Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữa khó khăn, doanh nghiệp cần tỉnh táo nắm bắt cơ hội để chuyển mình

07:09, 11/09/2021

Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 để hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Suốt thời gian qua, tác động của đại dịch đối với toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng là điều rất rõ ràng song cũng đã tạo nên những cơ hội để doanh nghiệp (DN) ứng phó và thay đổi.

Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 để hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Suốt thời gian qua, tác động của đại dịch đối với toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng là điều rất rõ ràng song cũng đã tạo nên những cơ hội để doanh nghiệp (DN) ứng phó và thay đổi.

Xung quanh những vấn đề này, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Điều hành DongA Solutions - đơn vị chuyên tư vấn, đào tạo quản trị DN - đã có những chia sẻ sâu sắc về cơ hội và thách thức mà nhiều DN quan tâm.

* Mỗi DN có sự thích ứng khác nhau

* Ông đánh giá thế nào về ứng phó của các DN qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19?

- Đại dịch đã ảnh hưởng đến từng ngành nghề kinh tế và từng DN. Tùy vào ngành nghề kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, địa bàn hoạt động, quy mô DN, cấu trúc chi phí và cơ cấu vốn… mà mức độ ảnh hưởng có thể sẽ rất khác nhau. Có những ngành đang kiệt quệ nhưng cũng có những ngành đang hưởng lợi và chuyển động, biến đổi để phát triển trong giai đoạn dịch bệnh.

Theo đánh giá chung, sức chống chọi của các DN nhỏ và vừa sẽ yếu hơn các DN lớn, tiềm lực mạnh, có nguồn dự trữ nhiều, ít phải đi vay mượn. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, DN nhỏ lại thường có khả năng linh hoạt và chuyển đổi nhanh hơn. Góc độ nào đó có thể nói rằng, DN lớn chịu trận tốt hơn, DN nhỏ tiến hóa nhanh hơn, xoay chuyển tốt hơn.

Về triển vọng kinh tế, qua các đánh giá khác nhau, dù bị ảnh hưởng khá nặng nhưng Việt Nam vẫn còn may mắn hơn khá nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Các số liệu thống kê về tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam tới nay cho thấy điều đó, song thời gian tới mức độ cam go sẽ lớn hơn.

* Dưới tác động của dịch bệnh, DN phải thay đổi, chuyển hóa cụ thể như thế nào để có thể tiếp tục phát triển, thưa ông?

- Trong và sau đại dịch, các DN buộc phải chuyển hóa mạnh hơn. Thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng vừa trực tiếp nắm khách hàng hơn, vừa ít tiếp xúc với họ hơn nhưng vẫn có thể hiểu rõ, đáp ứng, phục vụ và chăm sóc sau bán hàng. Tỷ lệ người dùng cuối và khách hàng làm chủ được các thiết bị tin học cá nhân ngày càng cao sau đại dịch hỗ trợ rất mạnh mẽ cho những nỗ lực này.

DN có sự tái cấu trúc về chi phí và cơ cấu vốn theo hướng an toàn và ít rủi ro hơn. DN quan tâm cắt bỏ những chi phí thừa, không cần thiết và thiếu hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Việc đầu tư mạo hiểm thông qua sử dụng các đòn bẩy sẽ có sự suy xét kỹ lưỡng.

Để an toàn, bền vững, DN có xu hướng tăng hợp tác để dành sự quan tâm vào khâu mình giỏi nhất, hoặc từng bước phát triển dọc theo chuỗi giá trị, giảm sự phụ thuộc vào đối tác khác (tránh đứt gãy chuỗi cung ứng).

* Chính phủ đặt mục tiêu giữa tháng 9-2021 sẽ kiềm chế được dịch bệnh, điều này có thể khả thi khi chúng ta phủ được vaccine cho người dân. Theo ông, sau khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, cơ hội nào sẽ đến với DN Việt Nam?

- Việt Nam có dân số đông và trẻ. Sau đại dịch, người dân đã quen thuộc với cuộc sống số hóa (digital), lực lượng này càng ngày sẽ càng có mức độ tiêu dùng nhiều hơn. Lớp trẻ sẽ tích lũy tài sản nhưng mức độ chi tiêu so sánh với các nước còn thấp, vì thế đây là thị trường tiêu dùng lớn để cộng đồng DN tiếp cận.

Hơn nữa với sự phát triển ổn định, liên tục trong suốt 20-30 năm qua, và vẫn còn khá nhiều dư địa để tiếp tục phát triển nên chắc chắn quy mô, giá trị của nền kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng.

Để phù hợp với xu thế mới, cơ cấu của nền kinh tế sẽ có sự chuyển hóa lớn theo hướng tích cực hơn, làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài.

Là một nền kinh tế mở, đang dần trở thành quốc gia xuất khẩu lớn, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia, tỉ trọng, giá trị xuất khẩu cao vào các cường quốc kinh tế nên uy tín của các sản phẩm “made in Vietnam” dần trở nên cao hơn, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ có một số thuận lợi hơn. Sức thu hút đầu tư vào Việt Nam vẫn rất triển vọng đối với nhà đầu tư quốc tế, đây chắc chắn sẽ là nơi được quan tâm của dòng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội để ứng dụng, học tập kinh nghiệm từ những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh thành công của thế giới để phát triển ở trong nước.

Chuyển đổi số là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: minh họa
Chuyển đổi số là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: minh họa

* Chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy quản trị

* Đối với cộng đồng DN, nhất là những DN khởi nghiệp, DN mới, để gia nhập thị trường và thành công thì có rất nhiều yếu tố, trong đó lựa chọn mô hình kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đổi mới sáng tạo?

- Vấn đề của những DN đi sau là luôn phải tìm mọi cách để đuổi kịp đối thủ. Thiệt thòi của các DN Việt Nam là phải giải quyết vấn đề đó trong bối cảnh có quá nhiều ràng buộc về: ngân sách, nhân lực, thông tin, văn hóa và quy mô. Việc đi sau thế giới khá lâu cũng làm gia tăng áp lực lên người lãnh đạo DN.

Trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh gay gắt cộng với tác động từ nhiều phía như: dịch bệnh, xu hướng tiêu dùng, quy mô, tiềm lực hạn chế thì đổi mới và sáng tạo có lẽ là câu trả lời khả dĩ nhất để tìm hướng giải quyết các khó khăn, dù rằng không hẳn đã khả thi với tất cả.

Đổi mới mô hình hoạt động, sáng tạo thiết kế sản phẩm dịch vụ. Đổi mới tư duy quản trị, sáng tạo cách thức tổ chức và triển khai công việc. Sẽ có rất nhiều mất mát đối với những DN không chịu hay không kịp thay đổi. Cũng sẽ có rất nhiều phí tổn cho các DN chịu vận động để tự tiến hóa với mục tiêu đạt được thành công trong tương lai.

* Đại dịch góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đối số nhanh hơn. Xu hướng tiêu dùng của thế giới cũng đang có sự thay đổi. DN cần có thái độ gì đối với vấn đề này?

- Trong và sau đại dịch, chuyển đổi số chắc chắn là một trong những vấn đề mà DN rất quan tâm, thậm chí là yếu tố sống còn. Nhiều DN đã thể hiện và triển khai các giải pháp số hóa, bắt kịp với sự vận động và phát triển của tình hình mới, để có thể phát triển mà không bị tụt hậu, bỏ lại phía sau. Nhưng điều quan trọng trong quá trình này, DN phải làm rõ tại sao phải chuyển đổi số, việc chuyển đổi số giải quyết vấn đề gì.

Qua đó để thấy, chuyển đổi số phải đến từ nhu cầu quản trị của DN, giúp tăng năng lực cạnh tranh và tiết kiệm chi phí. Đừng thấy các DN khác chuyển đổi số mình cũng chuyển đổi số. Phát triển theo phong trào, không nắm rõ vấn đề… sẽ dẫn đến lãng phí, không hiệu quả, chắp vá.

Theo tôi, khó nhất trong vấn đề chuyển đổi số là vấn đề con người, tư duy quản trị. Hãy quan sát lại công ty mình, đánh giá năng lực nhân viên, tìm giải pháp có thể thay đổi họ, nâng cao nhận thức và tham gia vào hoạt động chuyển đổi số của DN mới là vấn đề cốt tử và chiếm chi phí nhất trong quá trình chuyển đổi số. Có đến 80-90% thất bại của DN là bê những giải pháp từ bên ngoài vào mà chưa thực sự thấu hiểu nội bộ.

Một vấn đề nữa, như đã nói, DN càng nhỏ thì cơ hội chuyển đổi số càng dễ, sự đánh đổi sẽ thấp hơn, DN càng lớn việc chuyển đổi số càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn vì vướng rất nhiều yếu tố. Nếu người lãnh đạo không nhìn nhận thấu đáo sẽ rất khó khăn.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Điều hành DongA Solutions là chuyên gia tư vấn được từng đảm nhận nhiều vai trò chủ chốt tại các tập đoàn lớn như: Tổng giám đốc Mai Linh Taxi, Phó tổng giám đốc Le & Associates, Quản lý cấp cao TMA Solution. Ông đầu tư và tham gia quản trị nhiều DN; đồng thời đã và đang tham gia dẫn dắt nhiều CLB và hiệp hội DN như là Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam năm 2016 (JCI Vietnam); Tổng thư ký CLB Doanh nhân & quản trị Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM…

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều