Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên đưa nông nghiệp trở về trạng thái ''bình thường mới''

10:09, 17/09/2021

Đó là sự tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa khiến thị trường rơi vào tình cảnh "nơi thừa, nơi thiếu", có những vùng sản xuất ra không tiêu thụ kịp, nông dân buộc phải bỏ nông sản chín rục trên đồng, nhưng cũng có những nơi (như TP.HCM và các đô thị khác đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt) thì nông sản, rau củ quả lại quá hiếm hoi dù giá lên cao.

Đó là sự tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa khiến thị trường rơi vào tình cảnh “nơi thừa, nơi thiếu”, có những vùng sản xuất ra không tiêu thụ kịp, nông dân buộc phải bỏ nông sản chín rục trên đồng, nhưng cũng có những nơi (như TP.HCM và các đô thị khác đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt) thì nông sản, rau củ quả lại quá hiếm hoi dù giá lên cao.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho thấy, xuất khẩu 8 tháng năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước song xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong tháng 8-2021 lại ghi nhận sự sụt giảm khá lớn. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 8-2021 cả nước đạt  3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8-2020 và giảm 22% so với tháng 7-2021.

So với tháng 7-2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng trưởng xuất khẩu gồm sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 26,6%), sản phẩm từ ngũ cốc (tăng 1,1%), sữa và sản phẩm sữa (tăng 0,8%); các sản phẩm còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp, nhà máy chỉ hoạt động 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có ca mắc Covid-19 (nguồn: Bộ NN-PTNT).

Tổng kết của Bộ cũng cho thấy từ lúa gạo đến trái cây, chăn nuôi, thủy sản đang khó khăn cả ở lĩnh vực tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đầu ra tắc nghẽn, nhưng ở đầu vào, nông dân lại đang thiếu vốn để mua vật tư, máy móc phục vụ sản xuất. Nhiều người không còn mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo, không đủ điều kiện tái đầu tư. Theo dự báo, sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ khó đảm bảo và rất có thể sẽ thiếu hụt, không đảm bảo nguồn cung nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Hiện tại, Đồng Nai cùng các địa phương khác đang ráo riết dùng mọi biện pháp đẩy lùi dịch bệnh để đưa mọi thứ trở về trạng thái “bình thường mới”, trong đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp là một trong những ưu tiên. Hy vọng với các giải pháp chung lẫn riêng cho từng ngành, sản xuất nông nghiệp cũng sẽ sớm “quay lại đường đua” - là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều