Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn rối loạn lo âu, trầm cảm ở người trẻ

09:03, 11/03/2022

Theo các chuyên gia tâm lý, xã hội ngày càng phát triển kéo theo vô vàn những áp lực trong cuộc sống. Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến công việc, học tập, thu nhập, cơ hội việc làm của nhiều người, nhất là người trẻ dễ dẫn đến các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí tự sát.

Theo các chuyên gia tâm lý, xã hội ngày càng phát triển kéo theo vô vàn những áp lực trong cuộc sống. Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến công việc, học tập, thu nhập, cơ hội việc làm của nhiều người, nhất là người trẻ dễ dẫn đến các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí tự sát.

ThS-BS Tô Xuân Lân, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 khám và điều trị cho một bệnh nhân trẻ có dấu hiệu trầm cảm. Ảnh: T.Tâm
ThS-BS Tô Xuân Lân, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 khám và điều trị cho một bệnh nhân trẻ có dấu hiệu trầm cảm. Ảnh: T.Tâm

ThS-BS Tô Xuân Lân, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cho hay, điều đáng lo ngại nhất là những người bị trầm cảm thường sẽ nhìn mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, lệch lạc, bi quan vào cuộc sống. Họ luôn cảm thấy bản thân sống vô nghĩa và là gánh nặng cho những người xung quanh, dẫn đến hoang tưởng về tội lỗi. Họ luôn cho rằng, suy nghĩ bản thân là đúng. Nếu trầm cảm kéo dài khiến họ dễ có những hành vi tiêu cực, trong đó có tự tử.

* Cảnh báo tự tử ở người trẻ

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi từ 15-29 (chỉ sau tai nạn giao thông). Tại Việt Nam, theo một số nghiên cứu, số người tìm đến tự tử hằng năm đã lên tới gần 5% dân số. Phần lớn nguyên nhân tự tử đều do trầm cảm kéo dài.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là không ít vụ tự tử đến từ lứa tuổi học sinh, sinh viên. Gần nhất là vụ việc N.V.N. (19 tuổi, quê tỉnh Bình Định), tân sinh viên một trường đại học ở TP.HCM đã đeo cục đá nặng hơn 10kg rồi nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử ngay trong ngày đầu từ quê vào TP.HCM chuẩn bị nhập học. Dù không có chứng cứ nào xác định rõ về nguyên nhân khiến N. tự tử, nhưng có một số ý kiến cho rằng, N. có thể bị trầm cảm bởi những áp lực trong chuyện học hành nên mới thực hiện hành vi trên.

Theo chuyên gia tâm lý HÀ VĂN PHÚC, Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE, Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Đồng Nai, mỗi học sinh cần chủ động tăng cường tìm hiểu, trang bị kiến thức về tuổi dậy thì; tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, CLB do trường, địa phương tổ chức; cần trang bị các kỹ năng tự nhận thức giá trị bản thân và kỹ năng xác định và giải quyết vấn đề để vượt qua các rối loạn, khó khăn mình gặp phải. Mạnh dạn chia sẻ những bất ổn, khó khăn cho bạn bè, thầy cô, các chuyên gia tâm lý mà em tin tưởng để có thể hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, một số người trẻ có bệnh nan y, bệnh nền cũng tìm cách tự tử vì sợ bệnh tật làm ảnh hưởng đến người thân cũng như sự đau đớn trong quá trình điều trị bệnh. Đơn cử như vào ngày 27-1, chị T.L. (34 tuổi) đã quyết định nhảy lầu tự tử khi đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhưng rất may đã được người dân cứu sống.

Chị L. cho hay, vì mang trong người nhiều bệnh nặng khiến chị thường xuyên mệt mỏi, đau đớn, bế tắc và nảy sinh ý định nhảy lầu tự tử để giải thoát cho bản thân và gia đình. “Tôi suy nghĩ đến việc tự tử từ lâu rồi và nó luôn thôi thúc tôi thực hiện. Ngày nhảy lầu, tôi cứ nghĩ mình sẽ chết. Nào ngờ, mọi người đã không quản ngại nguy hiểm mà cứu sống tôi, lại còn an ủi, động viên tôi rất nhiều khiến tôi vô cùng hối hận. Bây giờ tôi không còn ý nghĩ đó nữa và sẽ cố gắng chữa bệnh để bản thân sớm khỏe mạnh và người thân yên tâm hơn” - chị L. chia sẻ.

ThS-BS Tô Xuân Lân phân tích, trầm cảm là trạng thái bị ức chế về cảm xúc và nó khiến tất cả các mặt của cơ thể đều giảm sút. Trong đó nó ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hoạt động tâm thần bao gồm: cảm giác, tri giác, tư duy, cảm xúc, hoạt động có ý chí, bản năng, ý thức, chú ý, trí nhớ và trí tuệ. Cụ thể trầm cảm sẽ tác động đến 10 hoạt động tâm thần trên gây nên tình trạng buồn chán, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, thiếu khả năng tập trung, chậm chạp trong suy nghĩ, giảm trí nhớ và không còn ý chí trong cuộc sống, nghĩ mọi việc theo chiều hướng tiêu cực… Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự tử.

Nguyên nhân khiến con người, nhất là những người trẻ, dễ bị trầm cảm và nảy sinh ý nghĩ tự tử là do bệnh lý tổn thương về não (do tai biến, đột quỵ...); nghiện chất như: ma túy, rượu… gây nên tình trạng loạn thần dẫn đến trầm cảm; sang chấn tâm lý bởi sức ép từ học tập, áp lực trong công việc, cuộc sống và các mối quan hệ trong xã hội; không rõ nguyên nhân như: trầm cảm nội sinh.

* Cần sự quan tâm, chia sẻ

Để có thể sớm phát hiện người thân có dấu hiệu trầm cảm, theo ThS-BS Tô Xuân Lân cần theo dõi đối tượng đó có những biểu hiện cụ thể như: thường xuyên buồn, ngồi một mình, luôn mặc cảm hoặc nóng nảy, giận dữ, thay đổi tâm trạng không rõ lý do… và các biểu hiện này ngày càng nghiêm trọng, phải kéo dài ít nhất 2 tuần liên tục. Khi phát hiện, người thân cần thường xuyên gần gũi, quan tâm, nói chuyện tháo gỡ bế tắc, khó khăn cho người bệnh; đồng thời đưa người bệnh đến bệnh viện tâm thần để khám và theo dõi điều trị sớm, ngăn chặn tình trạng người bệnh chuyển nặng, nảy sinh ý định và lập kế hoạch tự tử.

Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) tổ chức các buổi tham vấn tâm lý để học sinh hiểu và tự nhận thức được giá trị của bản thân trong cuộc sống
Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) tổ chức các buổi tham vấn tâm lý để học sinh hiểu và tự nhận thức được giá trị của bản thân trong cuộc sống

Một số chuyên gia tâm lý bày tỏ lo ngại về việc ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội độc hại khiến những người trẻ có thể tìm kiếm những cách thức để tự tử hoặc rủ nhau tự tử chung. Do đó, ngoài sự vào cuộc, quan tâm tích cực từ gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng tự tử thì cần có cơ chế kiểm soát các trang mạng xã hội độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung của cộng đồng, nhất là đối với người trẻ như học sinh, sinh viên.

Chuyên gia tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE, Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Đồng Nai cho rằng, không chỉ người lớn chịu những áp lực trong cuộc sống như mối quan hệ gia đình, kinh tế… dẫn đến hành động tự tử mà thời gian gần đây, nhiều học sinh, sinh viên vì áp lực về thành tích học tập, áp đặt của cha mẹ hoặc cách đối xử thiếu sự công bằng của cha mẹ đã vô tình khiến trẻ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và nhiều lần tìm đến cái chết.

Đặc biệt, những trẻ trong lứa tuổi dậy thì, sự thay đổi và phát triển về mặt tâm lý, cơ thể dễ khiến trẻ bị kích động hoặc tổn thương khi bị chế giễu, xúc phạm...; ảnh hưởng và bị tác động bởi các thông tin, văn hóa tiêu cực trên mạng xã hội; sử dụng và lạm dụng các chất kích thích, gây nghiện..., dẫn đến rối loạn về các hành vi, cảm xúc của trẻ cũng là tác nhân khiến nhiều trẻ tự sát.

Theo ông Hà Văn Phúc, cha mẹ, người thân cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ cùng con. Chấp nhận thay đổi vai trò cha mẹ theo kiểu “truyền thống” để làm bạn với con. Dành thời gian tham gia các hoạt động mang tính gắn kết gia đình. Về phía nhà trường, thầy cô cần hiểu và nắm bắt tâm lý tuổi dậy thì; phối hợp ban đại diện cha mẹ phụ huynh xây dựng mô hình Phòng tham vấn tâm lý học đường, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm dưới hình thức các CLB, hội nhóm để tạo cơ hội cho các em được giao lưu, mở rộng các mối quan hệ xã hội, bạn bè.

Tố Tâm

Tin xem nhiều