Báo Đồng Nai điện tử
En

190 năm trước, trên sông Đồng Nai có một cuộc đua thuyền...

05:01, 22/01/2022

Xuân  về, Tết  đến thường có lễ hội, vui chơi. Nhằm vào tiết Xuân này, 190 năm trước, dưới  triều  vua  Minh Mạng, trên sông Đồng Nai có một cuộc đua thuyền và đã trở thành truyền thống.

Xuân  về, Tết  đến thường có lễ hội, vui chơi. Nhằm vào tiết Xuân này, 190 năm trước, dưới  triều  vua  Minh Mạng, trên sông Đồng Nai có một cuộc đua thuyền và đã trở thành truyền thống.

Môi trường sông nước - một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam Trong ảnh: Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh
Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Đặc trưng sông nước ở Biên Hòa - Đồng Nai thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi dưới nước quanh năm. Rất tiếc là lợi thế này không được khai thác phục vụ dân sinh và mang lại lợi ích kinh tế bao nhiêu. Ngoài việc khai thác cảnh quan sông nước, trong đó dịch vụ ăn uống là chủ yếu, cơ sở nghỉ dưỡng cũng chưa nhiều. Các hoạt động dưới nước mang tính cộng đồng khá ít. Chỉ có tour tham quan Biên Hòa - cù lao Ba Xê - chùa Châu Đốc 3 (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhưng hoạt động cầm chừng.

Với lợi thế đoạn sông Đồng Nai chảy ngang qua Biên Hòa rất rộng - rộng nhất trong suốt chiều dài hơn 500km của dòng sông, từ thời vua Minh Mạng đã tổ chức một cuộc đua thuyền tại vị trí hiện nay là trước trụ sở UBND tỉnh - Nhà mát - đình Tân Lân và đến cầu Hóa An.

Bao giờ cũng vậy, trước khi được đơn vị quản lý hành chính tổ chức một cuộc thi chính thức thì đã có phong trào tự phát, nhất là với môn thể thao mang tính quần chúng, gắn liền với sản xuất nông nghiệp và cần sự tham gia cộng đồng như môn đua thuyền.

Dưới triều vua Minh Mạng, vào năm thứ 13 của triều đại này, năm Nhâm Thìn 1832, tại kinh thành Huế có lễ xuất quân. Là một tỉnh lớn trong cả nước nên Biên Hòa có hoạt động hưởng ứng, cũng là dịp vui chơi, cầu cho quốc thái dân an. Bố chánh sứ lúc bấy giờ là Tuần phủ Võ Quýnh tổ chức cuộc đua thuyền, các địa danh lúc đó là ngang qua thôn Bàng Lân và Bình Trước ở tả ngạn và chợ lò Bình Long ở hữu ngạn, tương ứng từ vị trí từ P.Hiệp Hòa, trụ sở của Sở GD-ĐT qua cầu Hóa An hiện nay. Tất nhiên, lúc đó chưa có cầu Hóa An.

Triều đình ban danh dự cho Tổng đốc An Biên, hàm Thượng thư chánh nhị phẩm (ngang với Thượng thư) chủ tọa lễ đua thuyền.

Có 40 ghe thuyền tham dự cuộc đua đến từ các địa phương, phiên hiệu đội đua là địa danh các địa phương lúc đó tham dự như: Phước Chánh, Bình An, Nghĩa An, Phước An, Long Thành. Ngày nay, tương ứng với các địa phương: Bình Dương, Thủ Đức (TP.HCM) và Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai. 40 thuyền đua, mỗi thuyền có 23 người, 2 người gọi là phách nhất, phách nhì, 10 người trung phong, 10 người đốc hậu và 1 người xà bát. Nói theo ngôn ngày nay là có đến 920 vận động viên tham dự cuộc đua.

Khán giả tham dự dĩ nhiên là rất đông vì đây là thời kỳ thịnh trị triều vua Minh Mạng. Cự ly cuộc đua từ Đại Phố Châu đến thôn Bình Hoành và Cồn Gáo (nay đã biến mất do thiên nhiên và khai thác) và quay vòng trở lại; cự ly chừng 3km. Các đội phải thi 3 vòng đua và tài liệu còn lưu lại ghi nhận là thuyền Ba Voi của Phước An về nhất, thuyền Ngô Châu của Tân Triều về nhì và Kinh Châu về hạng ba. Giải toàn đội thuộc về Phước An.

Phát huy truyền thống, khai thác lợi thế sông nước, Đồng Nai tổ chức giải đua thuyền truyền thống hằng năm vào mùng 4 Tết từ khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ XX trở đi. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, giải đua thuyền tạm thời gián đoạn. Theo ông Bùi Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh, nếu tình hình cho phép, Tết Nhâm Dần 2022 sẽ tổ chức cuộc đua.

Đua thuyền trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa là lễ hội từ năm 1832, đến nay tròn 190 năm. Sông Đồng Nai vẫn còn đó, một báu vật thiên nhiên, mong có nhiều hoạt động bổ ích như đua thuyền.

Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều