Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm lo cho người dân làng bè Mã Đà

09:11, 20/11/2021

Ở Mã Đà có nhiều ấp nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai với mật độ dân cư thưa thớt. Đặc biệt, nơi đây tập trung chủ yếu là Việt kiều Campuchia, người dân sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản giữa lòng hồ Trị An. Vài năm trở lại đây, cuộc sống của họ dần ổn định.

Ở Mã Đà có nhiều ấp nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai với mật độ dân cư thưa thớt. Đặc biệt, nơi đây tập trung chủ yếu là Việt kiều Campuchia, người dân sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản giữa lòng hồ Trị An. Vài năm trở lại đây, cuộc sống của họ dần ổn định.

Chủ tịch UBND xã Mã Đà Trần Đức Sơn (phải) tặng quà hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn tại làng bè Mã Đà. Ảnh: Thanh Hải
Chủ tịch UBND xã Mã Đà Trần Đức Sơn (phải) tặng quà hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn tại làng bè Mã Đà. Ảnh: Thanh Hải

* Từng bước vượt qua khó khăn

Địa bàn xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) rất rộng với tổng diện tích hơn 40 ngàn ha. Ngoài các ấp 1, 2 ở gần khu vực trung tâm xã, đường sá lưu thông thuận lợi thì những ấp còn lại nằm ở các cụm rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Trong đó, các ấp 3, 4, 5 chủ yếu là Việt kiều Campuchia di cư về. Đây đều là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có nhà ở cố định mà sống lênh đênh trên mặt hồ Trị An.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lê (ngụ ấp 5) cho hay, trước đây khi còn ở Biển Hồ ở Campuchia, cuộc sống gia đình ông hết sức tạm bợ, bấp bênh. Sau đó, ông quyết định trở về quê hương. Đến nay, dù chưa cất được căn nhà trên bờ nhưng hoàn cảnh sống không đến nỗi khó khăn như trước. Về đây, ông và các con dựng bè nổi ngay trên lòng hồ, sống chủ yếu làm nghề nuôi và đánh bắt cá.

Thời gian gần đây, lượng cá, tôm đánh bắt giảm nhiều so với trước. Bên cạnh đó, do dịch bệnh bùng phát mạnh, thương lái mua ít kéo theo giá thành giảm xuống ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của gia đình. Dù vậy, ông vẫn mạnh dạn mua các loại cá nước ngọt về thả. Đến vụ thì mang bán cho các mối lớn, không còn phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

 “Nay chúng tôi không lo đói nữa, mà tìm cách ổn định cuộc sống. So với những làng Việt kiều ở các tỉnh: Long An, Bình Dương và Tây Ninh, bà con ở đây “dễ thở” hơn. Điện sáng cũng đã được Nhà nước kéo về tận xóm, người dân có điện để xem tivi, con trẻ có điện học bài. Khi có điện, có đường, cá nuôi đem bán cho các thương lái không lo bị mất giá, bắt chẹt” - ông Lê nói.

Không như nhiều gia đình khác sống dựa vào con nước, chị Huỳnh Thị Bích Diễm (ngụ ở ấp 4) có thu nhập khá từ nghề làm chả cá. Nhờ vậy gia đình chị không những thoát cảnh túng thiếu mà kinh tế gia đình ngày một khấm khá, vươn lên. Ban đầu, chả cá của chị chỉ bán quanh quẩn cho người trong xã, mỗi ngày chừng 10kg. Tuy nhiên, nhờ chất lượng chả ngon và giá cả tương đối rẻ nên chả cá của chị làm ra ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Thấy chả cá bán chạy, lãi cao so với bán cá tươi sống nên chị Diễm làm chả ngày một nhiều hơn. Chị mua lại cá rô phi, mè vinh, thác lác… từ các ngư dân đánh bắt trên lòng hồ để về làm chả giao mối trong và ngoài tỉnh lân cận. Ngoài ra, chị còn làm thêm khô cá rô phi, cá lóc bán 150-170 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, trả tiền nhân công, mỗi tháng chị thu về trên dưới chục triệu đồng.

“Chả cá của tôi đều từ cá đánh bắt tự nhiên nên chất lượng hơn hẳn cá nuôi. Với độ dai và vị ngọt đậm đà, khách hàng rất ưa chuộng nên hàng làm ra tới đâu bán hết ngay đó. Đến nay, nhờ chịu khó làm ăn, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho các chị em trong xóm. Từ đó, giúp đỡ được nhiều người lao động có thêm thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày” - chị Diễm bộc bạch.

* Vượt rừng đến với người dân làng bè

Chủ tịch UBND xã Mã Đà Trần Đức Sơn cho biết, người dân ở các ấp này nằm sâu trong rừng tự nhiên, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Để vào đây, phải đi qua con đường đất đỏ nằm lọt thỏm giữa cánh rừng già. Mùa nắng thì bụi đỏ bay mù mịt, mùa mưa đường lầy lội nên chỉ những xe lớn mới có thể lưu thông thuận lợi. Hạ tầng giao thông không được đầu tư nên ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con.

Nhiều hộ gia đình ở ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) phát triển kinh tế với nghề làm chả cá. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều hộ gia đình ở ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) phát triển kinh tế với nghề làm chả cá. Ảnh: Thanh Hải

Theo ông Sơn là trước những năm 2010, tỉnh có chủ trương di dời các hộ dân ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ra ngoài nên không đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện lưới, trường học… Sau này, huyện đề xuất và được tỉnh chấp thuận ổn định dân cư tại chỗ đối với các ấp thuộc xã Mã Đà nên mới có chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng.

Người dân tại đây cũng có biến động liên tục, phần lớn là Việt kiều Campuchia di cư về. Qua khảo sát thực tế, đa số các hộ dân đều có nguyện vọng được đăng ký nhập khẩu tại địa phương để ổn định cuộc sống lâu dài và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Những gia đình chưa nhập khẩu là do họ mới hồi hương vài năm trở lại đây, địa phương sẽ tiếp tục thu thập hồ sơ và dần cấp giấy tờ để bà con an cư, lập nghiệp; trẻ em được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường.

“Hằng năm, vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, không khí ở đây vui tươi, nhộn nhịp. Người dân tham gia đông đủ các hoạt động tương trợ, giúp nhau trong cộng đồng dân cư, thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết. Cuối tháng 10-2021 vừa qua, điện sáng cũng đã về các ấp 3, 4 của xã Mã Đà. Có điện sinh hoạt sẽ giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần” - ông Sơn nói.

Ông Dương Ngọc Tài, Trưởng ấp 4 cho biết thêm, trong đợt toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19, khu vực ấp 4 được chính quyền địa phương quan tâm. Ngay sau khi tiếp nhận nguồn hàng, địa phương phối hợp cùng đoàn thể, các ấp tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách các hộ có hoàn cảnh khó khăn để có phương án chăm lo thiết thực, phù hợp. Trong đó, ưu tiên cho các gia đình là Việt kiều Campuchia tại khu vực ấp 4 của xã với hơn 600 người.

“Đặc thù ấp 4 đi lại khó khăn, đường sá lầy lội, cuộc sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài nên việc vận chuyển hàng hóa cho bà con tại đây là cả quá trình. Địa phương tổ chức phương tiện chở hàng đến tận tơi, sau đó giao cho ấp quản lý, phân phát theo danh sách đã niêm yết rõ ràng. Đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm không sót một ai với phương châm không để cho người dân thiếu lương thực hoặc bị đói” - ông Tài chia sẻ.

Ông NGUYỄN VĂN LÊ (ngụ ấp 5, xã Mã Đà) tâm sự: “Người dân làng bè chúng tôi có ước mơ là chính quyền địa phương, các ban, ngành quan tâm hỗ trợ có nhà trên bờ để ở, có đất để sản xuất, trẻ em được tới trường học hành để biết cái chữ…”.

Thanh Hải

Tin xem nhiều