trên mạng.

Mới đây, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Facebook đã hợp tác thực hiện dự án nghiên cứu Khung năng lực số (KNLS). Sau quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một mô hình KNLS gồm 7 nhóm năng lực gồm: vận hành thiết bị và phần mềm; khai thác thông tin và dữ liệu; giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; an toàn và an sinh số; sáng tạo nội dung số; học tập và phát triển kỹ năng số; sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp.

Mỗi một nhóm năng lực có thể được thiết kế thành một module học tập độc lập, tương đương một học phần 3 tín chỉ. Toàn bộ 7 module có thể xây dựng thành một chương trình đào tạo năng lực số cho người học. Hoặc có thể áp dụng chuẩn đầu ra của KNLS để tích hợp vào các học phần hiện có của chương trình đào tạo, qua đó sẽ nâng cao năng lực số của người học thông qua các học phần này.

Dẫn chứng như vậy để thấy năng lực số, đơn giản hơn là năng lực ứng dụng CNTT là vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt con người trước nguy cơ cạnh tranh việc làm của máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo. Hơn lúc nào hết, kỹ năng CNTT là yếu tố vô cùng cần thiết của lao động trẻ. Vì vậy, để gia tăng cơ hội việc làm đồng thời đáp ứng được yêu cầu của công việc trong tương lai, sinh viên cần phải có ý thức tự trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho bản thân.

Tường Vi

Tin xem nhiều