Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực giảm căng thẳng, áp lực cho bác sĩ, nhân viên y tế

10:02, 25/02/2022

Bác sĩ, nhân viên y tế (NVYT) vốn dĩ thường xuyên đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực từ công việc. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát như thời gian qua, căng thẳng, áp lực tăng gấp nhiều lần. Làm gì để giảm căng thẳng, áp lực cho bác sĩ, NVYT là vấn đề đang được các cơ quan chức năng, cơ sở y tế và những người làm trong ngành Y đặc biệt quan tâm.

Bác sĩ, nhân viên y tế (NVYT) vốn dĩ thường xuyên đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực từ công việc. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát như thời gian qua, căng thẳng, áp lực tăng gấp nhiều lần. Làm gì để giảm căng thẳng, áp lực cho bác sĩ, NVYT là vấn đề đang được các cơ quan chức năng, cơ sở y tế và những người làm trong ngành Y đặc biệt quan tâm.

Mùa dịch, làm việc căng thẳng trong môi trường dễ lây nhiễm, nhưng nhiều nhân viên y tế vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động vui chơi cho bệnh nhi bị nhiễm Covid-19 để động viên tinh thần cho các em. Ảnh: Phương Liễu
Mùa dịch, làm việc căng thẳng trong môi trường dễ lây nhiễm, nhưng nhiều nhân viên y tế vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động vui chơi cho bệnh nhi bị nhiễm Covid-19 để động viên tinh thần cho các em. Ảnh: Phương Liễu

Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ:

Không ngừng nỗ lực cải thiện đời sống của bác sĩ, NVYT

Nhân viên ngành Y vốn dĩ luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả, căng thẳng trong công việc. Với dịch Covid-19, lịch sử ngành Y chưa bao giờ có thời gian chống dịch kéo dài đến vậy. Song, chúng tôi rất tự hào khi vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Nhiều y bác sĩ, điều dưỡng đã gác lại công việc riêng, nỗi lo riêng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch để chăm sóc, điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19.

Thời gian qua, ngành Y tế cùng các cơ sở y tế trong tỉnh luôn quan tâm đến việc cải thiện đời sống, thu nhập của bác sĩ, NVYT. Tuy nhiên, chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi ngành vẫn còn nhiều bất cập, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của bác sĩ, NVYT. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chế độ, phụ cấp, chế độ ưu đãi ngành, chính sách thu hút nhân lực để động viên cán bộ y tế, nhất là NVYT cơ sở hăng say, tích cực hơn trong công tác khám chữa bệnh cũng như phòng, chống dịch. Đặc biệt là sẽ có kiến nghị xem xét điều chỉnh mức lương của đội ngũ NVYT cho công bằng và xứng đáng với sức lao động và trí tuệ bỏ ra.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên:

Chú trọng cải thiện thu nhập NVYT

Làm trong ngành Y, ai cũng đối mặt với áp lực công việc. Thời điểm dịch bệnh bùng phát trong năm 2021 là khoảng thời gian không thể quên đối với cuộc đời y nghiệp của tôi. Nhất là thời gian làm việc tại bệnh viện dã chiến, vừa vất vả vì số ca bệnh tăng cao vừa không khỏi căng thẳng khi số bệnh nhân nặng và tử vong tăng cao. Hiện tại dịch bệnh đã được kiểm soát, vừa trở lại với công việc chuyên môn thường ngày, chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Để giữ chân các bác sĩ và ổn định đời sống NVYT, bù đắp những vất vả của họ trong phòng, chống dịch bệnh, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc, trong thời gian qua, bệnh viện đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, NVYT. Theo đó, bệnh viện chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật cao; triển khai khu khám bệnh dịch vụ... để vừa nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, vừa tạo điều kiện cho đội ngũ y tế có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Khi anh em không phải quá lo toan trong cuộc sống, sẽ bớt lo lắng, căng thẳng, tập trung tốt hơn cho chuyên môn, gắn bó với công việc.

BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:

Xử lý nghiêm những trường hợp tấn công NVYT

Khoa Cấp cứu là khoa chịu nhiều áp lực nhất trong bệnh viện, bởi đây là nơi tiếp nhận bệnh nhân sớm nhất, trong tình trạng nguy kịch nhất. Vì thế, các bác sĩ và NVYT ở khoa thường xuyên đối mặt với áp lực sinh - tử của bệnh nhân và người nhà. Nhiều y, bác sĩ và NVYT ở Khoa Cấp cứu bị người nhà bệnh nhân xúc phạm, gây áp lực và hành hung. Chúng tôi hiểu trong tình huống người nhà bị bệnh nặng, tính mạng bị đe dọa, người thân thường lo lắng, hoảng hốt, rối trí nên rất dễ bức xúc. Trong con mắt chuyên môn của mình, chúng tôi biết mình sẽ phải tập trung cứu bệnh nhân nào trước, bệnh nhân nào sau.

Tôi cho rằng, bệnh nhân và người nhà nên thông cảm, chia sẻ, tin tưởng đội ngũ bác sĩ, NVYT, đừng gây áp lực, căng thẳng thêm cho bác sĩ. Bởi không bác sĩ nào có thể tập trung làm tốt công việc của mình khi nắm đấm hay con dao kề cổ. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp tấn công, hành hung bác sĩ, NVYT, có như vậy mới đủ sức răn đe, tránh tái phạm.

BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất):

Tự vượt qua khó khăn, nâng cao tay nghề

Hơn 20 năm làm bác sĩ ở Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, tôi thấy áp lực thường đến từ công việc chuyên môn, mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân - thân nhân. Đặc biệt vào thời gian dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, bác sĩ và NVYT phải căng mình chống dịch, không chỉ hao mòn sức khỏe mà còn căng thẳng về tinh thần trước áp lực gia tăng số ca bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh.

Đã theo nghề Y, tôi nghĩ mỗi bác sĩ, NVYT cần có cách riêng để vượt qua, đối mặt với áp lực, căng thẳng của nghề nghiệp. Theo tôi, một trong những cách tốt nhất là không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao tay nghề; luôn tìm cách điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, thời gian rảnh tôi cũng dành thời gian nghe nhạc, sáng tác một số ca khúc về cuộc sống, tình yêu và chuyện nghề để xả stress và trải lòng mình hơn.

BS Vũ Thị Ngọc, Khoa Khám bệnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

Quan tâm hơn đến các cơ sở y tế đặc thù

Sau nhiều năm làm việc tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Đồng Nai, trực thuộc Sở Y tế), tôi thường xuyên gặp những bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có không ít bệnh nhân vì bất mãn thường có những hành xử thô bạo với NVYT. Hiện phần lớn bệnh nhân HIV/AIDS bị nhiễm lao, nếu không cẩn thận có thể bị phơi nhiễm lao hoặc HIV trong khi mình còn gia đình, người thân, bạn bè... Nhưng nếu ai cũng sợ, cũng né thì ai sẽ chữa bệnh và cứu những bệnh nhân này.

Để giải tỏa những áp lực, những căng thẳng trong công việc, chúng tôi luôn giữ sự hòa nhã, chân tình để xoa dịu tinh thần bệnh nhân. Đó cũng là cách để làm giảm căng thẳng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Không chỉ chịu áp lực từ bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ, NVYT trong khoa cũng gặp áp lực từ cuộc sống do thu nhập cũng như những chính sách ưu đãi ngành cho NVYT ở các cơ sở y tế đặc thù vẫn còn thấp. Mong rằng, trong năm 2022, chế độ ưu đãi ngành sẽ được thông qua từ 40-100% để động viên tinh thần đội ngũ NVYT.

Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Phổi Đồng Nai Hoàng Thi Thơ:

Mong chế độ đãi ngộ xứng đáng

Công việc ở bệnh viện chuyên điều trị bệnh phổi, trong đó có bệnh lao không nhiều bằng các bệnh viện lớn, nhưng môi trường làm việc độc hại, nguy cơ nhiễm lao, nhiễm xạ (chụp X-quang) cao nên nhiều năm qua Bệnh viện Phổi Đồng Nai gần như không tuyển thêm được người. Hằng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân lao, chứng kiến họ bị căn bệnh hành hạ, chúng tôi tạm quên đi sự an toàn của bản thân để chữa trị cho họ. Chúng tôi thường động viên nhau, nếu ngay cả bác sĩ cũng ngã gục thì ai sẽ chữa bệnh cho bệnh nhân lao. Chúng tôi chỉ mong bệnh viện có thêm nhiều NVYT về làm việc, muốn vậy chế độ thu hút, đãi ngộ phải xứng đáng.

Phương Liễu (ghi)

 

 

Tin xem nhiều