Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm hấp dẫn nội dung giáo dục địa phương

11:04, 08/04/2022

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tài liệu GDĐP được xem như sách giáo khoa. Trong năm học này, dù còn nhiều khó khăn nhưng một số trường học đã chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh.

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tài liệu GDĐP được xem như sách giáo khoa. Trong năm học này, dù còn nhiều khó khăn nhưng một số trường học đã chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh.

Học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT. Trảng Bom, H.Trảng Bom) biểu diễn tiết mục nghệ thuật đờn ca tài tử. Ảnh: H.Yến
Học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT. Trảng Bom, H.Trảng Bom) biểu diễn tiết mục nghệ thuật đờn ca tài tử. Ảnh: H.Yến

Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. Ở cấp THCS và cấp THPT, nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Từ khung thời lượng, các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) sẽ căn cứ nhu cầu thực tế để lựa chọn và xây dựng nội dung giáo dục phù hợp.

* Nhiều giáo viên cùng dạy

Các trường được chủ động chọn phương thức dạy học linh hoạt như: sắp xếp thời khóa biểu dạy như môn học độc lập, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn... Vì nội dung GDĐP gồm nhiều phân môn, do đó các trường thường chủ động phân công giáo viên dạy các chủ đề theo môn học. Ví dụ, chủ đề về văn học sẽ do giáo viên Ngữ văn dạy, chủ đề âm nhạc sẽ do giáo viên môn Âm nhạc dạy… Trong cùng một nội dung GDĐP sẽ có nhiều giáo viên dạy. Điều này khiến nhà trường, giáo viên lúng túng trong khâu kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Tại Đồng Nai, tỉnh đã chủ động biên soạn tài liệu GDĐP và gửi về Bộ GD-ĐT xem xét, phê duyệt tài liệu. Tuy nhiên, tài liệu này đã không được phê duyệt sớm ngay từ đầu năm học. Vì vậy, các trường THCS, giáo viên phải căn cứ vào khung chương trình GDĐP lớp 6 (trong đó có nêu rõ tên chủ đề, nội dung, yêu cầu cần đạt, bài học…) do Sở GD-ĐT ban hành để tự tìm kiếm, biên soạn tài liệu, xây dựng nội dung bài dạy. Điều này đã gây nên rất nhiều khó khăn, vất vả cho giáo viên, đặc biệt là trong bối cảnh phải dạy học online.

Cô Trần Thị Bình, giáo viên Trường THCS Phú Sơn (xã Phú Sơn, H.Tân Phú) chia sẻ, để dạy được nội dung GDĐP theo phân công của nhà trường trong khi chưa có tài liệu, giáo viên phải cố gắng lên mạng tìm kiếm tất cả hình ảnh liên quan đến nội dung bài học để biên soạn thành tài liệu, giúp học sinh học trực quan, sinh động hơn. Tuy nhiên, vì mỗi giáo viên được phân công dạy một phân môn khác nhau vào những thời điểm khác nhau nên khi học đến phân môn mới thì học sinh lại làm mất tài liệu của phân môn cũ. Do đó, đến khi kiểm tra cuối kỳ, giáo viên lại phải cung cấp lại tài liệu cho học sinh để các em ôn tập, kiểm tra.

* Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh

Dù có không ít khó khăn, bất cập khi triển khai nội dung GDĐP trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên, theo nhận xét của đa số giáo viên, nội dung GDĐP có thể trở thành “mảnh đất màu mỡ” để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hoặc xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Điều này sẽ khiến cho nội dung GDĐP trở nền gần gũi, hấp dẫn với học sinh.

Yêu cầu của Bộ GD-ĐT về tài liệu GDĐP là phải được biên soạn theo hướng mở, giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bên cạnh đó, nội dung tài liệu phải tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân…

Nội dung GDĐP lớp 6 tỉnh Đồng Nai gồm 6 chủ đề: Vị trí địa lý - lãnh thổ, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Đồng Nai; Đồng Nai từ thời nguyên thủy đến thế kỷ X; Thông điệp từ chuyện kể dân gian; Khúc hát quê hương; Nét đẹp Đồng Nai; Ẩm thực, trái cây tỉnh Đồng Nai.

Thực tế, sau khi học sinh được đi học trực tiếp trở lại và nhà trường được cung cấp tài liệu GDĐP, nhiều trường đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong nội dung GDĐP.

Cô Trần Thị Bình cho biết, Trường THCS Phú Sơn đã lên kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm ẩm thực quê hương vào ngày 23-4. Đây là hoạt động theo chủ đề 6 (ẩm thực, trái cây tỉnh Đồng Nai) trong nội dung GDĐP lớp 6. Theo đó, học sinh sẽ tự lên kế hoạch, tìm nguyên vật liệu để nấu một món ăn và phải trình bày được công thức món ăn đó, phải nêu được giá trị vật chất, tinh thần của món ăn… Những món ăn này sẽ được bán tại hội chợ ẩm thực của trường. Đây sẽ là hoạt động chung của học sinh các khối lớp chứ không chỉ có khối 6.

Tại Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom), ngày 30-3, nhà trường đã tổ chức chuyên đề hoạt động trải nghiệm với chủ đề Khám phá nét đẹp văn hóa Đồng Nai qua loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Cô Nguyễn Thị Hằng Hải, giáo viên thực hiện chuyên đề cho biết: “Hoạt động trải nghiệm này được thực hiện theo chủ đề 4 (Khúc hát quê hương) trong nội dung GDĐP lớp 6. Đây là chủ đề của phân môn Âm nhạc. Để tổ chức hoạt động trải nghiệm, chúng tôi tổ chức 1 tiết học tại lớp, giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh và hướng dẫn các em thực hiện nhiệm vụ. Trong tiết 2, học sinh sẽ báo cáo sản phẩm (thuyết trình, biểu diễn tiết mục văn nghệ)”.

Theo cô Hải, hoạt động GDĐP theo hướng mở sẽ giúp cho giáo viên khai thác, tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm như: giao lưu, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật dân tộc, các lễ hội văn hóa… đối với phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật; tham quan thực tế đối với phân môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn…

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích