Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng giờ làm thêm: Cần thiết nhưng phải phù hợp

12:03, 26/03/2022

Đề xuất tăng số giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19 tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đang nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) và NLĐ.

Đề xuất tăng số giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19 tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đang nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) và NLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Namyang Sông Mây (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai
Công nhân Công ty TNHH Namyang Sông Mây (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai

Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ, tổ chức Công đoàn đồng tình với đề xuất trên nhằm cải thiện thu nhập NLĐ sau ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, các cán bộ Công đoàn cho rằng, tăng giờ làm thêm là cần thiết nhưng cần có giới hạn phù hợp để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho NLĐ.

* Giúp NLĐ cải thiện thu nhập

Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn năm trước, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng do ảnh hưởng của đại dịch xảy ra liên tục trong 2 năm làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp, sự dịch chuyển lao động lớn dẫn tới thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương.

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các DN về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Bộ trưởng LĐ-TBXH nêu rõ, việc xây dựng dự thảo nghị quyết tăng số giờ làm thêm thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Cùng với đó, nhằm tháo gỡ vướng mắc của DN do tác động tiêu cực của đại dịch, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Nghị quyết tăng số giờ làm thêm trong tháng và trong năm. Các đại biểu cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cần đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo sức khỏe và điều kiện lao động lâu dài cho NLĐ. Đặc biệt, phải căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe, điều kiện của NLĐ và đảm bảo thỏa thuận bình đẳng công khai, trả công xứng đáng với công sức NLĐ và theo thỏa thuận của DN và NLĐ.

* Phải đảm bảo sức khỏe NLĐ

Anh Nguyễn Văn Trường, công nhân Công ty TNHH Tenma Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát đến nay, gần như ngày nào anh cũng tăng ca, chỉ khi có việc quan trọng mới xin về trước 17 giờ. Theo anh Trường, trong bối cảnh NLĐ vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, công nhân đều muốn tăng ca để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh khôi phục kinh tế, việc điều chỉnh thời hạn làm thêm giờ trong tháng và trong năm là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, đề xuất mở rộng cho mọi ngành nghề thì không nên, nên giới hạn ở một số nhóm ngành nghề nhất định và giới hạn cho một số đối tượng không được áp dụng như: lao động chưa thành niên, lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Do đó, việc tăng giờ làm thêm chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, tạm thời trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.

“Tôi nghĩ đề xuất tăng giờ làm thêm cho NLĐ trong thời điểm này rất hợp lý. Tuy nhiên, cần có thỏa thuận với NLĐ trước khi thực hiện và tùy vào sức khỏe NLĐ để các DN áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, DN cũng không nên ép công nhân phải tăng ca quá sức, cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo sức lao động, giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc” - anh Trường bày tỏ.

Tương tự, công nhân Lê Thị Thu, quê Hà Tĩnh cho hay, ngay khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại sau đại dịch, chị và chồng đều đi làm và đăng ký tăng ca liên tục. Gần 8 năm làm việc trong DN sản xuất gỗ tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa), mức lương cơ bản của chị Thu chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca, tổng thu nhập của chị được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền thuê nhà trọ, ăn uống, dè sẻn lắm chị mới tiết kiệm được vài triệu gửi về quê cho con.

Chị Thu bộc bạch: “Công nhân không ai muốn làm tối tăm mặt mũi nhưng nếu không tăng ca thì khó bám trụ cuộc sống tại thành phố với lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ tôi, rất nhiều NLĐ cũng mong được tăng ca”.

Ông Trần Minh Sinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia GMT (H.Trảng Bom) cho biết, theo khảo sát ý kiến của NLĐ trong công ty, có đến 96% mong muốn được tăng ca, số còn lại do có con nhỏ hoặc đang mang thai nên không đăng ký. Công ty luôn bố trí hợp lý đơn hàng để công nhân được tăng ca, chứ không nhất thiết phải tăng ca cho kịp đơn hàng.

Cũng theo ông Sinh, việc tăng giờ làm thêm giúp các DN bảo đảm được tiến độ các đơn hàng; đồng thời, kết nối thêm được nhiều mối hàng mới, từ đó sẽ tăng doanh thu, bảo đảm tốt hơn thu nhập cho NLĐ.

Ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động H.Trảng Bom cho hay, 2 năm qua, lương tối thiểu không tăng khiến đời sống NLĐ hết sức chật vật, do vậy họ rất muốn tăng ca để cải thiện thu nhập. Mặt khác, thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến nguồn lực lao động của các DN, nhiều lao động phải nghỉ việc do là F0, F1; DN phải giãn ca, thu hẹp quy mô sản xuất để phòng, chống dịch khiến áp lực hoàn thành đơn hàng rất lớn. Nếu không tăng giờ làm thêm để bù đắp việc thiếu hụt nhân lực như hiện nay, DN khó khôi phục như trước.

“Tôi đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm nhưng cần có giới hạn phù hợp để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho NLĐ. Thời gian tăng ca phải hợp lý để NLĐ có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Việc tăng giờ làm thêm không nên áp dụng đối với trường hợp lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại và lao động nữ mang thai. Ngoài ra, DN cần tôn trọng ý kiến NLĐ trên tinh thần tăng ca tự nguyện, không nên gượng ép. Tổ chức Công đoàn cũng sẽ làm tốt việc giám sát thực hiện việc chi trả chế độ làm thêm giờ tại DN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ” - ông Thụy nhấn mạnh.

Lan Mai

Tin xem nhiều