Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa xưa trong Nam Kỳ và cư dân

07:04, 08/04/2022

Bộ sách quý về Nam Kỳ qua công trình biên khảo của tác giả/bác sĩ thuộc địa người Pháp J. C. Baurac Nam kỳ và cư dân (trọn bộ hai tập: Các tỉnh miền TâyCác tỉnh miền Đông) góp thêm một tài liệu văn hóa, lịch sử mang giá trị lưu giữ, tham khảo cao cho các nhà nghiên cứu lẫn công chúng phổ thông.

Bộ sách quý về Nam Kỳ qua công trình biên khảo của tác giả/bác sĩ thuộc địa người Pháp J. C. Baurac Nam kỳ và cư dân (trọn bộ hai tập: Các tỉnh miền TâyCác tỉnh miền Đông) góp thêm một tài liệu văn hóa, lịch sử mang giá trị lưu giữ, tham khảo cao cho các nhà nghiên cứu lẫn công chúng phổ thông.

Hai tập địa chí Nam kỳ và cư dân - bản tiếng Việt phát hành năm 2022
Hai tập địa chí Nam kỳ và cư dân - bản tiếng Việt phát hành năm 2022

Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây (576 trang) và Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông (516 trang) do NXB Tổng hợp TP.HCM và Omega Plus ấn hành, gây chú ý cho người yêu lịch sử, văn hóa bởi mỗi tác phẩm chứa tư liệu dồi dào, phong phú về con người và vùng đất phương Nam vào thời điểm cuối thế kỷ XIX. Bộ sách chính là các tác phẩm tiêu biểu nhất của tác giả J. C. Baurac với tựa gốc là La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Ouest ấn hành lần đầu tiên năm 1894 và La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Est ấn hành năm 1899.

* Đất phương Nam trong mắt bác sĩ Pháp

Là một bác sĩ dịch tễ, lúc sinh thời tác giả J. C. Baurac thông qua quãng thời gian sống và làm việc nhiều năm, thực địa sâu sát đến từng địa phương, không chỉ làm công việc theo trách nhiệm của mình (tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh cho dân địa phương, cải thiện tình trạng ô nhiễm, vệ sinh ở các vùng miền…) mà còn cất công thu thập rất nhiều dữ liệu, thông tin quý để viết nên một bộ sách mang giá trị tư liệu địa chí hữu ích, chiếm vị trí đặc biệt trong số các tác phẩm do người Pháp ghi chép lúc bấy giờ.

Tác giả tỏ ra đặc biệt thấu hiểu xứ sở Nam kỳ và cư dân sinh sống nhờ hành trình làm việc đầy lý thú dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt, phân chia nhiều vùng đất (Baurac kể trong sách là ông có “tám năm trời gần như liên tục sống ở Nam kỳ”). Qua đó, bác sĩ người Pháp này tiếp cận, quan sát và phản ánh được nhiều đặc điểm địa lý, lịch sử tự nhiên bên cạnh các dữ liệu hành chính (sách có tặng kèm bản đồ hành chính cuối thế kỷ XIX của từng vị trí địa hình xứ Nam Kỳ).

* Tầm nhìn cho tương lai

Câu hỏi đặt ra với người thưởng thức là điều gì đã khích lệ J. C. Baurac viết nên bộ tư liệu đồ sộ như Nam kỳ và cư dân?

Trẻ em ở Biên Hòa cuối thế kỷ XIX - Ảnh tư liệu trong sách
Trẻ em ở Biên Hòa cuối thế kỷ XIX - Ảnh tư liệu trong sách

“Công trình của chúng tôi nhằm mục đích bổ sung những thông tin đã được những nhà tiên phong cung cấp về dân tộc học xứ này, làm minh bạch mỗi một hạt tham biện của miền Tây Nam kỳ dưới góc độ hình thành lịch sử, vị trí địa lý, dân cư, đường sá, kênh đào, phân cấp hành chính, thương mại, kỹ nghệ…” - tác giả Baurac lý giải. Tác phẩm cho thấy tác giả vừa chu du thực tế “mắt thấy tai nghe” khắp nơi, vừa mày mò thêm nhiều tài liệu và sưu tập thêm nhiều hình ảnh xưa rất quý giá. Một số quan điểm được diễn giải ví dụ như người Pháp bấy giờ sở dĩ xây dựng hệ thống đường sắt, cầu đường lẫn đường sông là để kết nối các vùng đất Nam Kỳ với nhau, không để các địa phương rơi vào tình cảnh cục bộ.

Không chỉ dày đặc thông tin và dữ liệu về dân cư, địa danh chi tiết các vùng miền, tác giả Baurac còn trình bày và gửi gắm nhận xét của ông về ưu - khuyết, cơ hội phát triển địa phương về lâu dài. Nhiều điều mang giá trị tầm nhìn, viễn kiến bất ngờ mà ngày nay khi đọc lại, chúng ta có thể vẫn thấy sự hữu ích của những đánh giá dự báo, tham khảo này.

Bộ sách địa chí Nam kỳ và cư dân tập đầu tiên về miền Tây có hai phần. Phần đầu giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh xưa), có nội dung chủ yếu về Chợ Lớn và Sài Gòn (với những thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của nơi này từ một thành lũy quân sự đến thời Gia Long, Minh Mạng và thời Pháp thuộc, góp phần kiến giải tại sao Sài Gòn nắm giữ vị trí quan trọng cho đến ngày nay). Phần 2 giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thời Pháp thuộc ở miền Tây Nam Kỳ (từ Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long… đến tận Hà Tiên và đảo Phú Quốc).

Tập hai về miền Đông cũng có cách thể hiện, sắp xếp nội dung phần lớn tương tự như tập đầu. Tác giả giới thiệu ngay các hạt thuộc miền Đông Nam Kỳ trong đó có Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore (quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay)…, có liệt kê cả các tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính - kinh tế quan trọng ở từng hạt, với những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt.

Cẩm Điệp

Tin xem nhiều