Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos: Bảo vệ rừng trước khi thu lợi từ rừng

12:03, 26/03/2022

Từng có hàng chục năm làm việc tại nước ngoài, TS Lê Hoàng Thế trở về Việt Nam và lựa chọn trồng rừng với mục tiêu góp phần bảo vệ, phát triển rừng trồng bền vững trước khi khai thác. Theo ông Thế, tiềm năng dưới tán rừng trồng rất lớn nhưng lâu nay vẫn chưa khai thác được, việc trồng dược liệu dưới tán rừng là một trong những giải pháp để nâng cao mức thu nhập cho người dân.

Ông Lê Hoàng Thế
Ông Lê Hoàng Thế

Từng có hàng chục năm làm việc tại nước ngoài, TS Lê Hoàng Thế trở về Việt Nam và lựa chọn trồng rừng với mục tiêu góp phần bảo vệ, phát triển rừng trồng bền vững trước khi khai thác. Theo ông Thế, tiềm năng dưới tán rừng trồng rất lớn nhưng lâu nay vẫn chưa khai thác được, việc trồng dược liệu dưới tán rừng là một trong những giải pháp để nâng cao mức thu nhập cho người dân.

Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos (trụ sở chính đặt tại Đồng Tháp) đang triển khai thực hiện dự án Trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở H.Xuân Lộc với diện tích ban đầu lên đến hàng trăm ha.

Giải pháp phát triển rừng bền vững

* Thưa ông, Việt Nam có tiềm năng rừng trồng rất lớn song việc chăm sóc, thu hoạch từ rừng trồng hiện nay đang có những điểm yếu gì?

- Rừng trồng của chúng ta chưa đủ chất lượng và chỉ có loại cây keo lai (Acacia Hybrid) là chủ lực cho rừng trồng nên nguyên liệu gỗ cho chế biến mới chỉ đạt 10%.

Không xây dựng được chuỗi, thiếu liên kết, thiếu vốn, trồng rừng thiếu chứng chỉ FSC-FM quốc tế dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng nên hội nhập rất khó. Trồng rừng có chứng chỉ rừng FSC-FM và sản xuất có định hướng:  biết bán nơi đâu và ai mua chính là hướng đi lâu dài mà ngành lâm nghiệp, sản xuất gỗ cần hướng tới. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của chủ thể quản lý rừng trồng sản xuất.

* Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

- Nhà nước cần khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn bằng cách kéo dài thời gian thu hoạch từ 5 năm lên 8 năm. Giải quyết sinh kế trong thời gian chờ gỗ lớn bằng cách trồng nấm thảo dược dưới tán cây, người dân có thêm thu nhập trong thời gian chờ gỗ lớn là một giải pháp.

Mô hình kinh tế dưới tán rừng tại Việt Nam chỉ mới khởi động dạng thí điểm sau 5 năm kể từ khi có Luật Lâm nghiệp năm 2017 nên các địa phương có rừng còn đang nghiên cứu, chưa cụ thể hóa được mô hình, chưa đánh giá được mô hình nào là hợp lý nhất.

Riêng đối với hệ sinh thái The VOS của chúng tôi (đang triển khai) thì không có khái niệm về khai thác rừng mà là thu hoạch từ rừng trồng vào thời điểm nào thích hợp nhất. Chuỗi giá trị lâm sản từ cây giống - trồng trọt - khai thác - chế biến tinh (đến người tiêu dùng) hướng đến mục tiêu phải làm sao cho giá trị của cây rừng trồng đạt hiệu quả 90-95% và có lợi nhất cho người trồng rừng.

Hiện chúng tôi đã triển khai hoạt động ở nhiều địa phương như: Đồng Nai, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Bảo Lộc, Đồng Tháp, Kiên Giang. Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái The Vos để người dân, doanh nghiệp cùng hưởng lợi từ rừng.

Trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở Xuân Lộc
Trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở Xuân Lộc

* Tại Đồng Nai, doanh nghiệp của ông tập trung vào lĩnh vực gì?

- Ở Đồng Nai, chúng tôi thành lập Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh Vos Harvest để tập trung vào lâm nông nghiệp vi sinh. Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, sản phẩm lâm nông nghiệp hữu cơ (Organic, Global Gap, FSC-FM); đồng thời hướng vào lĩnh vực phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi số các hoạt động trồng trọt, trí tuệ nhân tạo.

Bước đầu tiên, công ty đang phối hợp với địa phương trồng nấm linh chi dưới tán rừng gỗ trồng để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Rừng trồng của địa phương chủ yếu là keo lai, sau 5 năm có thể khai thác, nhưng như vậy chất lượng gỗ sẽ thấp, nếu khai thác từ năm thứ 8 trở đi, giá trị gỗ sẽ cao hơn nhiều. Trong thời gian chờ, người dân kiếm thu nhập ở đâu để bảo vệ rừng? Giải pháp trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai có thể giải quyết vấn đề trên.

* Cụ thể, việc trồng nấm linh chi dưới tán rừng được triển khai ra sao, thưa ông?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ hợp tác với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc triển khai đầu tư dự án trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai với quy mô ban đầu khoảng 230ha. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm… Nấm linh chi trồng dưới tán rừng của chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận cho ra dược liệu cao hơn từ 1,5-2 lần so với nấm linh chi cùng loại ở một số nước trên thế giới.

Dự kiến, doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng trong 8 tháng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha. Điều này vừa giải được bài toán sinh kế cho người trồng rừng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.

 Xây dựng hệ sinh thái cho người trẻ khởi nghiệp

* Triển khai trồng nấm linh chi dưới tán rừng trên diện tích lớn tại nhiều tỉnh, thành, doanh nghiệp đã có kế hoạch cụ thể nào về việc tiêu thụ sản phẩm?

 - Sản xuất gì? Bán nơi nào? Bán cho ai? Bài toán này chúng tôi đã đặt ra từ lúc khởi động việc trồng nấm thảo dược Ganoderma Lucidum từ tháng 1-2018. Quy trình sản xuất từ phòng thí nghiệm đến sản phẩm đầu cuối được quản lý bằng học thuật Blockchain và QRcode cho phép chúng tôi tính toán cân đối cung cầu và sản phẩm của chúng tôi sẽ tham gia thị phần nấm Ganoderma Lucidum quốc tế vào năm 2025.

* Hơn 30 năm sinh sống tại Nhật và trở về Việt Nam để trồng rừng với cách làm khác lạ, “bảo vệ môi trường trước, kiếm tiền sau”, vì sao ông chọn lĩnh vực trồng rừng?

- Việt Nam là đất nước đang phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp từ trước đó. Với những gì học tập được ở nước ngoài, tôi mong muốn đóng góp một phần mình cho sự phát triển đi lên của đất nước. Đối với việc lựa chọn trồng rừng, cộng đồng phát triển thì mình phát triển theo.

Hiện nay, chúng tôi đầu tư rừng trồng có diện tích hơn 1.200ha ở Cà Mau và đạt được nhiều chứng chỉ quốc tế đối với rừng bền vững. Rừng được cấp chứng chỉ FSC-FM. Muốn được cấp chứng chỉ này, rừng phải đạt 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí chuẩn mực quốc tế. Các đối tác nước ngoài có nhu cầu rất lớn và coi trọng nguồn gốc sản phẩm từ rừng nên chỉ khi liên kết cùng nhau, xây dựng các quy chuẩn trồng rừng và đảm bảo những yếu tố nêu trên thì cơ hội phát triển cũng rất lớn.

* Được biết, The Vos có quỹ khởi nghiệp xanh. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu và hoạt động của quỹ này?

- Tất cả các cá nhân, nhóm từ thế hệ 9X đang thực hiện nghiên cứu hoặc kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hữu cơ chúng tôi tài trợ 100% hoặc có đối ứng và tiến đến đầu tư theo đề nghị của đối tác. Quỹ sẽ tài trợ, gửi chuyên gia trợ giúp và đào tạo nhân sự để tham gia vào chuỗi giá trị của hệ sinh thái VOS.

* Ông có mong muốn gì đối với người trẻ khi có ý tưởng khởi nghiệp xanh như mình từng đi qua?

- Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ vì Việt Nam đoàn kết lại, tạo sân chơi và thực hiện các công việc về môi trường xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, sáng tạo, đưa Việt Nam trở lại là quốc gia có tài nguyên rừng giàu như trước kia.

Hiện tôi là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Hiệp hội đang làm một chương trình khuyến khích người trẻ, các nhà khoa học trẻ trở về Việt Nam cống hiến trong tương lai. Chúng ta có 200 nhà khoa học trẻ đang làm việc tại nước ngoài và đây là nguồn lực rất lớn.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Hoàng Thế là tiến sĩ khoa học môi trường tại Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch; thạc sĩ quản trị kinh doanh tốt nghiệp tại Trường Kinh tế Waseda, Nhật Bản; hoàn thành chương trình tập huấn về quản lý, bảo vệ rừng, đáp ứng cấp chứng chỉ rừng của Hội đồng Quản lý rừng thế giới. Ông Thế hiện đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án trồng rừng và khai thác dược liệu dưới tán rừng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mong mỏi lớn nhất của ông là ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn đến khởi nghiệp xanh, bền vững.

Văn Gia (thực hiện)

 

Tin xem nhiều