Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ: Sở hữu trí tuệ là tấm "giấy thông hành" ra thế giới

11:12, 10/12/2021

Sở hữu trí tuệ (SHTT) rất quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, DN công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, để thành công và có sức cạnh tranh, xác lập và thực thi quyền SHTT đối với sản phẩm của mình là điều bắt buộc đối với các DN.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ (SHTT) rất quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, DN công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, để thành công và có sức cạnh tranh, xác lập và thực thi quyền SHTT đối với sản phẩm của mình là điều bắt buộc đối với các DN.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục SHTT (Bộ KH-CN) đã có những thông tin đến cộng đồng DN.

Để hội nhập, DN phải đặc biệt quan tâm SHTT

* Theo ông, sự quan tâm đến xác lập quyền SHTT của DN Việt, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp  đang ở mức độ nào?

- Các DN, nhất là với DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần thiết lập quyền SHTT nhằm tránh xâm phạm quyền SHTT giữa các DN. Trên thực tế, nhiều DN vẫn chưa quan tâm đúng mức vấn đề này. Trong sản xuất, chế tạo, DN có thể vô tình mắc lỗi chọn tên gọi (nhãn hiệu) trùng với đơn vị khác, hoặc có thể sản xuất ra những sản phẩm mà công nghệ, kỹ thuật đã có trên thị trường hay lại thuộc về quyền sở hữu của người khác… Do vậy, DN cần phải nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với việc phát triển kinh doanh và phạm vi bảo hộ quyền SHTT của mình. Xác lập bảo hộ SHTT chính là nền tảng để các DN khởi nghiệp có thể phát triển bền vững, kêu gọi được vốn đầu tư từ xã hội.

* Việt Nam đang hội nhập kinh tế mạnh mẽ với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, để tiến ra thế giới, cạnh tranh cùng DN nước ngoài, DN Việt phải làm gì trong thực thi quyền SHTT?

- Hội nhập kinh tế nghĩa là chúng ta tham gia vào sân chơi chung sòng phẳng với các quốc gia. Hiện Việt Nam đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới, trong đó vấn đề bảo đảm quyền SHTT được coi là trụ cột rất quan trọng tại nhiều điều khoản. DN và những nhà sáng tạo, phát triển những tài sản trí tuệ của mình được bảo vệ dựa trên quyền SHTT. Các hiệp định cũng yêu cầu siết chặt thực thi quyền SHTT thông qua các chế tài xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự…

Doanh nghiệp cần quan tâm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình trước khi xuất xưởng. Ảnh: V.GIA
Doanh nghiệp cần quan tâm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình trước khi xuất xưởng. Ảnh: V.GIA

Trong bối cảnh như vậy, DN cần nắm rõ các quy định pháp luật, các điều ước quốc tế, các quy định mới về SHTT trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Qua đó tận dụng các lợi thế từ các cơ chế chính sách, để biến thành nguồn lực của DN. Tranh thủ các kênh khác nhau để có đầy đủ thông tin về FTA, cũng như thông tin về thị trường quốc tế. Một lưu ý là DN khi có sáng chế phải đăng ký bảo hộ để tránh những rủi ro, cũng như khi có hành vi xâm phạm thì có thể xử lý ngay.

* Không chỉ DN mà nhìn rộng ra, để hội nhập, Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đối với những quy định pháp luật về SHTT, có những điểm chú ý nào, thưa ông?

- Khi chúng ta cam kết gia nhập các điều ước quốc tế hoặc tham gia đàm phán, ký kết, phải nội luật hóa các điều ước quốc tế đó vào trong quy định của pháp luật Việt Nam, đương nhiên phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp Việt Nam. Các quy định nội luật hóa đó phải giống với các quy định của Luật SHTT của các FTA. Chúng ta phải chấp hành và tuân thủ theo nguyên tắc luật quốc gia phải tuân thủ theo các điều ước quốc tế. Muốn cụ thể hóa thì chúng ta phải ban hành, sửa đổi, bổ sung luật, xây dựng nghị định, thông tư của hệ thống văn bản, pháp luật.

Luật SHTT cũng đang được sửa đổi vừa đáp ứng với yêu cầu của thông lệ quốc tế, vừa là để phù hợp với nhu cầu phát triển của chính đất nước. Các vấn đề liên quan đến SHTT phải được quản lý một cách phù hợp, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.

Luôn chủ động để đón nhận cái mới

* Chúng ta đã và đang sống trong thời điểm kinh tế -  xã hội bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đối với các DN, sau quãng thời gian khó khăn vì bị đứt gãy sản xuất, cần phải làm gì để hồi sinh?

- DN phải nắm rõ tình hình thực tế của thị trường để từ đó lựa chọn đường hướng phát triển. Dựa vào nhu cầu xã hội mà xoay xở, thích ứng trong ngắn hạn như việc có những DN sáng tạo ra các sản phẩm mới để phục vụ cho tình hình dịch bệnh như chế tạo ra bộ kit thử nghiệm, robot phục vụ trong y tế hay đẩy mạnh sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu của người dân. Dịch bệnh đã tạo ra khó khăn nhưng cũng là cơ hội để sự sáng tạo được lên ngôi. Đối với các DN công nghệ, để sáng tạo một cách khoa học thì cần phải khai thác tri thức sẵn có, tận dụng những cái mà thế giới đã có và tránh nghiên cứu trùng lặp.

Về lâu dài, để chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải liên tục đổi mới sáng tạo, liên tục phát triển. Bên cạnh quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu là phát triển nguồn nhân lực và tăng cường các hoạt động hợp tác. Song song đó có những biện pháp an toàn, an ninh, bảo mật, bảo vệ. Trong môi trường số có nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật được áp dụng sẽ có các thách thức, trong đó, hành vi sao chép cũng nhanh hơn, tinh vi hơn và dễ làm giả nên việc bảo vệ quyền SHTT là thách thức của quốc gia, DN.

* Như vậy, có quyền SHTT là nắm trong tay sức mạnh cạnh tranh?

- Quyền SHTT sẽ trở thành công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của công nghệ, của sản phẩm, dịch vụ đối với các chủ thể khiến mọi tổ chức, DN buộc phải tìm cách tạo ra, hiểu rõ, nắm giữ và sở hữu tài sản trí tuệ để phát triển bền vững. Về phía cơ quan nhà nước, cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, đặc biệt trên môi trường internet; thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở quy mô khu vực và toàn cầu. Đối với DN, các tổ chức, cá nhân cần nhận diện đầy đủ các tài sản trí tuệ và quan tâm đến quyền SHTT càng sớm càng tốt, ngay từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng.

* Để thành công, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần quan tâm đến các yếu tố nào, thưa ông?

- Có 4 yếu tố về công nghệ mà DN khởi nghiệp ĐMST cần quan tâm đó là: thông tin, nhân lực, tổ chức và kỹ thuật. Việc khởi nghiệp ĐMST phải dựa trên khai thác trí tuệ mới, mô hình kinh doanh mới. Muốn sáng tạo, bắt buộc cần phải đổi mới từ các ý tưởng, sự sáng tạo, tạo ra và ứng dụng tất cả những thành tựu, giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp quản lý tác nghiệp… để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra các giá trị cho cuộc sống, tạo ra những sản phẩm hàng hóa mới có sức cạnh tranh cao.

Ngày nay, công nghệ sẽ luôn thay đổi, thậm chí có thể thay đổi theo ngày. Vì vậy, cần phải có các chiến lược về tài sản trí tuệ, công nghệ và sáng chế một cách phù hợp để có thể thay đổi liên tục, hằng ngày thì start-up mới có thể tồn tại và phát triển được. Đồng thời, DN cũng cần nắm trong tay pháp lý về quyền SHTT như: thị trường, thông tin, thương mại, kiến thức, kỹ năng… từ đó mới có thể phát triển nhanh, đột phá.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ông Trần Giang Khuê là thành viên tích cực của Hội Sáng chế Việt Nam, đi đầu trong các hoạt động hình thành và phát triển văn hóa SHTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường đại học, DN và cộng đồng xã hội.

Ông có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực SHTT, thương hiệu và đổi mới sáng tạo. Ông cũng tham gia nhiều hoạt động đào tạo, huấn luyện, kết nối mạng lưới nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, sáng chế giữa các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu với DN; gắn quyền SHTT với các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Văn Gia (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều