Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp nhặt trước mùa Xuân

05:01, 22/01/2022

Lâu lắm bạn mới rủ đi cà phê tối. Ừ, thì đi. Tôi nói và dắt xe ra khỏi nhà. Cảm giác choáng ngợp ùa đến. Khung cảnh thân quen có chút gì đó khác lạ. À hiểu rồi. Bóng tối ảo diệu đã khoác lên thành phố một vẻ mơ màng, quyến rũ.

1. Lâu lắm bạn mới rủ đi cà phê tối. Ừ, thì đi. Tôi nói và dắt xe ra khỏi nhà. Cảm giác choáng ngợp ùa đến. Khung cảnh thân quen có chút gì đó khác lạ. À hiểu rồi. Bóng tối ảo diệu đã khoác lên thành phố một vẻ mơ màng, quyến rũ. Đoạn đường thi công dở với những cống rãnh xấu xí mờ đi. Những con đường nhỏ trở nên diễm lệ bởi được trang trí bằng hoa lá, đèn điện đủ sắc màu. Khu phố sầm uất nhất Biên Hòa huy hoàng với muôn vàn ánh đèn nhấp nháy như sao sa. Hoa tươi, hoa khô, trái cây, bánh mứt đã rộn rịp sắc Xuân trên kệ hàng trước cửa các ngôi nhà. Không khí Tết tràn ra từ mọi ngóc ngách và mùi hương Tết đã dậy lên trong không gian…

Chúng tôi ngồi bên hiên một khách sạn dưới bóng cây cổ thụ tuyệt đẹp, nhâm nhi tách cà phê nóng, chuyện trò và ngắm vầng trăng vàng óng lấp ló qua cành lá, cảm giác thật thanh bình. Khó tưởng tượng mới cách đây chưa lâu, Biên Hòa còn đìu hiu trong lệnh giãn cách, phong tỏa. Tiếng còi xe cấp cứu muốn xé rách tai, cuộc sống ngưng đọng sau những bức tường. Ngoài đường chỉ có lực lượng tuyến đầu hối hả giành giật sự sống của người bệnh. Những cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an nhân dân, thanh niên xung phong… tất bật mang nhu yếu phẩm, lương thực, thiết bị y tế… hỗ trợ người dân duy trì sự sống. Hai năm liền, đại dịch Covid-19 tung hoành. Kinh tế suy vi. Các hoạt động vui chơi giải trí tê liệt. Vết thương trong tâm hồn những người có thân nhân tử vong vì Covid-19 tấy đỏ. Hàng triệu người mất việc làm, quay cuồng vì nỗi lo cơm áo. Nhưng lúc này, cửa hàng cửa hiệu, trường học, hàng quán, siêu thị, chợ... như vừa được tiếp thêm nguồn năng lượng. Cuộc sống “bình thường mới” đang hồi sinh. Chiếc khẩu trang nhỏ bé giờ đã thành món “phụ kiện” của mọi người…

Cảm nhận làn gió xuân hôi hổi, tôi muốn hét thật to, chúng ta vẫn khỏe mạnh, chúng ta đã đẩy lùi Covid-19. Thật may mắn biết bao. Cảm ơn cuộc đời. Cảm ơn tất cả những ai đã đổ mồ hôi, xương máu, đánh đổi cả sinh mạng cho hàng triệu người được sống…

2. Em gái nhắn tin, A.T. tuần sau sẽ tham gia tuyến đầu chống dịch. Sẽ ăn, ở trong bệnh viện dã chiến, Tết cũng không về nhà. Hiện lên trong tôi hình ảnh cô cháu gái ngày nào vào Biên Hòa chơi, mải mê chụp hình ở Văn miếu Trấn Biên, Bửu Long, Nhã Viên quán… Nhiều năm rồi, A.T. đã lập gia đình, đã là mẹ của hai bé gái kháu khỉnh. Em gái nói, A.T. cùng tổ dược tham gia chống dịch, cấp thuốc cho bệnh nhân Covid-19. Từ khi sinh ra, cô chưa biết thế nào là thiếu thốn, vất vả, chưa rời xa vòng tay cha mẹ quá hai tuần. Đây là cơ hội tốt để cô trải nghiệm cuộc sống căng thẳng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thường trực và không gian gò bó trong bệnh viện dã chiến. Thử thách này là cần thiết giúp cô trưởng thành. Cha mẹ A.T. biết vậy, nhưng vẫn nửa mừng, nửa lo. Cô, dì, chú, bác thi nhau nhắn tin chia sẻ, động viên. Qua màn hình nhỏ xíu, người mẹ trẻ cười rất tươi: “Cả nhà yên tâm đi, con nhất định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ là hơi… nhớ hai bé thôi”. Nhìn A.T. trong bộ đồ kín mít giơ hai ngón tay hình chữ V, tôi tự nhủ, cuối cùng nhà mình cũng có được một người tham gia tuyến đầu…

3. Sáng nay, một hội viên nữ của Hội Văn học nghệ thuật là công nhân may tạt qua Hội nhận báo mới. Cô chỉ ngồi chơi mươi phút rồi đi ngay. Năm nay cô ăn Tết ở phòng trọ vì không muốn mang nguy cơ nhiễm Covid-19 về quê cho gia đình. Cô giải thích vanh vách chế độ chính sách công ty dành cho người lao động, vẻ tự tin và hài lòng. Điều quan trọng là Covid-19 không làm cô từ bỏ đam mê. Cô vẫn làm thơ, viết văn, cảm nhận niềm vui bé nhỏ được góp mặt trên những trang báo Xuân nhiều màu. Nhìn cô, lòng tôi dấy lên niềm cảm phục. Hàng triệu công nhân và người lao động như cô vẫn bền bỉ bám nhà máy, xí nghiệp, làm ra sản phẩm. Họ giúp cho sản xuất không bị đứt gãy, hàng hóa vẫn dồi dào trong các siêu thị, nuôi sống hàng chục triệu người. Trên 63 ngàn tỷ đồng tỉnh thu về là một con số ý nghĩa. Nó là mồ hôi, là máu, là những đêm trắng của bao nhiêu người. Covid-19 như phép thử, giúp ta nhận những giá trị lớn trong những sự việc ngỡ rất bình thường…

Tôi đến thăm người nhạc sĩ già vừa qua cơn bạo bệnh. Tóc ông đã bạc trắng, những vết đồi mồi trên mặt, trên tay chân sạm đen. Đi chưa vững, ông vẫn khoe sáng tác còn nóng hổi, bài hát chống Covid-19. Cây dương cầm dưới những ngón tay già nua của ông lại vang lên những hợp âm. Người bạn đời của ông mắt đã mờ, ngồi nghe đàn, gương mặt xúc động, chan chứa tình thương yêu. Một ngày tôi có hai niềm vui: được một nhà văn lớn tuổi và một bạn văn trẻ tặng sách…

Lại nhớ vài tháng trước tôi được mời dự tổng kết, trao giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất Phương Nam do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Người giành “vòng nguyệt quế” trong số mấy trăm bài thơ dự thi là một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Một người đàn ông bé nhỏ, khiêm nhường. Thơ của anh chạm đến trái tim mọi người bởi quá giàu xúc cảm. Nó được viết ra từ nỗi đau chứng kiến các nạn nhân của Covid-19, cả người bạn thân thiết cũng không qua khỏi khi đang cấp cứu người bệnh. Bác sĩ và rất nhiều đồng nghiệp của anh giữa sự bủa vây của dịch bệnh vẫn không ngừng làm việc, không ngừng cống hiến cho cộng đồng. Lúc bình thường họ lẫn vào đám đông, nhưng khi cần đến đức hy sinh, lòng nhân ái, họ bước lên phía trước...

 Những việc, những người tốt đẹp xung quanh khiến tôi tự hào về đất nước - con người Đồng Nai, thấy cuộc đời thật đáng sống…

Năm 2021 qua đi với những dấu ấn không thể nào quên. Tôi và bạn, chúng ta cùng tin, Xuân mới sẽ đem may mắn đến với mọi người, mọi nhà…

Tản văn của Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều