Báo Đồng Nai điện tử
En

Người giới thiệu, khẳng định giá trị văn chương Đồng Nai trong nhà trường

09:09, 03/09/2021

Tôi biết NGƯT Nguyễn Sĩ Bá đầu tiên qua nhà thơ Cao Xuân Sơn, những năm 1984, 1985. Hồi đó, anh Cao Xuân Sơn mới chuyển từ Trường THPT Ngô Quyền về làm biên tập viên Báo Văn nghệ Đồng Nai.

Tôi biết NGƯT Nguyễn Sĩ Bá đầu tiên qua nhà thơ Cao Xuân Sơn, những năm 1984, 1985. Hồi đó, anh Cao Xuân Sơn mới chuyển từ Trường THPT Ngô Quyền về làm biên tập viên Báo Văn nghệ Đồng Nai.

Bìa sách Nhà giáo ưu tú Nguyễn Sĩ Bá  và những tấm lòng văn
Bìa sách Nhà giáo ưu tú Nguyễn Sĩ Bá và những tấm lòng văn

Anh Sơn hay nhắc đến thầy Nguyễn Sĩ Bá - thầy dạy anh ở lớp chuyên Văn Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), khi đó đang là Trưởng phòng Phổ thông, Sở GD-ĐT Đồng Nai. Chưa được tiếp xúc với thầy nhưng qua những câu chuyện của anh Sơn kể về thầy, tôi hình dung ra một người thầy đức độ, giỏi chuyên môn, yêu quý học trò, tâm huyết với nghề.

Rồi nhà thơ Cao Xuân Sơn đưa tôi đến nhà thầy Bá ở đường Hưng Đạo Vương, TP.Biên Hòa. Ấn tượng của tôi về thầy buổi gặp đầu tiên không khác với hình dung nhiều. Đó là một người đàn ông tầm thước, khoảng trên 40 tuổi, dáng từ tốn, điềm đạm. Cái đầu to, mái tóc lấm tấm bạc, mũi to, đôi mắt sáng, giọng nói ân cần, hiền hậu.

Sau này tôi mới biết, ngoài nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng học THPT những năm 60, 70 thế kỷ trước quê ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (tỉnh Hà Nam Ninh hồi đó) như: nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Văn Lê, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà văn Hồ Anh Thái... cũng là học trò của thầy Bá. Lứa học sinh giỏi Văn do thầy đào tạo những năm đó nhiều người đoạt giải cao nhất, nhì toàn miền Bắc (hồi đó đang có chiến tranh, đất nước chia cắt, Bộ Giáo dục Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có thể tổ chức thi toàn miền Bắc). Có một người đoạt giải nhì toàn miền Bắc và bài thi này hầu như nhiều thế hệ học sinh chúng tôi hồi ấy đều yêu thích, nhiều người còn học thuộc lòng. Đó là bài thi Gửi thư cho anh trai đang chiến đấu ở ngoài mặt trận của anh Nguyễn Quốc Văn, năm học 1969-1970…

Thầy Nguyễn Sĩ Bá tham gia xây dựng Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Báo Văn Nghệ Đồng Nai từ buổi đầu thành lập Hội (1979). Thầy là cây bút chủ chốt, đầy trách nhiệm ở mảng lý luận phê bình trên Báo Văn nghệ Đồng Nai những năm đó. Sau này thầy còn sáng tác truyện ngắn. Với bề dày công tác trong ngành Giáo dục, kinh qua nhiều vị trí công tác, từ giáo viên đến chuyên viên, cán bộ quản lý, thầy Nguyễn Sĩ Bá có một vốn sống rất phong phú về nhà giáo, nhà trường. Thầy đã khai thác hữu hiệu mảng đề tài này trong sáng tác và gặt hái được những thành công ấn tượng: Giải nhất truyện ngắn Cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật đề tài Nhà giáo nhà trường do Báo Người giáo viên nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai có thầy tham dự với tư cách là trại viên, thành viên Ban tư vấn chuyên môn. Trại sáng tác cuối cùng thầy Bá tham dự là Trại sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT Đồng Nai mở tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) năm 1996, thầy tham gia trong Ban tổ chức trại, thẩm định văn xuôi. Vẫn tác phong bặt thiệp, chu đáo, điềm đạm, thầy Bá có những nhận xét tinh tế, chân thành, góp phần dìu dắt, truyền lửa vào lứa học sinh ham mê sáng tác văn chương.

Năm 1994, GS-NGND Lê Trí Viễn và NGƯT Nguyễn Sĩ Bá hoàn thành công trình khoa học Thơ văn Đồng Nai trong nhà trường. Đây là bộ tài liệu đầu tiên về văn học địa phương dùng trong nhà trường ở Đồng Nai. Có thể nói đây là đóng góp đáng kể nhất, to lớn nhất đối với văn học nghệ thuật Đồng Nai (và giáo dục Đồng Nai) của thầy Bá.

Bộ sách gồm 2 tập dùng cho giáo viên và học sinh các cấp học ở Đồng Nai, được đưa vào giảng dạy tại Đồng Nai. Các thầy đã “sưu tầm, trích chọn một số thơ văn Đồng Nai có chất lượng và thông qua cái hay của thơ văn giúp học sinh hiểu biết về đất nước và con người của tỉnh từ xưa đến nay, để giáo dục các em về những truyền thống tốt đẹp: yêu nước và nhân đạo, nhân văn thể hiện ở con người Đồng Nai” (Trích Lời giới thiệu của Nhóm biên soạn, NXB Đồng Nai, 1994).

Công trình đã giới thiệu, khẳng định những giá trị văn chương Đồng Nai từ mảng văn học dân gian đến văn học thành văn, giới thiệu các tác giả văn chương Đồng Nai từ Trịnh Hoài Đức, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc cho đến lớp mới trưởng thành những ngày đó: Hoàng Trung Thủy, Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn, Cao Xuân Sơn... Cho đến nay, dù điều kiện tốt hơn rất nhiều, đội ngũ các tác giả văn chương Đồng Nai cũng trưởng thành hơn nhiều, xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm mới có giá trị nhưng vì lý do nào đó vẫn chưa có được sự nghiên cứu, bổ sung, cập nhật thêm (trừ mảng văn học dân gian).

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều