Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm

12:11, 27/11/2021

Trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay cần tăng cường các phương án quản lý, kiểm soát thị trường để hạn chế tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… nhất là đối với một số loại hình kinh doanh tự phát, bán hàng trên mạng xã hội.

[links()]Trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay cần tăng cường các phương án quản lý, kiểm soát thị trường để hạn chế tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… nhất là đối với một số loại hình kinh doanh tự phát, bán hàng trên mạng xã hội.

Khẩu trang y tế được rao bán ở các hội, nhóm kinh doanh trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình: L.Phương
Khẩu trang y tế được rao bán ở các hội, nhóm kinh doanh trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình: L.Phương

* Siết quản lý kinh doanh trên môi trường mạng

Dịch bệnh khiến cho nhiều loại hình kinh doanh trực tuyến “nở rộ”, nhiều hội, nhóm bán hàng trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng thì môi trường mua bán online cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, nhất là đối với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai khuyến cáo, bên cạnh các tiện ích, người tiêu dùng có thể gặp phải rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, đối với các sản phẩm về sức khỏe, mặt hàng phòng, chống dịch, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có nguồn gốc rõ ràng của các nhà phân phối, nhà thuốc uy tín.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng nên hạn chế đặt mua các sản phẩm khẩu trang, dụng cụ, thiết bị y tế trên mạng xã hội, các kênh bán hàng “trôi nổi” vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng kém chất lượng…

Ông Bùi Xuân Thu, Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đoàn kiểm tra liên ngành 389) tỉnh cho hay, trong dịp cao điểm cuối năm và cận Tết sắp tới, đoàn sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng cấm, những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng)… Đặc biệt, đoàn sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, nhất là hoạt động mua bán trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo.

* Đảm bảo yếu tố về an toàn thực phẩm

Việc nhiều hàng quán kinh doanh thêm các loại thực phẩm, rau củ quả trong thời gian dịch bệnh vừa qua phần nào góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khi một số kênh cung ứng, bán lẻ bị gián đoạn. Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi các bán lẻ, cung ứng truyền thống và hiện đại dần được phục hồi thì các mô hình kinh doanh tạm thời, các chợ tạm, hàng rong hoạt động tự phát… cần được quản lý chặt chẽ hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, nhất là cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, trong thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi. Các trạm thú y ở các địa phương trong tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương và những đoàn liên ngành, đơn vị liên quan trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp giết mổ lậu, đảm bảo vệ an toàn thực phẩm…

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vi phạm hành chính đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm, cận Tết như: bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường, sữa, giò chả, động vật và các sản phẩm động vật, các loại gia vị, chất phụ gia, thực phẩm chế biến, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19…

Trong đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại lương thực, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm đóng gói, thực phẩm tươi sống; tăng cường kiểm tra, xử lý gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, giết mổ, đóng dấu kiểm dịch…          

 

Trong bối cảnh nhiều chợ truyền thống vẫn còn đang tạm đóng cửa, trên nhiều tuyến đường lớn, đường trong các khu dân cư, các chợ tự phát, hàng rong mọc lên khá nhiều, hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập. Điều này không những gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Lam Phương

 

Tin xem nhiều