Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ Má Sáu bán than ở cầu La Ngà

08:04, 22/04/2022

Mỗi lần đi qua cầu La Ngà (H.Định Quán), ký ức về Má Sáu (tên thật là bà Trần Thị Đạo, mất năm 1999, được Nhà nước truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2015) bán than nơi đây lại hiện ra trong tôi...

Mỗi lần đi qua cầu La Ngà (H.Định Quán), ký ức về Má Sáu (tên thật là bà Trần Thị Đạo, mất năm 1999, được Nhà nước truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2015) bán than nơi đây lại hiện ra trong tôi...

Cầu La Ngà. Ảnh minh họa
Cầu La Ngà. Ảnh minh họa

Khoảng năm 1972, tại nơi đầu cầu La Ngà gần cây số lẻ tư (km 104) có vựa bán than củi do Má Sáu đảm trách. Má sống độc thân, bà con quen gọi là Má Sáu vựa than củi, bởi như tên gọi má chỉ mua bán than và củi bó, hàng ngày nhiều xe chở hàng, xe khách ghé mua than, mua củi và cũng nhiều người mang củi, chở than đến bán cho Má Sáu. Việc kinh doanh của Má xem chừng thuận lợi vì xe cộ ghé mua bán ngày càng đông đúc. Nhiều người không biết tên Má, chỉ biết Má thứ sáu nên quen gọi là Má Sáu, có người tìm hiểu thì được biết quê Má ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Tây Ninh.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, việc thông tin liên lạc từ Trung ương Cục về các tỉnh, từ tỉnh về huyện, xã và ngược lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh hệ thống giao liên còn có hệ thống thông tin bằng vô tuyến điện - thông qua công việc của cán bộ báo vụ và cơ yếu, trong đó hệ thống giao liên đảm trách phần lớn thư từ, công văn. Đường dây giao liên từ vùng căn cứ Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh về đến Trung ương Cục miền Nam mất cả tháng trời, chưa kể những hy sinh mất mát khi anh em lọt vào ổ kích của địch.

Trước tình hình đó, việc tổ chức một đường dây công khai giữa tỉnh và Trung ương Cục trở nên cấp thiết và vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó phục vụ kịp thời chỉ đạo từ Trung ương Cục đến địa phương và địa phương báo cáo cũng nhanh hơn.

Khi được Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh đặt vấn đề, Má Sáu vui vẻ nhận lời làm giao liên công khai giữa Tỉnh ủy và Trung ương Cục, đều đặn mỗi tuần mấy lần Má mang tài liệu, công văn từ Tỉnh về Trung ương Cục và ngược lại. Khi có việc nhiều Má phải đi hằng ngày. Văn bản, tài liệu được viết bạch - là kỹ thuật viết trên mặt giấy trắng, khi nét chữ khô thì không thấy hiện màu mực nên gọi là viết bạch hay thư bạch, khi đọc chỉ cần hơ nóng vào ngọn đèn là chữ hiện ra.

Từ vùng căn cứ Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, Má mang tài liệu là những bạch thư giao cho một cơ sở tại tỉnh Tây Ninh và tại đây Má cũng nhận tài liệu giao lại cho tỉnh. Việc làm này hết sức nguy hiểm bởi lẽ nếu bị địch phát hiện bắt giữ thì phải chấp nhận tra tấn, tù đày. Hơn ai hết Má Sáu biết rõ việc này có thể bị lộ bất cứ lúc nào nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, Má luôn giữ gìn bí mật, khôn khéo qua mắt được kẻ địch để thư từ, công văn đến đúng thời gian, địa chỉ.

Năm 1972, Khu ủy miền Đông được tái lập, Má được điều động làm nhiệm vụ này cho Khu ủy và vựa bán than củi của Má Sáu cũng là điểm giao - nhận tài liệu ra đời. Do đó, ngoài việc giao nhận tại vựa than củi Má còn phải trực tiếp làm công việc này ở tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh. Trong giỏ xách của Má khi thì một vài cây kem đánh răng, cây thuốc lá đã bóc ra một gói (để chứng tỏ rằng Má cũng hút thuốc), khi thì mấy tấm ảnh nghệ sĩ khổ lớn chỉ có hình một mặt. Bạch thư được viết ở mặt giấy trắng không có hình, nếu nội dung nhiều thì được viết trên giấy pơ-luya (một loại giấy dùng cho máy đánh chữ) sau đó cuộn lại cho vào cây kem đánh răng sau khi đã bỏ hết kem ra và nút lại y như cây kem thật hoặc xếp gọn vuông góc cho vào gói thuốc lá rồi dán lại cẩn thận như gói thuốc thật để che mắt địch. Bằng cách này mà Má Sáu đã góp phần thông tin liên lạc kịp thời, thông suốt phục vụ cho chỉ đạo của Trung ương Cục, của Khu ủy miền Đông và của Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh được nhanh chóng, bí mật và chính xác.

Nhiều người thấy bà già người Nam bộ hút thuốc lá lấy làm lạ, có ai biết rằng Má phải tập hút thuốc để mang những gói thuốc - bạch thư,  là những tài liệu mật giúp cho đường dây giao liên công khai làm tròn sứ mệnh của mình.

Trung tuần tháng 3-1975, bộ đội ta triển khai đánh chiếm và giải phóng Chi khu Định Quán. Trước đó Khu ủy Miền Đông tổ chức đưa Má vào căn cứ để tránh nguy hiểm và khám bệnh cũng như bồi bổ sức khỏe cho Má. Sau giải phóng miền Nam được ít lâu, Má Sáu về lại quê nhà sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong thời kỳ kháng chiến.

Má Sáu sống khiêm tốn, giản dị, ít nói về mình đặc biệt là những chiến công thầm lặng và cũng không đăng ký để hưởng chính sách người có công, cũng rất ít người biết Má Sáu có chồng và hai con thoát ly tham gia kháng chiến, trong đó chồng và đứa con trai thân yêu của má mãi mãi không về.

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022)  tôi muốn thắp một nén tâm nhang để tưởng nhớ và bày tỏ lòng kính yêu, sự ngưỡng mộ Má Sáu - người mẹ tuyệt vời của chúng tôi.

Luật sư Nguyễn Đức (Nguyên cán bộ cơ yếu Văn phòng Khu ủy miền Đông)

 

Tin xem nhiều