Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu sâu sắc hơn về quan điểm "thương cho roi cho vọt"

07:01, 15/01/2022

Vừa qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước xảy ra các vụ bạo hành trẻ em đến tử vong. Một trong những nguyên nhân của các vụ việc này là do người thân lấy cớ "Thương cho roi cho vọt" để dạy dỗ trẻ, còn người ngoài thì không dám can thiệp.

Vừa qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước xảy ra các vụ bạo hành trẻ em đến tử vong. Một trong những nguyên nhân của các vụ việc này là do người thân lấy cớ “Thương cho roi cho vọt” để dạy dỗ trẻ, còn người ngoài thì không dám can thiệp.

Cha mẹ luôn gần gũi, chia sẻ cùng con cái, sẽ giúp con hạn chế những sai lầm. Ảnh minh họa: Phương Liễu
Cha mẹ luôn gần gũi, chia sẻ cùng con cái, sẽ giúp con hạn chế những sai lầm. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Nhiều ý kiến cho rằng, cần hiểu sâu sắc hơn về quan điểm “Thương cho roi cho vọt”, chứ không chỉ nghĩ theo lẽ thông thường là phải “đánh” thì con mới... nên người. Có như vậy mới hạn chế được những vụ việc bạo hành trẻ em tiếc và đau lòng đã xảy ra.

TS Giáo dục học, Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh NGUYỄN THỊ THU LAN:

Đòn roi chỉ khiến con trẻ trở nên sợ hãi và vô cảm

Theo tôi, cần hiểu đúng về quan niệm “Thương cho roi cho vọt”. Đánh hay không đánh khi con trẻ phạm lỗi là cách giáo dục mỗi gia đình. Song, cần hiểu sâu hơn, từ “roi vọt” ở đây chỉ sự nghiêm khắc, là thái độ không thỏa hiệp với cái sai của con.

“Roi vọt” được xem như hình thức “phạt” nhưng trên hết phải xuất phát từ một lý do chính đáng, cha mẹ không nên “đánh” cho sướng tay, đánh trút giận, bạo lực... Bởi, nếu bị đòn roi thường xuyên, trẻ sẽ trở nên sợ hãi và vô cảm, đôi khi còn phản tác dụng khi chưa chắc những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đau sẽ ngoan hơn.

Do đó, khi con cái phạm lỗi, cha mẹ nên phân tích, giảng giải để chỉ cho con thấy và hiểu được cái sai của mình lần sau mà tránh. Nhưng tất cả phải xuất phát từ tình thương và sự vun đắp để con nên người.

TS tâm lý LÊ MINH CÔNG, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM:

Nên phát huy thế mạnh của trẻ

Dùng roi vọt với con là không còn phù hợp. Theo tôi, trong giáo dục con, “roi vọt” chỉ được xem là ranh giới chỉ để giúp con hiểu được, nếu vượt qua đó sẽ không hay, không tốt. Thực tế, đa phần không ai được học cách làm cha mẹ, phần lớn chỉ ứng xử theo kinh nghiệm. Do đó, khi đứng trước tình huống căng thẳng, nếu ngày trước cha mẹ thường bị roi vọt, bị bạo hành thì nay cũng có xu hướng xử trí với con như thế và ngược lại. Nhiều gia đình, khi con không được như mong muốn, cha mẹ lại trút cảm xúc tiêu cực của mình lên con.

Trong giáo dục con, phương pháp tốt nhất là chấp nhận chính con người của trẻ và biết cách phát huy thế mạnh của con. Cha mẹ cần tôn trọng con, cho trẻ sống cuộc đời, nhân cách, năng lực của chính con. Khi con phạm lỗi, cha mẹ nên thảo luận với con, phân tích, hướng dẫn cho con hiểu: nếu con vượt quá ranh giới, vi phạm quy định đã đặt ra thì phải chịu một thứ kỷ luật nào đó, nhưng nên là kỷ luật tích cực, chứ không phải dùng đòn roi để gây tổn thương trẻ.

Cô NGUYỄN THỊ SÂM, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa):

Tìm hiểu nguyên nhân, hướng giải quyết thay vì trách mắng

Nhiều năm làm trong ngành Giáo dục, tôi thấy rằng, phụ huynh cần tham gia cùng nhà trường để giáo dục con em mình, nhất là học sinh ở độ tuổi tiểu học và THCS.

Nhiều phụ huynh mải làm ăn nên không quan tâm con mình, khi trẻ hư hỏng, học kém, thay vì tự hỏi: mình đã làm hết trách nhiệm chưa, đã thực sự quan tâm đến con chưa... thì lại quay ra đánh mắng con khiến trẻ bị tổn thương, học hành vì thế mà sa sút, tinh thần hoảng loạn.

Tôi đồng ý, trẻ phạm lỗi hay vi phạm kỷ luật nhà trường cần có hình thức xử lý. Tuy nhiên, xử lý thế nào lại là vấn đề của cả giáo viên lẫn phụ huynh. Hiện tại, trong trường học đang thực hiện giải pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Cách giáo dục này cần được áp dụng trong các gia đình. Đó tuy là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh, kỷ luật nhưng không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh, mà thay vào đó là sự động viên, khích lệ các em thực hiện hành vi chuẩn mực, xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng và tính trách nhiệm, giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách.

Anh LÊ ĐỨC TRÍ (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa):

Tránh dạy dỗ con lúc nóng giận

Tôi có 3 con trai ở độ tuổi từ 7-15 nên các cháu rất hiếu động. Con tôi ham chơi hơn ham học, đặc biệt là mê game. Tôi cho các con thời gian học, chơi và phụ giúp việc nhà. Khi các con mải chơi, không hoàn thành việc học, việc nhà, tôi vẫn la rầy con nhưng thực hiện kèm theo biện pháp khác như: “tước quyền” chơi game trong 1 tuần, bị “cấm túc” không cho đi chơi, đá bóng với bạn, phải “lao động công ích” trong nhà như: chà nhà vệ sinh, dọn rác... Đặc biệt, tôi tránh việc dạy dỗ con lúc bản thân nóng giận. Thường lúc đó tôi sẽ bỏ ra ngoài, sau khi nguôi ngoai mới về nói chuyện thấu đáo với con. Tôi nghĩ khi con phạm lỗi cần làm thế nào để con vừa nhận ra lỗi lầm, đồng thời bản thân mình cần quan tâm, chú ý tới con nhiều hơn để giúp con sửa sai và không tái phạm.

Theo Bộ Công an, năm 2020 có gần 2 ngàn vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. Còn thông tin từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, mỗi tháng tổng đài tiếp nhận khoảng 30 ngàn cuộc gọi. Riêng năm 2021, nghỉ dịch, trẻ ở nhà với người thân nhiều hơn, số cuộc gọi tăng lên tới 40-50 ngàn cuộc mỗi tháng. Trong đó, hơn có đến 60% số cuộc gọi là từ trẻ em dưới 15 tuổi.

Phương Liễu (ghi)

Tin xem nhiều