Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp nhà tư sản từ chối di tản

08:04, 30/04/2022

Vài năm nay hình ảnh một cụ già tự lái chiếc xe Toyota Corona màu đen sáng sáng chạy đi dùng điểm tâm, nhấm nháp ly cà phê hoặc đến sân quần vợt không còn xa lạ với một số người dân Biên Hòa. Thỉnh thoảng người ta còn nhìn thấy ông cụ bơi một cách khoan thai dưới sông Đồng Nai đoạn gần cầu Rạch Cát...

Cụ Trần Xuân Roanh ở tuổi 92
Cụ Trần Xuân Roanh ở tuổi 92

Vài năm nay hình ảnh một cụ già tự lái chiếc xe Toyota Corona màu đen sáng sáng chạy đi dùng điểm tâm, nhấm nháp ly cà phê hoặc đến sân quần vợt không còn xa lạ với một số người dân Biên Hòa. Thỉnh thoảng người ta còn nhìn thấy ông cụ bơi một cách khoan thai dưới sông Đồng Nai đoạn gần cầu Rạch Cát...

Năm nay đã 92 tuổi, cụ Trần Xuân Roanh được biết đến là chủ trang trại Duyên Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Bách khoa bình dân Biên Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Satico, và khá đặc biệt ông là một người ngoài Đảng và là tín đồ Công giáo toàn tòng được giữ cương vị Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai suốt gần 3 nhiệm kỳ (1981-1993), rồi sau đó là người sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đại Á - ngân hàng thương mại - nông nghiệp cổ phần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và cả miền Đông Nam bộ.

* Một chọn lựa khó khăn

Một con người đi lên từ hai bàn tay trắng, hay nói cụ thể hơn là khởi nghiệp từ… cây bưởi, con heo rồi từng bước trở thành ông chủ ngân hàng. Đó là hành trình không dễ và không đơn giản, ông đã phải trải qua bao biến động, thăng trầm.

Trong cuộc đời đầy sóng gió, có không dưới 3 lần cụ Roanh phải đứng trước sự chọn lựa khó khăn để quyết định hướng đi đúng nhất của cuộc đời mình. Quyết định đầu tiên là từ bỏ vai trò “Ủy viên công cán” của Phủ tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) với rất nhiều cơ hội thăng tiến trên chính trường miền Nam để ra ngoài xã hội làm công dân bình thường, khi nhận thấy chế độ Ngô Đình Diệm bộc lộ thối nát. Một chọn lựa rất khó khăn nữa là quyết định hiến nhà máy chế biến tinh bột hết sức hiện đại của gia đình mình cho Nhà nước. Nhưng có lẽ sự chọn lựa giữa đi và ở trong những ngày cuối tháng 4-1975 đối với cụ Roanh là khó khăn nhất.

Bằng trí nhớ lạ thường, cụ Trần Xuân Roanh kể lại chuyện xảy ra đã 47 năm về trước mà nghe như mới hôm qua: “Kể từ đầu tháng 4-1975 sau khi nghe tin Buôn Ma Thuột thất thủ rồi tiếp đó dồn dập các tỉnh ở miền Trung, binh lính VNCH cùng gia đình họ tháo chạy, kéo theo luồng dân ồ ạt di tản vào phía Nam. Được lệnh “tùy nghi di tản”, các tướng, tá VNCH trong Quân đoàn III, Tiểu khu Biên Hòa, Cảnh sát quốc gia miền Đông và toàn thể các viên chức, công chức của chính quyền tỉnh Biên Hòa liền lẹ làng đùm túm đưa cả gia đình tháo chạy khỏi đất nước. Không chỉ những người có dính líu đến chế độ Sài Gòn mà hầu hết các thương gia, doanh nhân có máu mặt ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa cũng tìm mọi cách chạy ra nước ngoài. Thành phần giàu có này sẵn sàng bỏ ra từ 10 đến vài chục ngàn “đô la xanh”  (USD chính hiệu, chứ không phải “đô la đỏ” chỉ có giá trị sử dụng ở miền Nam Việt Nam của Quân đội Mỹ) để có một chỗ trên máy bay, tàu thủy rời khỏi Việt Nam. Trong nhà tôi ai cũng hoang mang, vợ tôi là người dao động nhất vì bị tác động mạnh bởi những lời đồn và đặc biệt là rất nặng nề với ấn tượng về việc cha mẹ mình bị đấu tố trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Tôi thì gần như buông hết mọi công việc làm ăn, ngày ngày mở các đài phát thanh để nghe ngóng và đoán định tình hình. Qua đó, tôi nghe đi nghe lại nhiều lần Chính sách 10 điểm của Mặt trận Giải phóng miền Nam nên cũng khá yên tâm với ý định ở lại cùng đất nước để không phải lần thứ 2 làm người rời bỏ quê hương, như năm 1954 tôi đã từng làm vậy. Lúc ấy nhớ lại lời chị Tư Nhật - một người giúp việc nhà mà vợ chồng tôi xem như chị ruột, khi nghe vợ chồng tôi lo lắng, bàn bạc về chuyện nên đi hay ở khi biết tin Buôn Ma Thuột thất thủ đã nói: “Cậu mợ đừng ngại. Người ta khác, cậu mợ khác. Cậu mợ cứ yên tâm ở lại Việt Nam sinh sống làm việc…”; tôi có phần yên tâm hơn vì lờ mờ đoán ra chị kết nghĩa của mình là… “người phía bên kia”. Sau đó tôi mới biết, chị là “Việt cộng nằm vùng” và là mẹ liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Khoảng 5 giờ chiều 26-4-1975 tiếng pháo dồn dập, nổ dữ dội vào căn cứ Nước Trong ở Long Thành dội về Biên Hòa càng làm cho cả gia đình rơi vào tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Một lúc sau, chiếc tàu sắt quân đội bất ngờ cặp vào bến sông của Trang trại Duyên Anh Đào và đích thân thiếu tá Đặng Nhân Khang - Chỉ huy trưởng Căn cứ Hải thuyền làm nhiệm vụ yểm trợ cầu Rạch Cát và cầu Gành hấp tấp bước lên gặp tôi báo: “Thưa ông, tôi được lệnh cấp trên của tôi, đến đón ông bà và toàn gia quyến… Đại tá Lưu Yểm - Tỉnh trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu Biên Hòa thông báo khẩn: Có lệnh di tản. Chúng tôi được lệnh rút. Bỏ lại mọi thứ. Chạy gấp về Nhà Bè có tàu đưa ra Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ đang chờ ngoài khơi”.

Tôi vô cùng bối rối, nhưng kịp trấn tĩnh, nhỏ nhẹ nói với thiếu tá Khang:    “Ông về thưa lại với đại tá, tôi chân thành cảm ơn đại tá, gia đình tôi đông các cháu quá, chuẩn bị không kịp, sợ lỡ việc các ông…”. Nghe vậy viên chỉ huy Hải thuyền lộ vẻ ngạc nhiên và vội vã rút lui. Vợ tôi lại tiếp tục than vãn về một tương lai đen tối sắp tới cho cả gia đình.

Tối đó, người chị ruột của vợ tôi là Trần Thị Hồi - vợ đại tá Vũ Đạm ở cư xá Lữ Gia - Phú Thọ gọi điện bảo phải thu xếp đưa cả gia đình lên Sài Gòn gấp để… đi. Tôi nói: “Bến phà Cát Lái đã bị quân giải phóng chiếm giữ, đường rút ra biển thế là hết hy vọng!”.

Nghe vậy vợ tôi thở dài, nước mắt rơm rớm: “Đường biển bị cắt, thì còn đường hàng không. Tôi với anh, sướng vui, gian khổ kể như thế cũng đủ, nhưng còn đàn con, lẽ nào để chúng chết!”.

Cả đêm đó, nàng Trầm Duyên - “một nửa của tôi” - cứ thao thức, thở dài. Và mờ sáng hôm sau lại có điện thoại của chị Hồi bảo lên Sài Gòn gấp, đã thu xếp được chuyến đi bằng đường hàng không. Không còn cách nào khác, tôi chở cả nhà lên Sài Gòn. Đại tá Vũ Đam - viên sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng tham mưu và là anh rể tôi hân hoan cho biết: “6 giờ sáng mai, cầu hàng không trong phi trường Tân Sơn Nhất sẽ được nối lại và 2 gia đình chúng ta sẽ được quân xa gắn còi hụ chở chạy vào thẳng phi đạo để lên máy bay”.

Nhưng không khí trong nhà bỗng chìm xuống. “Một sự tan nát, chia lìa sắp sửa xảy ra”, khi mọi người trong nhà nghe tôi nhất quyết không chịu đi. Tranh luận, thuyết phục mãi vẫn thấy không lay chuyển được tôi; 2 chị em ôm nhau khóc. Các cháu cũng khóc theo. Sau cùng chị Hồi đành nói: “Cậu ấy thích ở lại, thì để cậu ấy ở lại!”.

Khi chia tay nhau, vợ tôi gạt nước mắt thổn thức nói: “Thôi, anh chị đi. Cầu xin ơn trên che chở, phù hộ cho gia đình anh chị. Từ năm 17 tuổi đi lấy chồng tới nay, em đã có 8, 9 mặt con. Em chỉ xa nhà em có 9 ngày, khi anh ấy bị Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn bắt. Em không thể sống được, nếu không có anh ấy và các cháu, xin anh, chị thương em…”.

* Khẳng định chọn đúng đường

Nghe tôi hỏi chuyện quyết định ở lại vào những ngày cuối tháng 4 của 47 năm về trước, nay nhìn lại cụ có hối tiếc gì không?

Cụ Trần Xuân Roanh (trái) đến tận quán xưa “Phở tàu bay” để cùng thưởng thức với người tri kỷ (nhà văn Lý Nhân - Phan Thứ Lang, tác giả của hàng chục đầu sách tư liệu lịch sử cận hiện đại thuộc vào hàng best seller). Ảnh: Bùi Thuận
Cụ Trần Xuân Roanh (trái) đến tận quán xưa “Phở tàu bay” để cùng thưởng thức với người tri kỷ (nhà văn Lý Nhân - Phan Thứ Lang, tác giả của hàng chục đầu sách tư liệu lịch sử cận hiện đại thuộc vào hàng best seller). Ảnh: Bùi Thuận

Với vẻ tươi vui, cụ Roanh trả lời không chút do dự: “Tôi khẳng định là không tiếc nuối gì cả. Mà còn rất tự hào và cho là mình đã chọn hướng đi đúng, không mất gì, mà được rất nhiều. Nhờ quyết định ở lại, tôi có điều kiện trở về nơi mình cắt rốn chôn nhau mà đã một lần phải rời xa từ những năm 1954, gặp lại người thân, bạn bè, đồng đạo…, kết giao thêm với nhiều nhân vật tên tuổi mà trước đây từng biết tiếng và mơ ước được làm quen. Cũng rất đáng tự hào, thay vì bỏ nước, chui lủi ra đi như người thất bại, tôi lại đường hoàng xuất ngoại du lịch, tham quan, thăm viếng thân nhân và dạo chơi trên đất Mỹ cùng hàng chục quốc gia khác khắp các chân trời Âu Á với tư cách công dân của một quốc gia độc lập có hộ chiếu in hình quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và cả đại gia đình gồm 10 con, 21 cháu và 11 chắt của tôi hiện nay đều có cuộc sống… bình ổn, an vui. Trong đó, nhiều người còn thành danh và khá thành đạt trong công việc làm ăn”.

Bằng giọng tâm tình, cụ Trần Xuân Roanh nói thêm: “Đời tôi đã trải qua nhiều bước ngoặt. Con đường tôi đi không bằng phẳng, thậm chí gặp nhiều sóng gió nhưng tôi luôn giữ cho cái tâm mình luôn bình tĩnh, trong sáng, hòa nhịp cùng dân tộc và đất nước trong việc chọn lựa để có quyết định đúng đắn nhất và phải nói là tôi tự hào cho đến giờ vẫn giữ được phương châm sống “tam vô” của mình, đó là: vô kỷ, tức là sống quên mình; vô công, nghĩa là làm gì, đóng góp gì, giúp đỡ ai cũng đừng kể công; vô danh, là sống không tranh giành danh lợi!”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều