Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Nơi dòng sông hòa vào biển lớn

05:11, 06/11/2021

Hơn 23 năm trước, tôi may mắn được đến vùng nước Cần Giờ (TP.HCM) theo đường thủy từ Cù lao Phố và từ sông Lòng Tàu của Nhơn Trạch khi thực hiện khảo sát, thu thập tư liệu địa chí, làm phim tư liệu khi Đồng Nai chuẩn bị kỷ niệm vùng đất này trong lịch sử 300 năm (1698-1998).

[links()]Hơn 23 năm trước, tôi may mắn được đến vùng nước Cần Giờ (TP.HCM) theo đường thủy từ Cù lao Phố và từ sông Lòng Tàu của Nhơn Trạch khi thực hiện khảo sát, thu thập tư liệu địa chí, làm phim tư liệu khi Đồng Nai chuẩn bị kỷ niệm vùng đất này trong lịch sử 300 năm (1698-1998).

Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM
Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM

Chuyến ngao du sông nước ấy với những nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa đem đến những thú vị bởi họ nhìn sông từ sâu thẳm quá khứ, của nếp sống của con người theo dòng sông này. Những hình ảnh được ghi lại của đoàn phim từ nhân chứng sinh động với ông Đỗ Bá Nghiệp (Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai), cố đại tá Lê Bá Ước - nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sát, sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Trong chiều kích của lịch sử

Như quy luật của nhiều sông trên thế giới, sông Đồng Nai vượt bao ghềnh thác rồi đổ ra biển, đến với đại dương mênh mông về phía Đông Nam của đất nước. Từ thượng nguồn của hợp lưu sông Đa Nhim và Đa Dung, rồi đón thêm những dòng chảy từ Sông Bé, La Ngà, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ… cùng nhiều phụ lưu, chi lưu khác, tạo nên một lưu vực sông nội địa trải rộng trên nhiều tỉnh, thành. Dòng chảy của sông đổ ra biển ở vùng Cần Giờ và Xoài Rạp để hòa trong biển Đông. Một vùng giáp nước với hệ sinh thái ngập mặn, nước lợ, cù lao trải rộng, rừng đước ken dày…

Từ các cửa sông ven biển, trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa (nay thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM), tư liệu ghi chép khá nhiều với chiều sâu của thời gian. Nơi cửa sông đến những vùng đất lân cận, nhiều di chỉ về người xưa được phát hiện trên vùng sình lầy ngập mặn. Người xưa đã sống và thích ứng ở vùng đất này như Cái Vạn, Rạch Lá, Rạch Lăng, Bưng Thơm, Gò Cá Sỏi, Giồng Vồ… Nơi đây, khi dòng nước ngọt của sông Đồng Nai đổ ra biển mặn cũng là khởi điểm để tiến vào vùng đất rộng, rừng rậm, hoang vắng một thời, cuốn hút bao di dân tìm đến…

Ghe xuồng tập trung trong lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ. Ảnh: Phạm An Dương
Ghe xuồng tập trung trong lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ. Ảnh: Phạm An Dương

Châu Đạt Quan (người Trung Quốc) khi đến Chân Lạp vào thế kỷ XIII miêu thuật: “Từ Chân Bồ (vùng Bà Rịa) trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài hàng mấy trăm dặm, cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn ở trong đó… Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con…”.

Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục ghi lại từ thế kỷ XVIII như sau: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi/Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”.

Từ các cửa sông này, những di dân vượt biển ngược sông tìm đất sống, những chiến thuyền quan quân nhà Nguyễn, của Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tiến sâu vào đất liền thiết lập cơ sở, những trận chiến xảy ra dưới sông, trên bờ giữa quân Tây Sơn và Chúa Nguyễn, giữa quân Pháp và triều Nguyễn, những chuyến tàu buôn bán ra vào một thời… Từ cửa sông vào địa vực rộng lớn của sông, rạch, rừng ngập mặn ghi dấu nhiều sự kiện của chiến tranh vệ quốc từ căn cứ Rừng Sát của lực lượng quân giải phóng…

Chảy đi sông ơi…

Ven sông và phụ cận, ngày nay đã hình thành những làng mạc, đô thị, khu công nghiệp… sầm uất với cảnh “đất hẹp, người đông” khác xưa. Những cộng đồng cư dân đã tạo dựng một đời sống phong phú theo dòng chảy của hệ thống sông Đồng Nai với nhiều làng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, làm muối… Những thiết chế tín ngưỡng dân gian đa dạng của cư dân được hình thành ven sông, ven biển như: miếu thờ Bà Thủy, bà Ngũ Hành, dinh Cô, thờ thần Thành hoàng, lăng Cá Ông… cùng với hệ thống chùa chiền, nhà thờ. Lễ hội Nghinh Ông tổ chức hằng năm là nét chấm phá độc đáo của ngư dân miền sông nước nơi cửa sông và biển với những tập thành nghi thức trên bộ, trên sông, trên biển rực rỡ màu sắc.

Đầm Dơi trong Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Đầm Dơi trong Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

Nơi cửa sông ven biển là hệ sinh thái độc đáo với thảm thực thực vật và động vật phong phú. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000. Những khu rừng cửa sông ven biển giữ vai trò quan trọng cho môi trường của con người, giảm thiểu những tác hại từ biển vào đất liền và điều hòa lượng nước từ thượng nguồn đổ về, là những bảo tàng tự nhiên giữ gìn các loài đặc trưng tự nhiên vùng hạ lưu cận biển.

Sông vẫn chảy mang trong mình phù sa cho vùng châu thổ dưới thấp dù có những tác động tích cực và tiêu cực từ con người ở nhiều góc cạnh. Tài nguyên của sông Đồng Nai vẫn được khai thác để phục vụ cho cuộc sống của lượng cư dân ngày càng tăng lên nhiều ở các địa phương: nước, cát, hải sản, điện năng…

Thế nhưng, sông cũng đã oằn mình gánh lấy nhiều hậu quả nặng nề mà con người đã tạo ra để rồi tác động ngược lại chính đời sống của họ. Nếu sông bị bức tử thì con người cũng ảnh hưởng đến nguồn sống của mình… Và, con người đã kêu cứu cho sông trước những hiểm họa từ các dự án thủy điện ở thượng nguồn, trước những nguồn chất thải độc hại xả vào dòng nước ngọt mát một cách vô tội vạ… Sông Thị Vải một thời bị ô nhiễm nặng nề là minh chứng cho sự vô trách nhiệm của con người với dòng chảy của song Đồng Nai.

Sông Đồng Nai vẫn chảy, xuyên qua bao địa hình, xuyên qua cả thời gian với những dấu tích còn mất trải nhiều giai đoạn, thời đại. Một nguồn huyết mạch quan trọng không chỉ của xứ Đồng Nai mà rộng hơn là Đông Nam bộ, Nam bộ, gắn với những sự kiện lịch sử, quá trình sinh tụ của nhiều tộc người tại chỗ và từ nơi khác đến. Sông Đồng Nai là chứng tích của tự nhiên và cả lịch sử - văn hóa như một nhà biên kịch đã viết, đó là: Dòng sông lịch sử. Dòng sông vẫn ẩn chứa những điều thú vị.

Tôi chưa đi xuyên suốt theo dòng chảy của sông nhưng đã đến với từng khúc sông, những chi lưu, rạch bến, làng xóm… ven đôi bờ của sông. Nơi dòng sông này, đã gắn với tôi từ tuổi trưởng thành chứ không là nơi “chôn nhau cắt rốn”, tôi mong ước, cứ chảy đi sông ơi - dòng Đồng Nai mến yêu...

Những lưu vực của sông Đồng Nai đã có nhiều biến chuyển với thời gian, cùng với sự sinh tụ của nhiều lớp cư dân trải qua các thời kỳ… Dấu tích xưa còn lại ít ven sông, đi vào trong những câu ca gắn với từng địa điểm: “Nhà Bè nước chảy phân đôi. Ai về Gia Định, ai hồi Đồng Nai…”, “Đồng Nai gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”, “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”…

Ghi chép của Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều