Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguồn cung thực phẩm sau Tết vẫn dồi dào

09:02, 11/02/2022

Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường thực phẩm trong và sau Tết Nhâm Dần 2022 có nguồn cung dồi dào, mua bán thuận lợi.

Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường thực phẩm trong và sau Tết Nhâm Dần 2022 có nguồn cung dồi dào, mua bán thuận lợi.

Mua hàng hóa ở kênh phân phối hiện đại là ưu tiên của nhiều người tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua thịt tại siêu thị BigC. Ảnh: B.Mai
Mua hàng hóa ở kênh phân phối hiện đại là ưu tiên của nhiều người tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua thịt tại siêu thị BigC. Ảnh: B.Mai

Bên cạnh các chợ truyền thống còn có các siêu thị, kênh phân phối tiện lợi và hệ thống cửa hàng bán lẻ, điểm bán hàng bình ổn giá. 

* Nguồn cung lớn, tiêu thụ chậm

Chị Hoa, chủ sạp thịt E6 chợ Biên Hòa cho biết, phần lớn các sạp thịt trong chợ đã bán lại nhưng sức mua chưa cao. Trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 50kg thịt heo các loại, bằng 1/2 so với thời điểm giữa tháng Chạp.

“Chúng tôi bán thịt có nguồn gốc rõ ràng, bày bán hợp vệ sinh, được kiểm soát giá cả nên người tiêu dùng yên tâm. Trường hợp bán thịt không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bán cao hơn giá niêm yết, người tiêu dùng có thể nhắn tin, gọi điện phản ảnh đến Ban Quản lý chợ” - chị Hoa nói.

Theo Sở Công thương, thời gian trước, trong và sau Tết, trên địa bàn Đồng Nai chưa phát hiện trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá và đưa tin thất thiệt. Hàng hóa phong phú, đa dạng, hầu hết các mặt hàng có giá tương đối ổn định, một số mặt hàng tiêu dùng tăng cận Tết nhưng không đáng kể.

Hiện các siêu thị lớn, 148 chợ truyền thống, 209 cửa hàng tiện ích và hơn 60 ngàn cửa hàng tạp hóa đã hoạt động trở lại với đầy đủ các mặt hàng: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng thiết yếu. Giá cập nhật ngày 9-2 (mùng 9 Tết): bông cải trắng, củ cải 9 ngàn đồng/kg; bầu, bí, cà chua, bắp cải 15 ngàn đồng/kg; cá lóc, diêu hồng 65-75 ngàn đồng/kg; giò lụa 100 ngàn đồng/kg, thịt heo dao động từ 80-140 ngàn đồng/kg; thịt bò, tôm, mực tươi hơn 200 ngàn đồng/kg.

Chị Trương Thị Như, tiểu thương bán rau xanh ở chợ Biên Hòa cho biết, tâm lý của người tiêu dùng đi chợ sau Tết là không sợ khan hiếm hàng hóa mà lo tăng giá. Tuy nhiên, từ mùng 5 Tết đến nay nguồn cung các loại rau rất ổn định, sức mua giảm nên nhiều loại giảm giá so với trước Tết, chẳng hạn: bầu bí, cà chua, khổ qua… Thời điểm trước và sau Tết, Ban Quản lý chợ Biên Hòa thường xuyên đi kiểm tra giá cả các loại hàng hóa, tiểu thương ý thức duy trì giá bán để giữ chân khách hàng.

Tại chợ Long Bình Tân (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) sáng 7-2, một số quầy/sạp vẫn đóng cửa nhưng mặt hàng vẫn tương đối dồi dào. Bà Thái, chủ sạp thủy hải sản cho biết, sau Tết nguồn cung thủy sản dồi dào, giá cả ổn định; các loại mực, bạch tuộc, tôm tươi tăng giá so với trước Tết do nhu cầu tăng hơn so với các loại thực phẩm khác nhưng ngư dân chưa đánh bắt, nhiều lái buôn chưa hoạt động lại.

Ghi nhận tại một số “chợ cóc”, cửa hàng bán lẻ hiện đại nguồn thực phẩm đã tăng nhiều so với 1-2 ngày đầu mở bán. Một số nơi thực hiện giảm giá 20-50% các mặt hàng tươi sống để kích cầu. Riêng dịch vụ ăn uống vẫn duy trì mức giá tăng khoảng 10-30%.

Theo chia sẻ của các tiểu thương, thị trường thực phẩm sau Tết năm nay ổn định vì các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại đóng cửa muộn nhưng mở cửa phục vụ khá sớm. Người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, ưu tiên mua hàng ở các kênh phân phối hiện đại vì có niêm yết giá bán, có nguồn gốc rõ ràng, ít xảy ra tình trạng hết hàng.

* Tín hiệu tích cực

Có mặt tại chợ Biên Hòa sáng mùng 7 Tết, ông Lê Thái Thiện, P.Hòa Bình cho biết, giá cả thực phẩm những ngày đầu năm mới ở mức chấp nhận được, không có tình trạng “ăn rau đắt hơn ăn thịt” như một số năm trước. Ông Thiện hy vọng, dịp rằm tháng Giêng, giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng, nếu giảm được càng tốt để người dân yên tâm khi đi chợ.

Người dân mua thực phẩm ở chợ Biên Hòa mùng 7 Tết
Người dân mua thực phẩm ở chợ Biên Hòa mùng 7 Tết

Chị Lê Thị Nhung (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây, mỗi dịp Tết chị đều chuẩn bị rất nhiều thực phẩm vì sợ thiếu đồ ăn, sợ tăng giá. Tuy nhiên, năm nay chị chỉ mua đủ lượng thực phẩm dùng trong vài ngày. “Năm nay tôi chuyển sang cúng đồ chay nên không trữ nhiều thực phẩm. Thêm vào đó, “chợ cóc”, cửa hàng tiện lợi đóng cửa muộn và mở bán lại sớm nên không phải trữ. Năm nay, tôi tiết kiệm khoảng một nửa tiền mua sắm Tết” - chị Nhung cho hay.

Theo Sở Công thương, do nguồn cung dồi dào và ổn định, sức mua không tăng nhiều như các năm nên thị trường thực phẩm trước, trong và sau Tết không có biến động bất thường. Kết quả này có được một phần là thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi tích cực, không còn tâm lý mua hàng tích trữ. Các doanh nghiệp, tiểu thương nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng nên cân đối số lượng hàng hóa nhập vào, bán ra trong và sau Tết Nguyên đán.

Người dân mua thực phẩm ở chợ Biên Hòa mùng 7 Tết
Người dân mua thực phẩm ở chợ Biên Hòa mùng 7 Tết

Bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc bình ổn thị trường thông qua hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị trữ hàng, mở các điểm bán bình ổn phục vụ người dân. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn cung hàng hóa và kiên quyết xử lý tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến và vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Sau Tết, các chợ, điểm bán hàng và cả các đơn vị sản xuất, cung ứng, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá, thực hiện chương trình khuyến mãi, điều chỉnh giảm giá bán. Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để có những điều chỉnh kịp thời.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích