Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy - học trực tuyến: Còn nhiều băn khoăn

10:09, 03/09/2021

Năm học mới 2021-2022 đang đến gần, năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian đầu năm học mới, Sở GD-ĐT sẽ triển khai dạy và học trực tuyến. Vấn đề này đang được nhiều phụ huynh, giáo viên, học sinh đặc biệt quan tâm.

Năm học mới 2021-2022 đang đến gần, năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian đầu năm học mới, Sở GD-ĐT sẽ triển khai dạy và học trực tuyến. Vấn đề này đang được nhiều phụ huynh, giáo viên, học sinh đặc biệt quan tâm.

Em Hoàng Lê Hạnh Chi (học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) cùng mẹ theo dõi talkshow Dạy và học trong mùa dịch trên trang mạng xã hội của Tỉnh đoàn để nắm thông tin về học trực tuyến. Ảnh: Đ.Tùng
Em Hoàng Lê Hạnh Chi (học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) cùng mẹ theo dõi talkshow Dạy và học trong mùa dịch trên trang mạng xã hội của Tỉnh đoàn để nắm thông tin về học trực tuyến. Ảnh: Đ.Tùng

Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng với việc dạy và học trực tuyến vì có quá nhiều những khó khăn, vướng mắc cho cả nhà trường, phụ huynh và học sinh, nhất là học sinh đầu các cấp học.

* Không dễ “phủ” rộng

Để kịp bắt đầu năm học mới theo quyết định của UBND tỉnh (ngày bắt đầu học kỳ 1 của bậc mầm non, tiểu học, THCS-THPT là 13-9; giáo dục thường xuyên là 20-9), hiện nay các trường học trên địa bàn đang ráo riết lên kế hoạch dạy và học trực tuyến. Hầu hết các trường đang triển khai tập huấn dùng ứng dụng, phần mềm hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến.

Hiệu trưởng một số trường THCS tại TP.Biên Hòa cho rằng, việc dạy và học trực tuyến triển khai ở tất cả các cấp học không đơn giản, vì không phải học sinh nào cũng có smartphone hoặc máy vi tính để theo học, nhất là học sinh vùng ven, có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các học sinh đầu cấp, đặc biệt là học sinh lớp 1, học chương trình phổ thông mới nên sẽ có nhiều khó khăn hơn các khối lớp khác. Thậm chí, với nhiều trường, việc tổ chức họp trực tuyến triển khai kế hoạch chuyên môn, tập huấn phần mềm công nghệ cùng lúc cho toàn bộ giáo viên dạy trực tuyến cũng không đơn giản. 

Về phía phụ huynh, băn khoăn lớn nhất là làm sao các em có thể tiếp thu kiến thức đầy đủ, dễ dàng và tập trung học tập nghiêm túc như ở trên lớp. Nhất là học sinh tiểu học, nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh trong sử dụng các phần mềm, ứng dụng học trực tuyến. Trong khi đó vẫn còn không ít phụ huynh chưa rành  công nghệ thông tin.

Chị Lê Thu Em (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có 2 con trai học lớp 2 và lớp 5 một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa bày tỏ: “Nếu triển khai học trực tuyến thì 2 cháu phải dùng 2 điện thoại thông minh. Hiện nay, các cửa hàng bán điện thoại, máy tính tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16 nên có muốn sắm thêm điện thoại hoặc mua máy tính bàn, laptop mới cũng khó, chưa kể giá laptop khá cao. Ngoài ra, do diện tích nhà tại đô thị nhỏ nên việc bố trí cùng lúc nơi học riêng cho 2 cháu là điều rất khó”.

Cô Nguyễn Thị Long, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) chuẩn bị giáo án để dạy trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Long, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) chuẩn bị giáo án để dạy trực tuyến.

Còn tại vùng nông thôn, một số phụ huynh cho rằng, kinh phí mua máy vi tính, điện thoại thông minh cho con học không phải ai cũng làm được vì trong tình hình dịch bệnh, nhiều người mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập nên cuộc sống khá khó khăn. Chưa kể một số nhà nằm tận trong các rẫy rất xa đường lớn, khó kết nối internet nơi nên việc dạy và học trực tuyến ở những vùng này khó thực hiện nếu không có sự chuẩn bị tốt về điều kiện trang thiết bị, máy móc và đường truyền internet.

Anh Nguyễn Văn Quang (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) hiện có con đang chuẩn bị vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở TT.Trảng Bom lo lắng: “Dù có điện thoại thông minh nhưng việc để cho con mỗi ngày “cắm mắt” vào màn hình nhỏ trong nhiều giờ liền sẽ dễ gây mỏi mắt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực. Chưa kể, nếu tổ chức học trên truyền hình với học sinh lớp 1, thì vẫn cần phụ huynh kèm cặp, nếu không các cháu sẽ chuyển kênh hoặc bỏ đi chơi. Tôi vẫn thấy việc này cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn nữa, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên, gia đình và học sinh”.

* Cần có hướng dẫn cụ thể hơn

Để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến diễn ra hiệu quả, các trường học trên địa bàn đã có các biện pháp như: xây dựng bài giảng trực tuyến, đa dạng hóa chủ đề dạy học trực tuyến… Ngoài ra, một số trường còn thống nhất chung ứng dụng, phần mềm dạy học trực tuyến để đội ngũ giáo viên có thời gian tự làm quen, nắm bắt cách sử dụng; hoặc dạy “khởi động” trước khi vào năm học mới để giáo viên và học sinh làm quen cách học.

Tuy nhiên, theo một số giáo viên và phụ huynh vẫn cần phải có hướng dẫn cụ thể, thống nhất hơn trong việc dạy và học trực tuyến. Đồng thời cần có biện pháp để các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không đủ máy móc thiết bị có thể được tiếp cận chương trình giảng dạy như những học sinh khác, có điều kiện tốt hơn.

Theo một giáo viên Trường THCS Ngô Quyền (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), có thể xem xét việc lùi lịch khai giảng năm học mới thay vì dạy trực tuyến rộng rãi. Vì thực tế không chỉ phụ huynh mà ngay cả các giáo viên cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh không thể mua sắm máy móc mới phục vụ việc dạy và học.

Chị Trần Hồng Lam (ngụ TP.Biên Hòa) có con đang học lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai) cho rằng, với các lớp nhỏ, việc để các con tự thao tác với máy tính khi học trực tuyến là rất “mạo hiểm”. Vì thực tế ở độ tuổi học sinh tiểu học, chưa quen dùng máy tính, rất dễ thao tác sai, ảnh hưởng đến lớp học. Hoặc vô tình truy cập vào các đường dẫn nguy hiểm nếu không có sự kiểm soát của người lớn. Mà hiện nay, phụ huynh vẫn còn phải đi làm hoặc làm việc online nên việc “kè kè” kế bên các em là rất khó.

Lưu ý an toàn thông tin khi dạy và học trực tuyến

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) khuyến cáo, hiện nay sự phát triển của công nghệ đã cho ra đời nhiều phần mềm, ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến; việc nhà trường, các cơ sở GD-ĐT phổ biến hướng dẫn sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên là điều cần thiết. Để đảm bảo an toàn thông tin, việc dạy học thông suốt, nhà trường, giáo viên cần hướng dẫn học sinh các chức năng, cách truy cập cụ thể trên các phần mềm học trực tuyến để tránh xảy ra sai sót liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin khi giảng dạy.

Minh Thành


Bà LƯU THỊ NGỌC QUẾ, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom:

Chủ động triển khai nhiệm vụ dạy trực tuyến

Đến nay, các trường trên toàn huyện đang gấp rút chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, đặc biệt là triển khai các phương án dạy học trực tuyến. Cụ thể là chuẩn bị giáo án, máy móc, soạn sẵn bài giảng trên PowerPoint hoặc các phần mềm hỗ trợ. Đặc biệt, các trường sẽ bố trí bài giảng, cách giảng phù hợp với hình thức trực tuyến. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm các trường hiện đang tìm hiểu hoàn cảnh, nắm rõ khó khăn của từng em, từ đó tìm ra biện pháp hỗ trợ các em làm quen với hình thức học trực tuyến.

Cô HOÀNG THỊ NGỌC, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa):

Lên kế hoạch dạy trực tuyến cụ thể

Ở những năm học trước, chương trình dạy học trực tuyến cũng đã được chúng tôi áp dụng. Năm nay, để đạt được hiệu quả dạy và học cao hơn, chúng tôi đã chủ động tìm tòi phương pháp, lên kế hoạch dạy học phù hợp với học sinh lúc này. Đặc biệt, chúng tôi sẽ quay các clip hướng dẫn việc học tập, tập viết, tập đọc tỉ mỉ, chi tiết để gửi cho phụ huynh, giúp phụ huynh có thể hướng dẫn các em học thêm tại nhà.

Đăng Tùng (ghi)


 

Tin xem nhiều