Báo Đồng Nai điện tử
En

Loạn với toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

10:03, 25/03/2022

Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong cộng đồng. Phần lớn người nhiễm Covid-19 đều tự cách ly, điều trị bệnh tại nhà. Trong số đó, không ít người lúng túng trong việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 thế nào cho đúng? Có nên dùng thuốc Molnupiravir hay không?

Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong cộng đồng. Phần lớn người nhiễm Covid-19 đều tự cách ly, điều trị bệnh tại nhà. Trong số đó, không ít người lúng túng trong việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 thế nào cho đúng? Có nên dùng thuốc Molnupiravir hay không?

Việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong ảnh: Người dân mua thuốc điều trị Covid-19 cho người nhà tại một nhà thuốc trong hệ thống nhà thuốc Pharmacity ở TP.Biên Hòa
Việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong ảnh: Người dân mua thuốc điều trị Covid-19 cho người nhà tại một nhà thuốc trong hệ thống nhà thuốc Pharmacity ở TP.Biên Hòa

Hiện có rất nhiều toa thuốc điều trị Covid-19 tràn lan trên mạng xã hội. Các toa thuốc này sau đó được các bệnh nhân Covid-19 chia sẻ cho nhau.

* Toa thuốc điều trị Covid-19 tràn lan trên mạng

Vào Google nhập từ khóa “Toa thuốc Covid”, chỉ trong vòng 0,51 giây đã cho ra 3,9 triệu kết quả. Những toa thuốc trên có đủ từ bản in lẫn bản photo, từ bản viết tay đến bản chụp lại... Trong đó có sẵn tên thuốc, số ngày sử dụng, liều lượng sử dụng và cả giá tiền toa thuốc, địa điểm mua thuốc...

Mới đây, cả nhà 4 người trong gia đình chị Trần Diệu Hoa (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) trở thành F0. Khi người trong nhà chị có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chị báo Trạm y tế phường nhưng chậm được hướng dẫn cụ thể nên chị nôn nóng tìm kiếm thông tin về cách điều trị Covid-19 tại nhà từ chia sẻ của bạn bè trên mạng xã hội.

Khi có 3-4 toa thuốc trong tay, chị thực sự không biết nên sử dụng toa thuốc nào. Cuối cùng chị phải gọi điện đến một bác sĩ chuyên tư vấn, hướng dẫn điều trị Covid-19 tại nhà mới an tâm.

Còn anh Phan Thành Nhân (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ngày 20-3, khi phát hiện bản thân mắc Covid-19, anh đã xin được toa thuốc của một đồng nghiệp từng là F0 đã khỏi bệnh, trong đó có thuốc Molnupiravir. Anh băn khoăn: “Tôi không biết có nên sử dụng thuốc Molnupiravir không khi người này nói F0 uống càng sớm càng tốt để giúp ngăn chặn sự sinh sôi của virus. Người khác lại nói không nên uống vì có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sinh sản sau này”.

Phân vân nên khi mua thuốc, vợ anh hỏi nhân viên nhà thuốc và được người này khuyến cáo nên uống sớm và đã bán thuốc Molnupiravir cho vợ anh, dù toa thuốc không có chỉ định của bác sĩ.

Một thực tế hiện nay là những toa thuốc điều trị Covid-19 được mọi người chia sẻ, chuyển cho hoặc “lượm lặt” trên mạng xã hội vẫn đang được lưu hành trong cộng đồng và được nhiều người vô tư sử dụng. Không ít “chủ nhân” của những toa thuốc này khẳng định toa thuốc của mình “chuẩn” nhất, nhanh khỏi bệnh và đặc biệt là không có tác dụng phụ, không để lại các di chứng hậu Covid-19 khiến nhiều F0 tin tưởng sử dụng mà không hề biết tác dụng của từng loại thuốc, diễn biến bệnh hoặc tuổi nào, bệnh lý nền... có được uống hay không.

* Không có toa thuốc chung cho tất cả các F0

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, mỗi ngày có từ 300-400 cuộc gọi, tin nhắn đến nhóm bác sĩ tư vấn, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà của bệnh viện để hỏi về vấn đề sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Qua trao đổi với nhiều F0, xem toa thuốc của các F0 gửi đến hỏi, các bác sĩ nhận thấy, nhiều toa thuốc các F0 đang sử dụng hiện nay phần lớn là thuốc kháng sinh, chống viêm. Trong nhiều toa thuốc, ngoài thuốc Ivermectin, còn có các loại thuốc như: Azithromycin 500, Medrol là chưa đúng với phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người “bệnh chồng bệnh”.

Nhiều toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được chia sẻ trên mạng xã hội
Nhiều toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được chia sẻ trên mạng xã hội

Cụ thể như thuốc Azithromycin 500 là thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid có tác dụng điều trị nhiễm trùng hiệu quả khi nhiễm trùng đó do vi khuẩn gây ra. Kháng sinh này đa số không trị được nhiễm trùng do virus (siêu vi) hoặc do ký sinh trùng và hoàn toàn không phải là thuốc điều trị Covid-19, bởi tác nhân gây Covid-19 là virus SARS-CoV-2. Sử dụng kháng sinh không theo chỉ định sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Việc này sẽ gây khó khăn trong điều trị nếu F0 không may diễn biến nặng. Chưa kể, việc dùng kháng sinh không đúng có thể gây nguy hiểm với những người có bệnh lý gan, thận.

Ngoài Azithromycin 500, nhiều toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà  còn có Medrol, một loại corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, corticoid không được phép dùng cho người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Và việc chỉ định thuốc phải do bác sĩ quyết định sau khi đánh giá cẩn thận tình trạng của người bệnh. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã sử dụng khi vừa mắc Covid-19. Bởi khi cơ thể đang sốt cao, nếu đưa corticoid vào sẽ gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, không chỉ gây hại mà còn có thể làm bệnh nặng hơn.

Theo một số chuyên gia y tế, không có một toa thuốc điều trị Covid-19 nào chung cho tất cả mọi trường hợp F0. Người nhiễm Covid-19 nên tư vấn bác sĩ hoặc đọc thông tin chính thống về điều trị Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, để tránh tình trạng “bệnh chồng bệnh” hoặc bệnh chuyển nặng do uống không đúng thuốc, không đúng liều, không đúng thể trạng cơ địa...

Phương Liễu


Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ: Không tự ý mua, sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir

Bệnh nhân cần tỉnh táo tiếp nhận thông tin, trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa, điều trị Covid-19 và thực hiện theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir. Chỉ sử dụng thuốc này trong điều trị Covid-19 khi có chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, xử trí kịp thời.

BS NGUYỄN TẤT TRUNG, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai): Tránh “bệnh chồng bệnh” bởi toa thuốc trên mạng

Tham gia tổ công tác tư vấn, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tôi thấy phần lớn các toa thuốc được các F0 truyền lại hoặc lấy trên mạng rồi tự ra nhà thuốc mua về uống. Nhiều F0 không hề biết tác dụng của những loại thuốc mình uống, trong đó có rất nhiều toa thuốc, nếu sử dụng theo, sẽ không chỉ làm bệnh trở nặng mà còn khiến “bệnh chồng bệnh”.

Để việc điều trị Covid-19 tại nhà được đảm bảo an toàn, hiệu quả, giảm nguy cơ “bệnh chồng bệnh”, Sở Y tế đã yêu cầu các nhà thuốc không vì lợi nhuận mà tự tư vấn, bán thuốc Molnupiravir cho người bệnh khi không có toa thuốc do bác sĩ kê đơn, chỉ định.

Hiện nay, số ca nhiễm biến chủng Omicron đang gia tăng rất nhanh, phần lớn người nhiễm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, F0 điều trị tại nhà cần lắng nghe cơ thể mình, khi phát hiện có những triệu chứng nào thì chỉ nên dùng thuốc điều trị triệu chứng đó, tránh việc dùng theo các đơn thuốc của người khác chia sẻ lại. Đặc biệt, các F0 tự điều trị tại nhà không tự ý mua thuốc theo các đơn trên mạng, bởi vừa lãng phí vừa gây ra các tác dụng phụ, lại khiến bệnh trở nặng hơn.

Dược sĩ NGUYỄN THANH THẢO, chủ nhà thuốc trên đường Phạm Văn Thuận (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa): Cần tư vấn kỹ cho bệnh nhân trước khi bán thuốc

Nhiều người vô tư chia sẻ công thức điều trị F0 mà không biết rằng, cùng là F0 nhưng không thể lấy đơn thuốc điều trị của người này thoải mái áp dụng cho người khác được do mỗi người bệnh có thể trạng và triệu chứng khác nhau, khả năng thích ứng khi nhiễm bệnh khác nhau thì không thể điều trị giống nhau.

Trong quá trình bán thuốc, tôi cũng nhiều lần tư vấn cho người bệnh trường hợp nào nên và không nên uống thuốc đặc trị Covid-19. Phần lớn các F0 thể trạng bình thường, chỉ sốt, ho nhẹ thì tôi bán cho họ các loại thuốc cơ bản điều trị các triệu chứng sốt, ho, dặn dò ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin C và nghỉ ngơi là sẽ khỏi bệnh.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều