Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán

10:09, 17/09/2021

Trước những khó khăn chồng chất mà ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt do dịch Covid-19, dự báo thời gian tới, nguy cơ thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm có thể xảy ra, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022.

Trước những khó khăn chồng chất mà ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt do dịch Covid-19, dự báo thời gian tới, nguy cơ thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm có thể xảy ra, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022.

Nông dân trồng thanh long ở H.Trảng Bom mong được hỗ trợ về tiêu thụ. Ảnh:L.Quyên
Nông dân trồng thanh long ở H.Trảng Bom mong được hỗ trợ về tiêu thụ. Ảnh:L.Quyên

Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo, các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp (DN) rà soát lại tình hình thực tế làm cơ sở xây dựng kế hoạch phục hồi, tái sản xuất, đầu tư đúng như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Những địa phương ít bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể tăng cường sản xuất để bù cho các địa phương “vùng đỏ”, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới.

* Gỡ vướng cho chuỗi sản xuất

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kết quả sản xuất nông nghiệp trong 8 tháng năm 2021, về trồng trọt cụ thể là lúa gạo đặt mục tiêu đạt trên 43 triệu tấn, đến nay đạt 27 triệu tấn; về mặt hàng rau phấn đấu đạt 18,5 triệu tấn thì đã đạt 12,5 triệu tấn; trái cây phấn đấu đạt 12 5 triệu tấn, đã đạt 10 triệu tấn; chăn nuôi phấn đấu đạt 6,2 triệu tấn thịt, 16 tỷ quả trứng và đã đạt 4,2 triệu tấn thịt, trên 11 tỷ quả trứng; thủy sản phấn đấu đạt 8,6 triệu tấn, đã đạt 5,7 triệu tấn.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, tổng sản lượng lúa, rau, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản cần phải đạt vẫn khá lớn với con số lên đến hàng chục triệu tấn. Đạt mục tiêu trên là nhiệm vụ khá khó khăn trong tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ đứt gãy, đình đốn như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện 80% số HTX tại các địa phương thực hiện giãn cách, doanh thu bị giảm từ 30-70%. Một nửa số lao động của các HTX bị giảm hoặc cắt lương. DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh hưởng do thực hiện giãn cách khiến nhiều DN phải dừng sản xuất hoặc giảm công suất sản xuất do thiếu lao động, thiếu vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp...

Bộ NN-PTNT đề xuất hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, chế biến như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu...

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực chế biến thủy sản, ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, hiện chỉ còn khoảng 30% DN hoạt động; đã có 15 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản có ca mắc Covid-19 phải tạm ngừng hoạt động. Dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn nguyên liệu sản xuất cho ngành Nông nghiệp cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Đồng tình với những đề xuất hỗ trợ trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp là rất lớn ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, quan trọng nhất là cần sớm tháo gỡ những tồn tại, ách tắc trong các khâu từ thu hoạch, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu. Trong đó, ngoài chính sách từ Chính phủ, chính quyền địa phương đóng vai trò rất lớn trong việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

* Tiếp sức bằng nguồn vốn

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết DN sản xuất, chế biến đều gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì sản xuất do chi phí sản xuất phát sinh quá lớn khiến nhiều DN phải giảm công suất, thậm chí dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ năng lực để chi trả khoản vay đến hạn. DN cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay để tái đầu tư. Do vậy, DN, nông dân cần có những chính sách hỗ trợ về tài chính, về vốn mạnh mẽ, thiết thực hơn.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, trước khi đại dịch xảy ra, nông nghiệp là ngành luôn đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, giá cả biến động. Theo đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có những chính sách rất căn cơ để giải quyết những vướng mắc cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thu mua, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, chính sách tín dụng cũng hỗ trợ cho từng ngành hàng cụ thể như: cây lúa, con tôm, con cá, cây công nghiệp...

Trong đại dịch Covid-19 cần những chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời hơn để gỡ khó cho tình hình chuỗi tiêu thụ bị đứt đoạn, hàng hóa ùn ứ. Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như hoãn, giảm các khoản vay đến hạn thu nợ. Trong đó, chủ trương hạ lãi suất đang được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt từ khi dịch bùng phát đến nay.

Tuy nhiên cũng phải tùy vào từng ngân hàng, từng đối tượng được ưu tiên mà có mức hạ lãi suất khác nhau nhưng nhiều ngân hàng giảm lãi suất từ 2-3%. Vừa qua, có 16 ngân hàng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm lãi suất lên đến 25-26 ngàn tỷ đồng và trong 1 tháng qua đã giảm hơn 8 ngàn tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tích cực hơn trong thực hiện các chính sách đang có vì chính sách, cơ chế hỗ trợ không thiếu, vấn đề là triển khai sao cho hiệu quả hơn, nhất là tập trung hỗ trợ việc thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản. Đây không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế, giải quyết hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống mà còn giải quyết khó khăn cho hàng chục triệu nông dân.            

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều